2016/04/06

Căn cứ để Quốc hội quyết định miễn nhiễm Thủ tướng và trình nhân sự để bầu Thủ tướng mới

Chiềng Chạ

Sau khi có thông tin Quốc hội khóa XIII sẽ bầu 03 chức danh chủ chốt của Nhà nước (Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng) tại Kỳ họp cuối cùng thay vì thực hiện ở kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội mới (Quốc hội khóa XIV) đã xuất hiện những đồn đoán trái chiều. Nổi lên là việc cho rằng, Quốc hội XIII đã vi phạm Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội khi không thực hiện cái điều mà Quốc hội các nhiệm kỳ trước đó vẫn tiến hành. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Nguồn: Internet)

Cá nhân người viết hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng, đây là một quyết định không phổ biến trong hoạt động của Quốc hội qua các thời kỳ mặc dù trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI vào tháng 6/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ được bầu làm Thủ tướng Chính phủ thay cho Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời, cũng công nhận quy định được thể hiện tại điều 97 Hiến pháp 2013: "Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ”. Và nếu chúng ta tạm thời dừng việc trích dẫn các văn bản luật dưới luật quy định về nội dung này thì sẽ là không sai nếu cho rằng, quyết định của Quốc hội khóa XIII đối với việc kiện toàn các chức danh chủ chốt của nhà nước (trong đó có chức danh Thủ tướng) tại kỳ họp cuối mà không chờ tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ mới là vi phạm Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, riêng với vấn đề này qua tìm hiểu của người viết thì tại điều 10 Luật tổ chức Quốc hội quy định về "Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn" ghi rõ: "1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.
2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Hay nói cách khác, trong trường hợp này việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh chủ chốt của nhà nước tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa trước mà không cần chờ Quốc hội khóa mới sẽ không vi phạm Hiến pháp nếu áp dụng cơ chế miễn nhiệm đối với các chức danh này

Trên thực tế, Quốc hội đã thực hiện điều này trong việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội đối với ông Nguyễn Sinh Hùng để bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang để bầu ông Trần Đại Quang lên thay thế với số phiếu tán thành tương đối cao. 

Ở đây người viết xin được nói rõ hơn về các căn cứ, quy định đối với trường hợp miễn nhiệm Thủ tướng và trình nhân sự để bầu Thủ tướng mới để thấy rằng, Quốc hội khóa XIII không chỉ đã thực hiện đúng quy định trong việc miễn nhiệm - bầu mới đối với hai chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội mà đối với chức danh Thủ tướng cũng vậy. Theo đó, việc miễn nhiệm chức danh Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng trước khi bầu Thủ tướng mới căn cứ vào nội dung, quy định tại 04 văn bản cụ thể sau: 

Thứ nhất, căn cứ điểm 5 của Nghị quyết số 01 ngày 12/3/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trên thực tế, đây là văn bản không được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên căn cứ phát biểu của ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội về nội dung này thì Nghị quyết 01, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định việc kiện toàn công tác nhân sự sau ‪ĐHXII‬ để đảm bảo rằng những người đang giữ các vị trí chủ chốt này tái cử hoặc được bầu tham gia Ban chấp hành TƯ khóa XII. Cụ thể hơn, việc miễn nhiệm, bầu mới trước thời hạn xuất phát từ yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ XII và nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn bộ máy Nhà nước, công tác cán bộ. 

Thứ hai, căn cứ khoản 2, điều 88 của Hiến pháp 2013. Điều 88, Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước ghi rõ: "2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ". Đây là một nội dung tương đối mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây - Chủ tịch nước được tăng quyền hạn trong quản lý, điều hành bộ máy nhà nước. Và đương nhiên, một khi chế định này đã được quy định trong Hiến pháp thì chính nó không thể vi hiến! 

Thứ ba, căn cứ Điều 11 luật Tổ chức Quốc hội, quy định về "Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn". Quy định cho biết: "Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó". Các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ do kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII bầu nên, chính vì vậy, Quốc hội khóa XIII có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ nếu xét thấy điều đó là cần thiết. Và đương nhiên, điều này cũng không trái với quy định của Hiến Pháp. 

Cuối cùng, căn cứ vào Nội quy kỳ họp Quốc hội. Như đã thông báo trước khi tiến hành kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết: "Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ đan xen, kỳ họp thứ 11 là thời điểm để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Kỳ họp thứ 11 với khối lượng công việc khá lớn, nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội; tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự theo tiến độ đã xác định; trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp". 

Như vậy, ngay từ đầu, Quốc hội khóa XIII đã thể hiện việc miễn nhiệm, bầu mới 03 chức danh chủ chốt trong chương trình làm việc của mình! Vậy nên, ở đây không có bất cứ điều gì 'khuất tất" hay thiếu minh bạch trong các hoạt động vừa qua của Quốc hội. Những đồn đoán không hay bên lề kỳ họp cuối cùng Quốc hội XIII và các nội dung liên quan có chăng cho thấy não trạng của những kẻ thiếu hiểu biết về hoạt động của Quốc hội, quy định của Hiến pháp mà thôi! 

No comments: