2016/06/17

Về sự "sốt sắng" của giới chức Đài Loan

Chiềng Chạ
Trong bài viết mới đây nhất đăng trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, dẫn lời Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, Nguyễn Huyền Trang đã thông tin: “Một đại diện liên quan đến vấn đề môi trường ở Đài Loan cho biết, sau biến cố cá chết ở VN thì chính phủ Đài Loan có liên lạc với chính Phủ Việt Nam để muốn điều tra [nguyên nhân dẫn đến cá chết] nhưng quan chức này cho biết, chính phủ VN đã từ chối sự hợp tác của chính phủ Đài Loan.”
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan trong câu chuyện được nói đến (Nguồn: Internet). 
Và để chứng minh về sự thịnh tình và hoàn toàn không phải "làm màu" của giới chức Đài Loan khi phát đi lời đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng cá chết nhưng bị giới chức Việt Nam từ chối. Vị Linh mục đạo Công giáo người Việt đang mục vụ tại Đài Loan này cho biết thêm: "Ba vị Dân biểu Đài Loan và 4 tổ chức NGO ở Đài Loan quan tâm đến biển Miền Trung bị ô nhiễm nặng, dẫn đến cá biển chết dầy đặc, cuộc sống người dân rơi vào bế tắc đặc biệt là ngư dân mất nghiệp. Chính vì vậy, các vị Dân biểu này và 4 tổ chức NGO ở Đài Loan đã tổ chức buổi họp báo liên quan đến cá biển Miền Trung chết, do công ty Formosa xả thải độc tốc ra biển, làm ô nhiễm môi trường vào sáng ngày 16.06.2016". 
“Theo tôi được biết, một công ty có số vốn đầu tư hơn 150 triệu mỹ kim phải xin phép chính phủ Đài Loan để có những bộ ngành phê duyệt. Nhưng không biết lý do tại sao chỉ cần có 12 ngày mà công ty Formosa xin phép xây công ty tại VN, rồi vận hành công ty. Trong khi đó theo thông tin tôi được biết do các tổ chức NGO cho hay thì công ty Formosa xin chính phủ Đài Loan xây dựng công ty này ở Đài Loan, nhưng khi chính phủ Đài Loan xem xét kế hoạch đầu tư cũng như sự vận hành thì họ đã yêu cầu công ty này phải bổ sung thêm hồ sơ, nhưng sau đó chính phủ Đài Loan đã hủy bỏ đơn xin này. Công ty này đã đi tìm nơi khác và VN là nơi họ đã chọn.”
Lí giải sự từ chối của giới chức Việt Nam sau lời đề nghị của Đài Loan, xin được nói đôi điều như sau: 
Ngoài các lí do đã được chỉ ra trong bài viết "Lí do Việt Nam từ chối sự giúp đỡ của Mỹ về thảm họa cá chết" trước đó (Gồm: (1) Việt Nam đủ sức tìm ra nguyên nhân vụ việc cá chết nên không việc gì phải nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài; (2) Đây là một vấn đề nội bộ của Việt Nam, bài học trong quá khứ đã chỉ cho Việt Nam thấy được rằng đối với vấn đề nội bộ thì tốt hơn hết nên để tự mình giải quyết; (3) Tự mình thực hiện và có mời các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia nghiên cứu, tìm nguyên nhân là cách mà phía Việt Nam để các nhà khoa học trong nước có thể học hỏi, tiếp thu cách làm, phương pháp từ họ để những lần sau đó không phải cậy nhờ mà có thể tự thực hiện... dẫn đến việc Việt Nam từ chối lời đề nghị của phía Đài Loan thì chúng ta nên biết rằng: Sau khi xảy ra vụ việc cá chết mà tâm điểm là tại khu vực biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) thì không ai khác, hoạt động của tập đoàn Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) là nghi can số 1; một số cuộc biểu tình, tuần hành tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trong cả nước cho thấy rất rõ sự tức giận của người dân tới tập đoàn kinh tế này! 
Để đảm bảo rằng tập đoàn Formosa không chịu thiệt hại, tổn thất như các doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc từng lãnh nhận trong sự kiện giàn khoan HD981 có mặt tại thềm lục địa Việt Nam, cùng với việc nhanh chóng mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cá chết thì giới chức Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp để xoa dịu dư luận trước khi có nguyên nhân chính thức. Và có vẻ như sức nóng hướng tới tập đoàn Formosa đã được giảm thiểu sau những nỗ lực đó. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ lại như ban đầu, thậm chí còn ghê gớm và khó kiểm soát hơn nếu Việt Nam nhận lời giới chức Đài Loan vào để hỗ trợ nghiên cứu nguyên nhân cá chết. Bởi ngay lập tức người dân sẽ đặt ngay câu hỏi, sao không đồng ý Mỹ, EU (những quốc gia có nền khoa học hiện đại, và chính họ cũng đã ngỏ lời giúp đỡ Việt Nam trước Đài Loan) mà lại đồng ý để Đài Loan vào hỗ trợ? Cái lí "có tật giật mình" sẽ khiến cho dư luận nghĩ rằng, giới chức Đài Loan đang cố gắng giúp đỡ một tập đoàn kinh tế của mình vượt qua cơn vận hạn khó khăn này. 
Chưa hết, mồi lửa hướng đến tập đoàn Formosa sẽ trở nên lớn và dữ dội hơn khi đám "dân chủ", chống đối trong nước tha hồ phân tích dựa trên những luận suy mà trong cơn tức giận không ai là không tin này! Phía tập đoàn Formosa sẽ cùng vì thế sẽ bị thua thiệt đủ đường mặc cho chưa có chưa có bằng cớ nào chứng minh họ là thủ phạm gây nên thảm họa vừa qua. Đây có thể xem là lí do quan trọng nhất khiến giới chức Việt Nam từ chối lời đề nghị của giới chức Đài Loan. 
Quay lại câu chuyện của Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan. Theo cách nói của vị Linh mục này thì giới chức Đài Loan đang có xu hướng trở mặt hoàn toàn với tập đoàn Formosa bởi những sai phạm của họ ngay tại Đài Loan và tại các quốc gia mà tập đoàn này tới đầu tư; cho đó là lí do khiến Đài Loan trở nên sốt sắng trong việc hỗ trợ Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng cá chết để quy kết cho tập đoàn này! Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện, khía cạnh nào thì đấy hoàn toàn là một sự vô lý và rất đỗi khó hiểu. Tập đoàn Formosa đang đầu từ tại Hà Tĩnh (Việt Nam) là một tập đoàn kinh tế lớn đến từ Đài Loan; sự lớn mạnh của Đài Loan có sự đóng góp rất lớn từ những tập đoàn kinh tế như thế này! Vậy nên, nếu thực sự có chuyện họ đang hướng tới để hạ bệ Formosa thì chắc chắn nó không vì Việt Nam, vì môi trường biển của Việt Nam. 
Theo đó, ngoài Tập đoàn Formosa thì Đài Loan có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp đang vươn ra bên ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư. Điểm đến của họ không chỉ những quốc gia nghèo, thiếu vốn mà ngay cả quốc gia có tiềm lực như Mỹ! Các hệ lụy kéo theo do hoạt động của tập đoàn Formosa đang làm cho uy tín, hình ảnh của nhà đầu tư đến từ Đài Loan trở nên xấu đi trong mắt thế giới. Do đó, việc không đồng tình với Formosa là phương cách kiểu "thí tốt" mà Đài Loan đang hướng đến nhằm cải thiện hình ảnh đang có xu hướng tụt dốc thảm hại của các nhà đầu tư của mình sau sự kiện cá chết hàng loạt. Họ vì mình hơn là thực sự thịnh tình với Việt Nam sau lời đề nghị hỗ trợ vừa qua.

No comments: