2016/04/26

Nếu phải chọn cá với thép, tôi chọn cá

Mõ Làng


Sáng ngày 25-4-2016, nhóm phóng viên VTC14 đã tìm gặp và phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm-Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), với vẻ rất thật lòng, ông Chu nói trước máy ghi hình: “(Việt Nam) Phải chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”. 

Giám đốc đối ngoại của Formosa còn nói: “Người dân ở đây (Hà Tĩnh) cũng như Nhà nước (Việt Nam) sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”.

Tin mới cập nhật, chiều 25/4, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản thông báo Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp về hiện tượng cá chết bất thường tại ven biển các tỉnh miền Trung vào cuối tuần qua.

Nội dung kết luận nêu rõ, qua kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. 

Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh, bất thường, trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như: sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Tuy nhiên cũng không nói được độc tố ấy là loại gì, ở đâu ra. Báo chí thì hướng dư luận nghi ngờ vào Formosa.

Sáng nay, VTV cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Formosa và nhận được câu trả lời nước thải của Formosa đạt thông số tiêu chuẩn cho phép, có trạm quan trắc tự động cập nhật. Riêng xử lý nước thải Formosa đã đầu tư 45 triệu USD. Hàng trăm tấn hóa chất nhập là thứ phụ gia cho quá trình làm nguội và tẩy rửa và nó được xử lý đến khi đạt chuẩn mới thải. Số hóa chất đó là HCL và NAOH sẽ được dùng lâu dài.

Các thông tin vẫn rất mù mờ và không chỉ ra được thủ phạm. Riêng ông Chu Xuân Phàm đã rất chân thật, thẳng thắn khi ra đề "bài toán" chọn thép hay cá và lời giải suy đoán cũng rất đơn giản. Nếu là doanh nghiệp Formosa tất sẽ chọn thép, còn người dân Việt tất sẽ chọn cá. 

Formosa chọn thép vì phần lời từ thép chủ yếu sẽ thuộc về họ, dân Việt chỉ được hưởng lợi một phần từ thuế, vài ngàn chỗ làm cùng với việc bán quặng của mỏ sắt Thạc Khê. Dân Việt chọn cá vì sinh kế của vài triệu người đánh cá, du lịch biển dọc miền Trung cùng môi trường sống của vài chục triệu người nương nhờ vào biển. Nếu như trưng cầu dân ý, người Việt sẽ thắng.

Tuy nhiên, không phải là không có lời giải thứ ba, ấy là chúng ta, cả doanh nghiệp và người dân vẫn có thể có chung lợi ích nếu biết điều hòa nó. Vẫn có cả cá và thép nếu môi trường vẫn được giữ gìn, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Việc đó có làm được không? hẳn là làm được trong thực tế khi mà cả thế giới đang chung sống với hàng ngàn nhà máy thép kiểu như Formosa. Trong thực tế thì Formosa cũng đã dính án môi trường ở chính quốc và hai nhà máy thép lớn ở Mỹ, họ dã phải bỏ ra hàng chục triệu USD để khắc phục. Như cam kết và hành động đảm bảo môi trường đã được đánh giá từ khi Formosa lập dự án, được các nhà khoa học về môi trường và nhà chức trách phê duyệt cho một dự án với số vốn lên đến 28 tỉ USD thì không có chuyện không xử lý nước thải.

Nước Việt không phải không có nhà máy thép đã và đang hoạt động, thậm chí nó đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nay như gang thép Thái Nguyên mà chưa thấy cá chết hàng loạt bao giờ cả.

Những gì ông Chu Xuân Phàm nói là thật lòng, (chỉ có báo chí là cắt cúp, xuyên tạc, kích động)* khó có thể mơ một nhà máy nào đó như kiểu Formosa đảm bảo môi trường một cách tuyệt đối, chí ít thì nó đang xả khí thải không sạch vào môi trường, nó đang thải 14 ngàn mét khối nước ngọt/ngày ra biển làm môi trường nước thay đổi. Không thể chọn cả thép và không khí trong lành cùng với cá, nhưng chẳng lẽ vì nó mà không sản xuất, không phát triển kinh tế.

Tâm lý hoang mang trong dân chúng sẽ còn dai dẳng nếu những người có trách nhiệm chưa đưa ra được câu trả lời rạch ròi cho hiện tượng cá chết vừa qua, sinh kế của ngư dân sẽ còn bị ảnh hưởng, mùa du lịch biển đang đến, thiệt hại của miền Trung sẽ rất lớn. Chưa nói đến quả bóng bực bội sẽ nổ nếu có kẻ xấu chọc mũi vào.

Tất cả những vấn đề trên có thể tạm thời giải quyết bằng việc làm không mấy khó khăn là cử một nhóm chuyên gia đo đạc, giám sát và công khai liên tục chỉ số an toàn của nước thải Formosa, nơi mà dư luận đang nghi ngờ. Cùng với đó là quan trắc vùng biển miền Trung để trấn an dân chúng nếu nghi phạm Formosa bị loại.

Cũng như mọi người dân Việt, nếu phải chọn thép hay cá thì tôi sẽ chọn cá. Nếu Fomosa không giả được bài toán môi trường thì tất yếu sẽ đứng trước nguy cơ bị đóng cửa, chắc họ chẳng muốn như thế với tiền của mình.

P/s: Đây là nguyên văn phát biểu của ông giám đốc đối ngoại Formosa: 

*"Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.

Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.
Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

No comments: