2016/06/28

Ảnh hưởng của Brexit tới Việt Nam?

Chiềng Chạ
Thế giới đã bị rúng động nghiêm trọng sau sự kiện Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu EU. Nhiều mối quan hệ cả đa phương lẫn song phương cũng vì thế cũng trở nên bị biến dạng, thay đổi tính chất. 
Trả lời câu hỏi của báo giới bên lề hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty KPMG tại Việt Nam tổ chức sáng 28/6 về câu hỏi: " Ảnh hưởng của Brexit tới Việt Nam?", người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho hay: “Brexit không có tác động lớn đối với Việt Nam”. 
Lí do được ông Dũng đưa ra để lí giải cho quan điểm và cũng là lời khẳng định của Bộ Kế hoạch & đầu tư với vấn đề này là: "Anh cũng như EU chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng lớn với Việt Nam, kể cả thương mại và đầu tư. Do vậy, sẽ không có tác động ngay và lớn đối với Việt Nam trong ngắn hạn, còn trong dài hạn thì phải tiếp tục theo dõi". Và theo đánh giá của cá nhân ông Dũng thì Việt Nam chủ yếu bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua các bạn hàng xuất phát từ việc đồng tiền là lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn nhất từ Brexit. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Nguồn: Internet). 

Trên thực tế, sau Brexit đã có những luồng ý kiến trái chiều khi đánh giá ảnh hưởng của sự kiện này tới Việt Nam. Ngược lại với những ý kiến lạc quan như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói ở trên là không ít ý kiến tỏ ra quan ngại và thúc dục Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương cần đánh giá một cách tổng thể tác động của Brexit trên một số góc độ; đồng thời, trên cơ sở đó để đưa ra các chính sách phù hợp, tránh những tổn thất không đáng có do thái độ chủ quan trước một sự kiện tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua. 

Với những chia sẻ từ người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách, đầu tư những ai quan tâm tới điều này đã phần nào lạc quan hơn về viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, như ông Dũng đã khuyến cáo ở trên, việc “Brexit không có tác động lớn đối với Việt Nam” không đồng nghĩa Việt Nam hoàn toàn yên tâm và không cần có bất cứ động thái nào trong đối phó hay thay đổi chính sách cho phù hợp với bối cảnh mới - khi Anh không còn là thành viên của EU. Khe cửa hẹp để dẫn sự tác động của Brexit tới Việt Nam cũng được chỉ ra là thông qua đồng tiền của các đối tác, bạn hàng của Việt Nam! Điều này hoàn toàn có thể diễn ra bởi là hai trong số những nền kinh tế lớn của thế giới, Anh và EU có mối quan hệ kinh tế - thương mại với hầu hết các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, Đức, Trung Quốc.... Và những gì đã diễn ra trong quá khứ cho thấy, sức khỏe của các nền kinh tế này tác động rất lớn đến Việt Nam và dù mọi thứ sẽ giảm hơn về mức độ, tính chất khi sự ảnh hưởng đó là gián tiếp nhưng không thể vì thế mà không quan tâm, thậm chí là coi thường! 

Và thực sự đáng mừng khi mới đây nhất, để chủ động nhất trong đối phó với các ảnh hưởng từ hậu Brexit cũng như tận dụng các cơ hội đến từ biến động chính trị này, Bộ Kế hoạch & đầu tư cùng với Tổng cục Thống kê đã tiến hành rà soát lại tất cả các dự án đầu tư mà Anh đầu tư tại Việt Nam. Hai cơ quan này cũng tổ chức cho khảo sát, đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của chính sách đầu tư hiện tại trong bối cảnh Anh thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khi nước này rút ra khỏi EU? Từ kết quả của các đánh giá được cho là hết sức quan trọng này, sẽ chỉ cho Việt Nam cần giữ nguyên chính sách từng áp dụng với EU nói chung hay cần có những chính sách riêng cho EU và cho Anh? 

Bên cạnh đó, một lĩnh vực cũng được hai cơ quan cấp bộ này quan tâm trong quá trình khảo sát, đánh giá là nhìn nhận lại thuế suất đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung cũng như với từng nhóm hàng nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam sang 02 đối tác này. 

Nói như thế để thấy, dù không tác động quá lớn tới Việt Nam như đánh giá của các nhà chuyên gia, song với những sự nghiêm túc đã được chỉ ra, giới chức Việt Nam đã cho thấy họ không hề bị động trước những biến động của thế giới. Và thiết nghĩ rằng, đấy là điều mà Việt Nam sẽ cần phải duy trì để sự hội nhập kinh tế quốc tế không còn là một thuật ngữ quá mới và không thực tế!

No comments: