30/4
của 41 năm trước (1975) tôi hân hoan đến tột cùng nhảy múa, hét lên
cùng đồng đội, lia hết một băng AK lên trời đan những làn đạn lửa vạch
đỏ bầu trời cùng hàng vạn luồng đạn của những người cầm súng quanh mình.
Cảm
xúc đó của tuổi trẻ đã bị dồn nén đến giới hạn suốt 10 năm bởi bom đạn
Mỹ trên quê hương. Sức vóc bật dậy của một đứa trẻ chớm tuổi dậy thì bị
vùi trong hầm sâu, ăn hầm, ngủ hầm, học bài dưới hầm, trực chiến trong
hầm, làm việc dưới nhà hầm... cùng với cái đói thường trực cồn cào, chỉ
có súng đạn với bom Mỹ là dư thừa.
Chai
sạn với chiến tranh, người dân quê tôi chẳng cần ngẩng mặt lên trời
cũng biết máy bay Mỹ đang bay qua, lượn vòng hay bổ nhào ném bom. Nhìn
hình dáng quả bom mới bung ra dưới bụng máy bay là biết nó rơi chỗ mình
hay chỗ khác, xa hay gần để mà ung dung bước đi hay nhảy xuống hầm. Nghe
tiếng đề pa, tiếng rít của pháo tàu từ biển dội vào trong đêm tối mà
ngồi uống nước hay phải lăn xuống chiến hào. Một trận B52 quét qua nhằm
ngày 2/9, gần 300 người dân lành bỏ mạng, những người còn sống cuốc bới
trong nước mắt để lôi từ hầm, từ những ngôi nhà đổ nát lên những cái xác
không còn nguyên vẹn của đồng bào mình, gói ghém bằng vài vuông vải,
đẩy ra nghĩa địa mà không còn cả hương thắp.
Ngày
nào, đêm nào cũng ùng oàng bom đạn, lửa cháy cùng tiếng gầm rú của máy
bay, tiếng la hét cứu sập hầm, tiếng khóc thương người mới chết. Hình
ảnh những đứa trẻ vai đeo ba lô, ruột tượng gạo bước chập chờn trong ánh
lửa, dưới ánh đèn pháo sáng, xiêu vẹo theo thầy cô đi bộ cả hàng chục
ngày dưới bom đạn để sơ tán ra tận Thanh Hóa, Thái Bình để bảo tồn nòi
giống cứ đóng đinh vào tâm trí. Hình ảnh những đồng đội tôi trúng bom
thân thể bị xé vụn, cháy thui dưới gầm xe cứ ám ảnh trong giấc ngủ.
Thế đấy, nên ngày chiến thắng vỡ òa sung sướng đến hét lên, bắn súng lên trời, ôm nhau khóc.
Thế đấy, nên mới trân quý hòa bình, an yên, nớp nớp lo sợ súng nổ, chiến tranh, loạn lạc.
30/4
năm nay (2016) giật mình thảng thốt vì suýt quên treo cờ mừng ngày
chiến thắng và tưởng nhớ về những người đã mất do chiến tranh vì nghe
tin đồng bào tôi xuống đường làm tắc nghẽn giao thông do cá đánh về
không bán được. Suốt một dải miền Trung kiên cường trong đánh Mỹ lại gục
ngã vì cá chết, vì khủng hoảng truyền thông.
Cá
chết hẳn không bằng những trận bom B52 thời chiến tranh mà đồng bào tôi
đã trải qua vậy mà vẫn vững tay chèo tay súng ra khơi, vẫn tay cày, tay
cuốc trên đồng dẫu con cá, hạt lúa thấm máu. Chẳng lẽ câu "Xe chưa qua
nhà không tiếc" của đồng bào tôi thời chống Mỹ hôm nay bỗng nằm ngáng
ngang đường quốc lộ!
Sao
vậy nhỉ, chẳng lẽ một dân tộc vừa vuốt máu đứng dậy sau chiến tranh lại
cuồng nộ vì những điều chưa thấu tỏ, lại trút giận lên chính dân tộc
mình vì lợi ích bị tổn hại do lý do nào đó chưa tỏ tường.
Phải
chăng đó là lỗi của chính quyền vì đã chậm trễ có câu trả lời nguyên
nhân cá chết. Đó là lỗi của thói vô trách nhiệm của truyền thông khi đưa
tin thiếu trung thực về nguyên nhân cá chết. Đó là lỗi của của những kẻ
cơ hội, thù nghịch âm mưu gây cơn biến động để đục nước béo cò, nồi da
xáo thịt. Đó là lỗi của khả năng miễn dịch của đồng bào tôi trước cơn lũ
đầu độc thông tin trên mạng xã hội.
Tôi
tin với bản chất thuần hậu, lam lũ, kiên cường của đồng bào mình mỗi
khi hiểu rõ những vấn đề trên họ sẽ đồng lòng, hợp sức khắc phục khó
khăn để xây dựng, bảo vệ quê hương mình mà thôi.
Hãy bình tâm và nắm chặt tay nhau đi qua khó khăn trong những ngày tháng tư này hỡi đồng bào tôi.
No comments:
Post a Comment