2016/04/19

Vụ công an quật ngã người bán hàng rong: Luật sư nói gì?

Nguyễn Tuấn. Infonet


“Qua sự việc này (một người bị đình chỉ công tác, một người phải nhập viện cấp cứu) là bài học đắt giá dành cho cả hai phía người dân và người thi hành công vụ”, luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Sự việc thượng sĩ Lương Việt Hà (công an P.4, Q.6) quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong (SN 1989, người bán hàng rong) ở tại đường Phạm Phú Thứ, gần chợ Bình Tiên (P.4, Q.6) dẫn tới phải nhập viện, xuất huyết não bán cầu phải (Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Phó khoa Ngoại thần kinh tại Bệnh viện 115 thông tin ngày 15/4). Trong khi đó, thượng sĩ Hà đã bị đình chỉ công tác để Công an điều tra làm rõ sự việc.
Xoay quanh vấn đề này, báo điện tử Infonet có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Ngô Đình Hoàng (Trưởng văn phòng LS Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM).

Thưa LS, quan điểm của LS về hành động của người bán hàng rong phản ứng lại, không chấp hành yêu cầu của thượng sĩ Hà dẫn tới hậu quả trên? Hành vi của thượng sĩ Hà có vượt quá giới hạn công vụ hay chỉ là một sự vô ý dẫn tới hậu quả trên?

LS Ngô Đình Hoàng: Hành động của người bán hàng rong sai rành rành, không những sai trong việc không chấp hành lệnh của người thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự và còn rất nhiều cái sai khác: điều khiển lưu hành phương tiện tự chế không có giấy tờ, không có đăng kiểm, không đội mũ bảo hiểm, đưa hối lộ, bán hàng hóa không có giấy phép và lấn chiếm lòng lề đường.

Và theo lời anh kể (anh Phong-PV) sau khi tỉnh táo tại bệnh viện thì anh biết vi phạm nhưng vẫn làm, đã rất nhiều lần vi phạm, đã từng bị lập biên bản về hành vi lấn chiếm lòng lề đường, khi thấy tổ tuần tra thì bỏ chạy và khi tổ tuần tra đi qua thì quay xe lại bán tiếp...

Hành vi của thượng sỹ Hà có vượt quá giới hạn công vụ hay không thì cần xác minh rõ anh công an đó có được giao nhiệm vụ hay không? Hành vi anh thực hiện với anh bán hàng rong có phù hợp điều lệnh ngành hay không? Theo trả lời trên báo chí của đại diện của cơ quan công an TP.HCM đã xác nhận anh Hà tự ý thực hiện nhiệm vụ khi không được chỉ huy phân công, cách hành xử của thượng sĩ này không đúng với quy tắc ứng xử và điều lệnh ngành. Như vậy anh Hà cũng có cái sai khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc như thế này.

Riêng việc gây ra hậu quả chấn thương cho anh bán hàng rong, qua xem kỹ trên clip đăng trên báo, tôi nhận thấy anh Hà có hành vi cố ý khống chế anh bán hàng rong nhưng hậu quả xảy ra (gây chấn thương) là nằm ngoài mong muốn và dự liệu của anh Hà.

Nếu ai có hiểu biết về võ thuật thì sẽ hiểu đòn thế anh Hà sử dụng trong trường hợp này là thuộc trong những đòn thế phòng thủ nhằm triệt tiêu sự đòn tấn công của đối phương, khống chế và làm chủ tình hình trong mối tương quan giữa hai phía (gạt, đỡ, quăng, quật, xô, níu phối hợp tay chân và mượn lực, nương lực...).

Đó không phải là loại đòn thế chủ đích tấn công gây sát thương cho đối phương (ví dụ đấm, đá, xỉa, lên gối, thúc cùi chỏ... vào những vị trí hiểm yếu của đối phương). Anh Hà túm áo và gạt chân anh bán hàng rong để quật ngã và khống chế, sau khi anh bán hàng rong ngã hoàn toàn không có thêm bất cứ động tác nào thể hiện cố ý gây sát thương cho anh bán hàng rong.

Điều đó thể hiện ý chí anh Hà chỉ là khống chế anh bán hàng rong thôi, hậu quả xảy ra gây chấn thương cho anh bán hàng rong có thể do động tác của anh Hà quá nhanh và dứt khoát, anh bán hàng rong quá yếu không đủ sức gượng tránh đầu va đập xuống nền đường đá cứng.

Thượng sĩ Hà quật ngã người bán hàng rong (Ảnh cắt từ clip) Luật pháp công bằng, mọi người đều bình đẳng. Quan điểm LS để xử lý sự việc trên ra sao? Sau sự việc, thượng sĩ Hà đã chính thức bị đình chỉ công tác để công an điều tra làm rõ. Sự việc có phải là bài học cho cả 2 phía người dân và người thi hành công vụ?

LS Ngô Đình Hoàng: Luật pháp là công bằng. Những cái sai của anh thượng sỹ Hà thì cơ quan công an sẽ phải làm rõ đến nơi đến chốn, không bao che cho người trong ngành, nhưng cũng đừng vì áp lực của dư luận mà xử lý ép cán bộ chiến sỹ của mình để thỏa mãn tâm lý đám đông.

Trường hợp xác định anh công an đã lạm quyền dẫn đến chấn thương cho anh bán hàng rong kia thì anh công an phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước mọi chi phí điều trị phục hồi sức khỏe cho anh bán hàng rong cũng như những tổn thất về tinh thần và mất thu nhập do phải điều trị thương.

Chính xác, qua sự việc này là bài học đắt giá dành cho cả hai phía người dân và người thi hành công vụ.

Đối với người thi hành công vụ cần thực thi đúng điều lệnh, đúng quy trình, đúng chuẩn mực mà pháp luật cho phép những gì được làm. Nếu lạm quyền gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm về sự lạm quyền đó.

Đối với người dân, cần tuyệt đối chấp hành luật pháp, chấp hành lệnh của người có thẩm quyền, tôn trọng và tự giác không làm sai kỷ cương trật tự đô thị. Không dùng cái nghèo ra để biện minh cho những hành vi sai trái hay chống đối lại người thi hành công vụ.
Giả sử bất chấp điều cấm của pháp luật (như cấm tụ tập buôn bán dưới lòng lề đường, cấm điều khiển phương tiện mà không có giấy tờ và đăng kiểm hợp pháp, cấm dừng, đỗ xe ở nới có biển cấm, cấm đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...) mà có hậu quả đáng tiếc xảy ra thì người chịu thiệt thời đầu tiên chính là bản thân, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội.

LS Phạm Công Út (Văn phòng luật Phạm Nghiêm): "Hãy đặt mình trong trạng thái của thượng sĩ Hà"

Chia sẻ góc nhìn về sự việc trên, LS Út nói: Đây là một việc rất nhạy cảm , nếu đọc báo mà không xem clip thì mình sẽ có cái nhìn nhận và đánh giá khác và ngược lại sẽ có đánh giá khác.

Sự việc này đã dẫn tới phản ứng gay gắt của công luận khi nghe công an đánh một người bán hàng rong bị chấn thương.

Xem clip thì hiểu phần nào câu chuyện: anh bán hàng rong sấn tới, anh thượng sĩ nắm tay nắm cổ áo, gạt chân và quật ngã, chỉ duy nhất có động thái gạt chân, quật ngã khiến người bán hàng rong đầu đập xuống đường.

Không phải công an, kể cả người dân bình thường vẫn có phản ứng tự vệ nếu gặp tình huống giống thượng sĩ Hà. Dư luận dị ứng sắc phục công an, hãy đặt vị trí vào bất kỳ người nào không mặc sắc phục công an. Đặt là người dân bình thường, ai tấn công, phản xạ theo võ hoặc không theo võ sấn sổ vẫn có phản ứng tự vệ.

Sự chừng mực của người công an này chỉ duy nhất chỉ 1 lần, dừng lại và không có lần thứ 2.

Trong clip người bán hàng rong ăn vạ, ngồi dậy, phản ứng khác. Lúc đó, không biểu hiện chấn thương.

Trong clip tôi không lên án anh công an, nếu anh là người dân bình thường thì anh vẫn có phản ứng tự vệ. Tôi không bênh vực công an, cũng không ngả theo dư luận.

Hành vi của thượng sĩ Hà là phản xạ tự vệ, bất chợt để khống chế người bán hàng rong không dẫn tới hành vi tiếp theo. Theo dõi clip, tôi thông cảm và cho rằng anh này (thượng sĩ Hà-PV) không có lỗi.

Quay ngược lại, anh này (anh Phong-bán hàng rong) có lỗi, anh sấn tới người khác trước, vi phạm hành chính chưa nói.

Nói về chấn thương là điều đáng tiếc, anh thượng sĩ chỉ quật ngã người bán hàng rong duy nhất một lần rồi dừng lại, phân trần với mọi người.

Mình gửi thông điệp bạn đọc, đặt mình trong trạng thái của thượng sĩ Hà, nhất là đối với người dân, không nói mặc sắc phục hay không sắc phục trong lúc người khác tấn công mình.

No comments: