2016/04/21

TIN MỚI NHẬN: THANH TRA TỈNH NGHỆ AN MỜI LÀM VIỆC ĐỐI VỚI ỨNG VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGÔ XUÂN PHÚC


Tin từNgô Xuân PhúctạiVinh.cho hay: "Mới nhận được lúc cuối giờ sáng nay, cũng phân vân nhưng rồi quyết định sẽ đi. Sáng mai lại phải dậy sớm! Lúc nhận có nói với người đưa công văn của TTT: đã họp xong rồi còn mời làm việc làm gì? UBBC Tỉnh đã thông qua danh sách mà chẳng quan tâm gì tới đơn thư khiếu nại tố cáo, giờ mới làm thì giải quyết được gì. Danh sách đã gửi lên UBBCQG thì còn làm được gì nữa. Câu trả lời: TTT mới nhận được hôm qua, đây là nhiệm vụ UBNDT giao, đã thành lập tổ CT, mời anh sáng mai qua làm việc.... hết đối thoại!". 

Trước hết, xin được nói luôn căn nguyên khiến Phúc được Thanh Tra tỉnh Nghệ An - (cơ quan chuyên giải quyết các khiếu nại, tố cáo trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An) mời lên làm việc. Theo đó, ngày 07/04/2016 vừa qua, Phúc đã có Đơn tố cáo gửi Ủy ban bầu cử tỉnh Nghệ An về việc làm sai lệch kết quả phiếu tín nhiệm đối với người ứng cử ĐBQH ở Hội nghị cử tri nơi cư trú. Trong đơn Phúc có nêu một số vấn đề mà theo ứng cử viên tự do này là có dấu hiệu "khuất tất, gian lận và làm sai của thành viên ban kiểm phiếu đối với kết quả phiếu tín nhiệm nơi cư trú". 

Lí do được Phúc chỉ ra trong đơn là: "Sau khi ban kiểm phiếu đã thông qua kết quả kiểm phiếu của tôi, tôi có đề nghị cho xem qua số phiếu và biên bản kiểm phiếu, được sự đồng ý của chủ trì Hội nghị, ban tổ chức và tổ kiểm phiếu lấy phiếu ra kiểm tra lại trước khi cho tôi xem, mặc dù trước đó đã thông qua kết quả. Tôi đứng sau lưng ông Dương, một thành viên của ban kiểm phiếu, là đảng viên, và thấy rõ ông này dùng bút gạch vào phiếu hợp lệ và đó là phiếu ủng hộ tôi. Ngay lúc đó tôi đã lên tiếng và đề nghị chủ trì, ban tổ chức, an ninh hội nghị tiến hành bắt giữ người có hành vi làm sai lệch kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Đồng thời đề nghị lập biên bản và có phương án xử lý. Nhưng cả chủ trì, ban tổ chức và những người có trách nhiệm không làm gì, có người còn bảo không phải làm, cứ để thế. Ngay sau đó tôi tuyên bố không công nhận buổi Hội nghị này vì thành viên ban kiểm phiếu vi phạm Luật bầu cử, cố tình làm sai lệch kết quả phiếu tín nhiệm. 

Khi tôi ý kiến còn có người phát biểu: việc tôi nhìn thấy thành viên ban kiểm phiếu gạch xóa tên không có ai làm chứng, và cùng lúc người có hành vi gạch phiếu đó - ông Dương - cũng bảo rằng ông ta không gạch phiếu, chỉ gạch phần họ và tên. Nhưng đó là ông ta phủ nhận hành vi của mình, vì lúc ông ta gạch vào phiếu ủng hộ hợp lệ tôi đứng sau lưng ông ta và nhìn thấy rõ hành vi đó. Như vậy sự cố tình vi phạm là rất rõ, và sự bao che, không vào cuộc của chủ trì, an ninh cũng rất rõ". 

Nguồn ảnh: FB Ngô Xuân Phúc. 

Lá đơn ngay sau đó đã được Ban Tiếp dân tỉnh tiếp nhận và tiến hành các công đoạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định. 

Ở đây, tôi đồng tình rằng, dù kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về nội dung đơn đã nêu của Ngô Xuân Phúc có như thế nào thì nó cũng không thể thay đổi được gì. Phúc sẽ vẫn mãi lỡ hẹn và trở thành "khách mời" trong dịp bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc giải quyết của Thanh tra tỉnh Nghệ An đối với đơn tố cáo của Ngô Xuân Phúc có đúng với quy định của pháp luật mà cụ thể là các quy định Luật Tố cáo năm 2011? Làm rõ điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ giải mã được những băn khoăn của Ngô Xuân Phúc; nếu trường hợp Ngô Xuân Phúc không đến làm việc theo giấy mời thì đương nhiên các quyền lợi đi kèm trong quá trình xem xét, giải quyết sẽ không được đảm bảo. 

Quy định tại điều 21 luật Tố cáo năm 2011 quy định về "Thời hạn giải quyết tố cáo" cho biết: 
"1. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

2. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày". 
Đối chiếu quy định đối với trường hợp đơn tố cáo của Ngô Xuân Phúc sẽ thấy rằng, Thanh tra Tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan hoàn toàn đảm bảo vấn đề thời gian trong quá trình thực thi công vụ. Đơn tố cáo của Phúc gửi hôm 07/04/2016, tính đến thời điểm Thanh tra tỉnh Nghệ An gửi giấy mời làm việc tới Phúc mới có 14 ngày.Nghĩa là thậm chí cơ quan này còn tiếp nhận xem xét đơn của Phúc sớm hơn thời hạn quy định (theo quy định là 60 ngày).Đó là chưa nói tới việc nếu căn cứ vào quy mô, tính chất phức tạp của các nội dung thể hiện trong đơn thì sẽ không có là sai nếu cơ quan đứng ra giải quyết xếp vào diện "vụ việc phức tạp" và thời giải quyết là90 ngày. 

Mặt khác, mặc dù là đơn vị chuyên trách giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên Thanh tra tỉnh Nghệ An không trực tiếp tiếp nhận đơn của Ngô Xuân Phúc mà là Ban tiếp dân Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo quy định tại khoản 1, điều 20 Luật tố cáo năm 2011 (tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo): "1. Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau:

a) Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;

b) Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết". 

Do không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nên Ban Tiếp dân UBND tỉnh đã chuyển đơn tố cáo sang cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trên thực tế, do nội dung đơn của Phúc liên quan vấn đề bầu cử cho nên Ban Tiếp dân có thể đã chuyển đơn tới Ủy ban bầu cử tỉnh Nghệ An để xử lý trước khi đến tay của cơ quan chuyên trách là Thanh tra tỉnh Nghệ An. 

Hiểu như thế để thấy rằng, việc Thanh tra tỉnh Nghệ An gửi giấy mời làm việc sau 14 ngày kể từ ngày Ban Tiếp dân UBND tỉnh tiếp nhận đơn là hoàn toàn dễ hiểu. Vậy nên Ngô Xuân Phúc vì thế sẽ không có bất cứ lí do nào để khước từ lời mời làm việc của cơ quan này. 
Tại sao Thanh tra tỉnh phải mời làm việc đối với Ngô Xuân Phúc? 
Có lẽ đây là một câu hỏi thu hút nhiều sự băn khoăn của những ai theo dõi câu chuyện. Tuy nhiên, như trên đã khẳng định, đây cũng là một vấn đề thuộc về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Thanh tra tỉnh Nghệ An đang thực hiện đúng theo luật Tố cáo năm 2011. Theo đó, sở dĩ Thanh tra tỉnh có giấy mời làm việc đối với Ngô Xuân Phúc trước khi tiến hành xem xét, giải quyết các nội dung theo đơn tố cáo bởi một trong những yêu cầu đặt ra là Phúc phải chứng tỏ được các nội dung tố cáo của mình đưa ra là khách quan; 

Phúc sẽ phải chứng minh trước cơ quan đứng ra giải quyết khiếu nại, tố cáo của mình các chi tiết nêu trong đơn; giải trình những câu hỏi thuộc về nghiệp vụ của cơ quan chuyên trách giải quyết khiếu nại tố cáo. Đương nhiên, nếu Phúc "thuyết phục" được, vượt qua các câu hỏi "trắc nghiệm" của cơ quan này thì lá đơn của Phúc sẽ được xem xét ở cấp cao hơn. Ngược lại thì quá trình giải quyết khiếu nại của Phúc sẽ dừng tại đây. 

Xin được quay lại câu chuyện này khi có thêm các tình tiết mới! 

An Chiến

No comments: