2016/04/29

THÔNG BÁO CỦA BAN CÔNG LÝ & HÒA BÌNH - GIÁO PHẬN VINH: CHUNG TAY KHẮC PHỤC THẢM HỌA HAY KÍCH ĐỘNG CHỐNG ĐỐI?


Giới thiệu trước khi đi vào thông báo của Ban Công lý và Hòa bình về thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, Website http://giaophanvinh.net đặt vấn đề như sau: "Trong khi chính quyền chưa bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thích đáng, chúng tôi kêu gọi mọi người dân hãy biết tự bảo vệ chính mình. Xin anh chị em cầu nguyện và liên đới chia sẻ những khó khăn với các nạn nhân trong thảm họa này. Để đạt tới một sự phát triển hài hòa và bền vững trong đó con người cũng như thiên nhiên đều được tôn trọng, chúng tôi kêu gọi những cá nhân, cơ quan hữu trách, các doanh nghiệp và tất cả mọi người cùng chung tay hành động vì tương lai của dân tộc và vì trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường". 
Hình ảnh trong bản Thông báo (Nguồn: http://giaophanvinh.net). 

Thực tình, khi mới nhìn qua cách đặt vấn đề trên không có gì là quá bất thường; trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như cải tạo để môi trường trở nên trong lành và đáng sống hơn là trách nhiệm không chỉ của các nhà chức trách, các cơ quan chuyên môn mà là cả của chính những người dân. Và để hạn chế tới mức thấp nhất các hậu quả gây nên cho môi trường sống thì tính chủ động của từng cá thể trong xã hội cần được phát huy là vì thế. Tuy nhiên, đọc kỹ câu "Trong khi chính quyền chưa bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thích đáng, chúng tôi kêu gọi mọi người dân hãy biết tự bảo vệ chính mình"thì vấn đề đã xuất hiện. 

Và với cách diễn đạt này, Website được cho là cơ quan ngôn luận chính thức, duy nhất của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh (1 trong 26 Giáo phận Công giáo có mặt tại Việt Nam) đã gần như phủ nhận hoàn toàn, sạch trơn những nỗ lực của chính quyền trong cải thiện, giữ gìn môi trường sống trong thời gian qua mà gần đây nhất là trong vụ cá chết hàng loạt tại khu vực Biển thuộc một số tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế. Điều này hoàn toàn trái ngược với những thông tin trên cả báo chính thống và báo lề trái phản ánh. Theo đó, trong vụ cá chết hàng loạt mặc dù đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng chưa được ra được nguyên nhân chính thức và mọi thứ vẫn đang nằm ở dạng "nghi vấn", "không loại trừ" song không ai dám bảo rằng các cơ quan chức năng (07 bộ ở Trung ương và chính quyền 04 tỉnh chịu thiệt hại trực tiếp) đã không vào cuộc và "chưa bảo vệ quyền lợi của người dân". 

Cụ thể hơn nhiều đoàn công tác Trung ương do người đứng đầu các cơ quan này đã trực tiếp xuống khảo sát và chỉ đạo trực tiếp các bộ ban, ngành và các địa phương liên quan thực hiện các mặt công tác trong khắc phục hậu quả cũng như làm rõ các nội dung liên quan. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyển thị sát tại Hà Tĩnh đã chỉ đạo như sau: “Để sớm ổn định SX-KD, đặc biệt là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cá chết trên cơ sở khoa học, khách quan. Xác định rõ, nếu do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, phải tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào. Nếu cần thiết thấy rằng chưa đủ khả năng tìm ra nguyên nhân thì phải hợp tác quốc tế”. Đồng thời, theo báo Hà Tĩnh, "Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại. Cùng với đó, trên tình hình thực tế, hướng dẫn các hộ sản xuất, bà con ngư dân cũng như các hộ kinh doanh, dịch vụ trong việc phục hồi sản xuất; các địa phương thống kê đầy đủ mức độ thiệt hại của các hộ sản xuất, người dân; chủ động kịp thời chia sẻ, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình khó khăn, hộ nghèo bị thiệt hại để bà con ổn định cuộc sống". 

Chính quyền các tỉnh liên quan cũng đã vào cuộc trong kiểm soát, thu hồi và xử lý số cá chết đã trôi dạt vào bờ. Các hoạt động chia sẽ, thăm hỏi, động viên cũng đã tiến hành kịp thời nhằm động viên những người ngư dân an tâm và chờ đợi kết quả kết luận cuối cùng để tìm ra một giải pháp có tính căn cơ và lâu dài. 

Nói như thế để thấy rằng, nói "chính quyền chưa bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thích đáng" là hoàn toàn vu khống và không đúng thực tế với những gì đang diễn ra. Chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã cố gắng hết sức và có chăng kết quả chưa như ý mà thôi! 

Trở lại với Thông báo của Ban Công lý và hòa bình Giáo phận Vinh. Thông báo đã nhắc lại Thông điệp Laudato Si', Số 2 của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vấn nạn môi trường bị hủy hoại và kêu gọi mọi người cùng dấn thân trong bảo vệ, làm trong sạch môi trường trái đất. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp và thống nhất với một văn bản luật cao nhất trên lĩnh vực này là luật bảo vệ Môi trường được thông qua năm 2014: “Mẹ Trái Đất đang kêu gào vì sự hủy hoại của chúng ta qua việc sử dụng của cải một cách vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Chúng ta tự xem mình là sỡ hữu chủ, nên được quyền bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, đã xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và trong mọi dạng thức của sự sống. Trái Đất của chúng ta đang bị bóc lột và tàn phá là một trong những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, nó đang ‘rên siết và quằn quại’ (Rm 8, 22)”(Đức Thánh Cha Phanxicô, 'Thông điệp Laudato Si', Số 2).

Thông báo cũng chỉ ra được tình hình cũng như hậu quả của vấn nạn ô nhiễm môi trường biển dẫn đến hiện tượng cá chết tại vùng biển của 04 tỉnh miền Trung: "Trong những ngày qua, người dân miền Trung phải chứng kiến cảnh “rên xiết và quằn quại” của biển khi hàng trăm tấn cá bị chết do ô nhiễm môi trường trôi dạt vào bờ. Hoạt động đánh bắt thủy hải sản để mưu sinh từ bao đời nay của hàng ngàn hộ dân đã bị hoàn toàn đình trệ. Hàng ngàn hecta đầm hồ nuôi trồng thủy hải sản và làm muối đang lâm vào cảnh khốn đốn. Thực phẩm độc hại lan tràn, dịch vụ nghề cá và du lịch đang chịu những hậu quả tai hại. Nghiêm trọng nhất, sức khỏe và mạng sống của hàng triệu người dân đang bị đe dọa. Tương lai của nòi giống Việt sẽ đi về đâu khi phải sống trong một môi trường tệ hại mà ngay cả tôm cá, với bản năng tự nhiên mãnh liệt của nó, cũng không sống nổi". 

Tuy nhiên, cũng như cách đặt vấn đề ngay từ đầu đã được chỉ ra ở trên, Thông báo tiếp tục đề cập một cách vô nguyên cớ và bịa đặt, vu khống khi cho rằng: "các cơ quan chức năng vẫn ù lỳ chưa chính thức công bố nguyên nhân gây ra thảm họa; chính quyền địa phương thì im lặng một cách vô trách nhiệm đến ghê sợ; một số quan chức còn đưa ra những phát biểu ngang ngược, coi thường tính mạng con người và pháp luật". 

Ở đây tôi hoàn toàn đồng tình là việc đưa ra nguyên nhân hiện tượng cá chết diễn ra tương đối chậm và điều đó khiến một bộ phận người dân tỏ ra bức xúc, thậm chí là lo sợ nhưng việc cho rằng chính quyền vẫn "im lặng một cách vô trách nhiệm" như được đề cập thì hoàn toàn không phải. 

Đối diện với vấn nạn ô nhiễm môi trường biển tại Miền Trung trong thời điểm hiện tại chúng ta không đơn thuần là đi tới loại bỏ tất cả các nguyên nhân điều kiện dẫn tới tình trạng hiện tại bởi nếu như thế đồng nghĩa chúng ta sẽ triệt tiêu, loại bỏ hết tất cả những nhân tố liên quan mặc dù nó không liên quan hoặc không trực tiếp góp phần tạo nên thảm cảnh vừa qua. Sự chừng mực và thận trọng mà chúng ta sẽ phải quán triệt trong quá trình thực hiện nếu không muốn nhận thêm những hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực kinh tế. 

Formosa là một nhân tố liên quan, với một lượng chất thải tuồn xuống biển thì họ sẽ khó tránh khỏi vấn đề trách nhiệm trong việc gây ô nhiễm môi trường biển và trực tiếp dẫn đến hiện tượng cá chết hơn 20 ngày qua. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng, cho đến nay, Formosa vẫn đang hiện diện tại Việt Nam với tư cách một thực thể, một pháp nhân kinh tế và họ đến Việt Nam không phải là vấn đề ngẫu nhiên hay thuộc về ý chí chủ quan của chính họ. Sự có mặt của họ đã được xác nhận bằng các khế ước, các hợp đồng kinh tế mà Nhà nước, chính quyền địa phương liên quan đã thực hiện. Cho nên, để cáo buộc được họ, gắn trách nhiệm và thậm chí là để có thể phá bỏ hợp đồng với họ (nếu thấy cần thiết) thì không đơn thuần là những tiếng chửi đổng, những cuộc đấu tố kiểu vu vạ vô căn cứ. Do đó các bằng chứng thực sự sát thực là điều chúng ta cần để nếu có phải ra đi thì sự ra đi của Formosa không tạo nên một điều gì đó bất lợi cho nền đầu tư Việt Nam.

Đó cũng là lí do chúng ta cần thời gian để không những chỉ ra cho người dân thấy được đâu là nguyên do khiến cá chết hàng loạt mà để sử dụng trong những thương vụ quy kết trách nhiệm nếu thấy cần thiết. 

Hay nói cách khác, để làm thỏa mãn, cho người dân những đáp số về hiện tượng cá chết sẽ không khó và chắc chắn nếu chỉ có mỗi mục tiêu này thôi thì không phải đợi lâu đến thế. Vậy nhưng, như đã nói ở trên, bài toán mà các cơ quan chức năng đang phải giải quyết không đơn thuần là vấn đề xử lý trách nhiệm hay ai sẽ đứng ra nhận sai phạm về mình. Mà đó còn là vấn đề kinh tế về mặt lâu dài. Trong trường ợp có sai phạm mà Formosa không có cách để khắc phục về mặt lâu dài đương nhiên họ sẽ phải ra đi nhưng thử hỏi rằng nếu họ ra đi khi chưa có một bằng cớ xác đáng nào thì sẽ như thế nào? Các nhà đầu tư quốc tế khác sẽ nghĩ gì, nói gì về cách hành xử không dựa trên nền tảng pháp luật hiện hành. Và tôi rất tán thành câu nói của Hoàng Anh Minh"Nhưng “hợp đồng” với Formosa giờ đã là một thỏa thuận quốc tế, nó cần được tôn trọng và giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào cách hành xử của chúng ta. Nhà đầu tư thì như cánh chim trời, không nên để họ rơi vào cảnh “kinh cung chi điểu”. Điều đó là tiên quyết đúng dù cho những dự án mà chúng ta ưu tiên thu hút sắp tới không phải là công nghiệp, nhất là những dự án có khả năng gây ô nhiễm lớn. 

Chính vì vậy, điều rất dễ nhận thấy là trong cách giải quyết của các cơ quan chức năng cho đến thời điểm hiện tại không quá ồn ào hay khoa trương. Và bên cạnh chờ đợi những kết quả kết luận khoa học cuối cùng thì như đã nói ở trên các cơ quan từ Trung ương cho tới các địa phương liên quan đang tích cực khắc phục phần nào các thiệt hại đã gây ra trong khả năng có thể. 
Điều gì sẽ xảy ra sau bản Thông báo với những lời nhận định đầy vu khống và lệch lạc này? 
Trên thực tế, nếu đây là Thông báo của một tổ chức xã hội đơn thuần thì sẽ không đến nỗi phải bàn tán quá nhiều. Những điều không đúng, lệch lạc trong đó có thể chỉ tiêm nhiễm ở một bộ phận người rất nhỏ trong xã hội. Nhưng đằng này, chủ thể đứng ra phát đi bản Thông báo kia là Ban Công lý & Hòa bình của Giáo phận Vinh (Theo thông tin từ Wikipedia thì Giáo phận Vinh là Giáo phận lớn thứ 3 về mặt diện tích, và là giáo phận đứng thứ 10/26 Giáo phận trong cả nước với hơn 50 vạn giáo dân) thì xem chừng hệ quả xấu nó để lại không phải là chuyện nhỏ. 

Chưa hết, được biết là một Giáo phận có con dân tương đối sùng đạo và đức vâng lời sẽ khiến cho những tín đồ nơi đây tin theo bản thông báo mà không cần có bất cứ sự xác đoán hay nghi ngại gì? Tin chắc rằng niềm tin của những ai tiếp cận bản thông báo vào chính quyền cũng vì thế mà giảm sút đi trông thấy! Không loại trừ sau bản thông báo này những người giáo dân thiếu hiểu biết và có niềm tin mù quáng của Giáo phận Vinh kia sẽ lại tái lập câu chuyện đã từng xảy ra vào thời điểm 2014 (sau sự kiện giàn khoan HD981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam). 

Cho nên, xét về khía cạnh tôn giáo hay đời thường thì bản thông báo của Ban Công lý & Hòa bình Giáo phận Vinh không thể là động thái góp phần cải thiện hay chung tay bảo vệ môi trường. Có chăng chỉ khiến con người ta cố tình đổ lỗi cho một thực thể chưa rõ ràng về những thảm họa đang xảy ra/ cố tình làm xấu vấn đề và khiến công tác giải quyết lâm vào những trạng thái khó khăn và bế tắc hơn! Những lời lẽ trong bản thông báo càng gợi cho nhiều người thấy rõ hơn bản chất cực đoan, hiếu chiến của một bộ phận chức sắc tại một địa phận gian khó, nơi mà con người ta nên chung tay đồng lòng hơn là vạch ra những lỗi lầm của nhau ra đề chỉ trích, lên án!

An Chiến

No comments: