2016/04/09

ỨNG CỬ VIÊN ĐBQH NGUYỄN TRANG NHUNG ĐẠT 1/63 PHIẾU TÍN NHIỆM: KẾT QUẢ KHÔNG BẤT NGỜ

1/63 phiếu tín nhiệm của 63 người dân tại địa phương là kết quả của ứng cử viên Nguyễn Trang Nhung sau cuộc tiếp xúc cử tri tại trường Tiểu học Đông Ba (số 99 Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) diễn ra vào tối ngày 1/4/2016 vừa qua. Trước đó, trong hội nghị hiệp thương lần thứ 2 diễn ra vào ngày 17/3/2016 vừa qua, các đại biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 90 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội, trong đó có 48 người tự ứng cử. Nguyễn Trang Nhung - Chuyên viên kiểm thử phần mềm thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn LogiGear Việt Nam là một người tự ứng cử có trong danh sách này.

Chân dung Nguyễn Trang Nhung (đeo kính, cầm hoa) (Nguồn: Internet)

Với kết quả đạt phiếu tín nhiệm quá thấp như trên, ứng cử viên Nguyễn Trang Nhung chính thức rời khỏi “cuộc chơi” – cuộc tranh cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021. Nếu như trước đó, trong “chương trình hành động” trước đó mà Nguyễn Trang Nhung đăng tải trên mạng xã hội facebook, ứng cử viên này “nổ”: “Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ nỗ lực làm tốt vai trò người đại diện cho ý chí và nguyện của cử tri. Tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu ý chí và nguyện vọng của họ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề nghị, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của họ về các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan”. Luôn ra rả và tự nhận bản thân mình là “dân chủ” nhưng khi kết quả phiếu tín nhiệm thất bại thảm hại như trên thì Nguyễn Trang Nhung liền trở mặt, quay sang tru tréo, vu khống về hội nghị tiếp xúc cử tri rằng: “Đó thực sự là một cuộc đấu tố!”.

Bản thân không đáp ứng được tiêu chuẩn, không tham gia sinh hoạt các hoạt động cộng đồng tại nơi cư trú, không gần gũi, quan tâm tới nguyện vọng, không “tìm hiểu ý chí”, “lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề nghị, yêu cầu”… của người dân quanh khu vực thì kết quả kiểm tra phiếu tín nhiệm (1/63) trên đối với Nguyễn Trang Nhung không phải là con số bất ngờ. Hài hước hơn, 1 phiếu tín nhiệm trên theo Nguyễn Trang Nhung thú nhận thì chính bản thân cô này đã tự bỏ phiếu cho chính mình. Luôn luôn đòi “dân chủ” nhưng khi dân lên tiếng, dân không tín nhiệm thì lại phủ nhận, chửi rủa, xúc phạm lại “dân chủ”

Tại sao Nguyễn Trang Nhung lại không được người dân nơi cư trú tín nhiệm? Bởi lẽ:

Thứ nhất, Nguyễn Trang Nhung không tham gia sinh hoạt trong bất cử tổ chức chính trị - xã hội nào, cũng như các hoạt động tập thể, cộng đồng tại địa phương nơi mình cư trú. Không tham gia thì đồng nghĩa với việc không gần dân, không nắm và hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của dân. Vậy, một ứng cử viên đại biểu Quốc hội nhưng lại có khoảng cách với người dân như vậy, liệu người dân tại nơi cư trú có thể mạo hiểm để đặt niềm tin vào Nguyễn Trang Nhung khi giao cho cô này những tấm phiếu tín nhiệm để tiếp tục vào vòng tranh cử khác? Và kết quả đã phản ánh đúng thực trạng, người dân đã chọn và đặt niềm tin ở ứng cử viên đại biểu Quốc hội khác, một ứng cử viên có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức cùng với sự gần dân, nắm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân thay vì chọn một Nguyễn Trang Nhung “thùng rỗng kêu to”

Thứ hai, bản thân Nguyễn Trang Nhung đã có những hành vi câu kết với tổ chức khủng bố Việt Tân, thực hiện các hoạt động chống phá đất nước. Nguyễn Trang Nhung móc nối với một thành viên của Việt Tân là Phạm Lê Vương Các, núp bóng dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” nhưng bản chất là xuyên tạc, bịa đặt, kích động các tiểu thương khu vực chợ Long Khánh, Đồng Nai tụ tập đông người trái phép, gây rối trật tự an ninh công cộng và “tích cực” tham gia các hoạt động do các cá nhân, hội, nhóm, tổ chức phản động trong và ngoài nước hòng chống phá chính quyền khác . Ngoài ra, Nguyễn Trang Nhung còn có những phát ngôn, hành vi thiếu tôn trọng pháp luật, xuyên tạc, thêu dệt và thổi phồng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quấy rối sự an yên của nhân dân Việt Nam. 

Thứ ba, bản thân Nguyễn Trang Nhung ý thức được việc ứng cử đại biểu Quốc hội của mình sẽ thất bại nếu không sử dụng chiêu trò, thủ đoạn. Vì thế, trước khi diễn ra các vòng tranh cử, Nguyễn Trang Nhung đã “đầu tư” soạn thảo, in ấn và sau đó bỏ thời gian ra phát tờ rơi nhằm tuyên truyền, vận động người dân địa phương tại nơi cư trú. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Nguyễn Trang Nhung, chiêu trò trên của cô này đã trở thành “con dao hai lưỡi”, khi những nội dung trong tờ rơi lại trở thành vật chứng tố cáo bản chất của Nguyễn Trang Nhung. 

Ông cha ta có câu “cây ngay không sợ chết đứng”, nếu Nguyễn Trang Nhung thực sự có đủ tâm, đủ tầm tranh cử để trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội thì tại sao Nguyễn Trang Nhung không thực hiện như Điều 65, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức: “1.Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này; 2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này”? Nếu đàng hoàng, đứng đắn thì tại sao lại phải chơi trò lén lút khi phát tờ rơi hòng lấy lòng người dân tại nơi cư trú bằng những tờ rơi?

Ý kiến người dân tại nơi cư trú là ý kiến chuẩn xác, thiết thực nhất vì họ là những người thường xuyên tiếp xúc, sâu sát với người ứng cử đại biểu Quốc hội nên những thông tin như: lý lịch, lối sống, đạo đức, năng lực, nhận thức chính trị…, nếu đang còn tồn tại “sạn” gì thì những người dân nơi cư trú có thể nắm rõ, đầy đủ nhất. Vì vậy, việc tiến hành tổ chức Hội nghị Hiệp thương lấy ý kiến cử tri về trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội là việc cần thiết và hoàn toàn đúng theo các quy định của pháp luật.

Ứng viên đại biểu Quốc hội khi trở thành đại biểu Quốc hội chính thức thì sẽ đại diện, lên tiếng và phản ánh cho tiếng nói, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, người dân có tính trách nhiệm cao khi chọn lựa cẩn thận, kỹ càng những ứng viên đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm, có bản lĩnh và nhận thức chính trị trong sáng, lập trường vững vàng và thực sự vì quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu. Còn những kẻ lợi dụng tự ứng cử đại biểu Quốc hội để khoe mẽ, đánh bóng bản thân, trục lợi, thực hiện những mưu đồ chống phá, đi ngược lại với lợi ích của Tổ quốc thì sẽ bị thải loại là kết quả tất nhiên. Con số 1/63 phiếu tín nhiệm mà người dân nơi cư trú dành cho Nguyễn Trang Nhung là kết quả không bất ngờ vì những lý do đã nêu ra và phân tích ở trên. 

An Chiến

No comments: