Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 24-4 đã kết thúc chuyến thăm ba nước ASEAN là Lào, Campuchia và Brunei với tuyên bố Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với 3 quốc gia nói trên trong vấn đề Biển Đông.
Được thực hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay
(Hà Lan) sắp công bố phán quyết cuối cùng về vụ PhiliPines kiện Trung
Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia chỉ ra rằng, mục đích đằng sau chuyến
thăm này là ý đồ tìm cách chia rẽ ASEAN trong tranh chấp Biển Đông.
Ngoài ra, chuyến thăm này cũng được cho là nhằm ngăn chặn ASEAN đạt được
đồng thuận trong tranh chấp Biển Đông một khi phán quyết của PCA được
công bố. Nhận định về động thái ngoại giao này của Trung Quốc, Tiến sĩ
Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của
Singapore cho rằng, trong bối cảnh PCA sắp đưa ra phán quyết, Bắc Kinh
có thể tìm cách ngăn các nước ASEAN đưa ra tuyên bố, lập trường chung
ủng hộ phán quyết này của PCA.
Vị chuyên gia nói: “Trong quan hệ với các nước ASEAN và trong tranh
chấp biển Đông, Trung Quốc chủ trương dùng biện pháp đàm phán song
phương trực tiếp với các bên tranh chấp liên quan mà không dùng tới các
biện pháp đa phương. Chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Lào, Campuchia
và Brunei nhằm mục đích hướng tới cái mục tiêu làm sao ngăn cản một
tiếng nói thống nhất của các nước ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng
tài Thường trực về vụ kiện của Philippines”.
Đồng quan điểm, bà Phuong Nguyen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, đây là động thái mạnh
mẽ nhất mà Bắc Kinh tiến hành nhằm chia rẽ ASEAN để chuẩn bị đối phó với
phán quyết của PCA. Mặc dù bấy lâu nay Trung Quốc đã nhiều lần lên
tiếng bác bỏ tính hợp pháp của PCA và khẳng định sẽ không tôn trọng phán
quyết của PCA, nhưng có vẻ Bắc Kinh lo ngại ASEAN sẽ ra thông cáo chung
sau khi PCA ra phán quyết cuối cùng. Nên Ngoại trưởng Trung Quốc đã
ngay lập tức thực hiện chuyến thăm một số nước ASEAN nhằm lôi kéo họ.
Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Trong khi đó, ông Zhang Jie, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt
với sự đồng thuận mạnh mẽ về mặt ngoại giao của nhiều nước trước khi PCA
đưa ra phán quyết vụ kiện Biển Đông.
“Với việc châu Âu và G7 đứng về phía Mỹ, Trung Quốc rất quan tâm đến việc ASEAN phản ứng với phán quyết này như thế nào. Trung Quốc sẽ coi như mình chiến thắng nếu ASEAN không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hoặc không bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến vụ kiện này”, ông Zhang nói.
Theo ông Zhang, Lào, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2016, sẽ có
tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc soạn ra lịch trình nghị sự. Chính vì
thế, trong cuộc họp báo tại Lào, ông Vương Nghị đã nhấn mạnh Trung Quốc,
Lào, Campuchia và Brunei đã thống nhất rằng, tranh chấp đảo, bãi đá,
bãi cạn ở Biển Đông sẽ “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với toàn bộ
ASEAN”.
Theo đó, các bên nhất trí giải quyết tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ
thông qua cơ chế tham vấn và đối thoại giữa các bên trực tiếp có tranh
chấp. Trung Quốc và ba nước ASEAN cũng nhất trí phản đối “mọi nỗ lực
nhằm đơn phương áp đặt lộ trình của một nước lên các nước còn lại” và
khẳng định, mỗi nước đều có quyền tự chọn cách giải quyết tranh chấp
theo luật pháp quốc tế và các nước khác phải tôn trọng quyền này.
Trong khi đó, phát biểu ngày 25-4 với các lãnh đạo doanh nghiệp trước
thềm chuyến công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho
biết sự gia tăng nhanh chóng và không minh bạch trong chi tiêu quân sự
cũng như các nỗ lực đơn phương (của Trung Quốc) nhằm thay đổi hiện trạng
ở Biển Đông và biển Hoa Đông “nhằm xây dựng một quốc gia biển lớn mạnh,
không chỉ khiến người dân Nhật Bản, các nước trong khu vực châu Á -
Thái Bình Dương mà cả cộng đồng quốc tế phải quan ngại sâu sắc”.
Chia sẻ quan điểm này, phát biểu hôm 24-4 bên lề Hội nghị quan chức quốc
phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) tại Lào, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á Amy E. Searight nhấn mạnh
Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp trái phép và Trung Quốc
là nước duy nhất tiến hành các hoạt động bồi đắp và các hoạt động khác.
Washington kêu gọi Bắc Kinh không được tiến hành thêm các hoạt động bồi
đắp cũng như không xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng,
tức là có thể phục vụ mục đích quân sự.
Trước đó, trong bài xã luận mang tiêu đề “ASEAN cần ngăn chặn Trung
Quốc” đăng tải hôm 22-2, tờ Bangkok Post của Thái Lan cho rằng, các hành
động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với
tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để
đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng hung hăng này.
Liên quan tới việc Trung Quốc đòi hỏi về chủ quyền đối với toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa, Bangkok Post nêu rõ: Quần đảo Hoàng Sa thực ra thuộc chủ
quyền của Việt Nam, đã bị hải quân Trung Quốc chiếm đoạt trong một cuộc
xâm lược vào năm 1974..
Tổng Thư ký ASEAN khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông
Phát biểu ngày 25-4 tại Indonesia, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: “Về
vấn đề Biển Đông, lập trường của ASEAN rất rõ. Lập trường 6 điểm của
ASEAN là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và thực thi Công ước
Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nguyên tắc giải quyết hòa
bình các tranh chấp, nguyên tắc kìm chế, không có các hành động thay đổi
hiện trạng trên Biển Đông và yêu cầu thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên
bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã ký năm 2002
và thỏa thuận đẩy mạnh đàm phán sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên
ở Biển Đông. Đây là lập trường nhất quán và điều quan trọng là các nước
thành viên ASEAN cần tuân thủ”
No comments:
Post a Comment