2016/11/10

BẦU CỬ GIẢ LẬP TỔNG THỐNG MỸ: SÍNH NGOẠI QUÁ RỒI!

Minh Trị



Ngày 8/11/2016, hơn 130 triệu cử tri tại 50 bang trên khắp nước Mỹ đã tham gia vào cuộc bầu cử để chọn ra vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Vai trò, ảnh hưởng của nước Mỹ nói riêng cũng như chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ mới tác động đến thế giới như thế nào nói chung thì ai cũng biết. Bầu cử Mỹ thì cũng kịch tính, hấp dẫn, lắm chiêu trò thật, lại dùng “đại cử tri” chẳng giống ai, theo dõi cũng nhiều điều thú vị. Nhiều thanh niên, trí thức có vẻ cũng hơi quá “nhanh nhạy” với “sự kiện chính trị quốc tế quan trọng” này, đến mức chiều thứ 7 ngày 5/11 vừa qua, tại một quán cafe trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một số nhóm trong tổ chức phi chính phủ đã làm ra một cái mà họ gọi là “bầu cử giả lập Tổng thống Mỹ” và thu hút gần 100 bạn trẻ tham gia. Nếu đơn thuần là xem để hiểu hơn về nền chính trị của họ thì cũng là điều tốt, nhưng bắt chước người ta thì có lẽ là hơi lố, sính ngoại quá mức rồi. Có lẽ, một số vị điều phối Hội đồng kinh tế Mỹ - ASEAN, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, sách Alpha (phối hợp tổ chức sự kiện) chưa hiểu hết bản chất của cuộc bầu cử và những ồn ào khá tệ hại của kỳ bầu cử 2016 này rồi.

Trước hết, những trung tâm này trưng bày khá nhiều ấn phẩm về nền dân trị Mỹ, thể chế chính trị lưỡng đảng, quy định bầu cử Tổng thống Mỹ và đặc biệt là hai ứng cử viên. Chẳng khác gì đây là một chiêu thức tuyên truyền cho tự do, dân chủ của Mỹ. Nhưng trong phần giới thiệu quá trình hoạt động của hai ứng cử viên đã khá cao tuổi (bà Hillary 68 và ông Trump 70 tuổi) này, ngoài những tựa sách rất kêu như “Donald Trump - Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ”, “Hillary Clinton - Living History”, “Bí mật quốc gia và sự hồi sinh”... liệu họ có nhắc đến những scandal hay không?

- Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của một đảng lớn nhưng có những phát ngôn phân biệt chủng tộc, gọi người Mexico là những kẻ buôn ma túy, xã hội đen, gái điếm... và đòi xây bức tường ngăn cách biên giới phía Nam, đòi Mexico phải ... trả tiền cho việc xây bức tường đó (?!)

- Ứng cử viên Tổng thống Mỹ mà đòi cấm nhập cảnh toàn bộ người Hồi giáo, coi toàn bộ người tôn thờ thánh Allah là mối đe dọa cho nước Mỹ. Tạo nên mối ngăn cách giữa người Mỹ với người Mỹ, làm xói mòn những giá trị về tự do, bình đẳng, đa sắc tộc của Hoa Kỳ.

- Ứng cử viên Tổng thống Mỹ mà có những phát ngôn và hành động dâm ô với phụ nữ, thoải mái phát ngôn văng mạng rằng có thể quan hệ tình dục với họ chỉ vì mình nổi tiếng, có thể ngắm thí sinh hoa hậu hoàn vũ khi thay đồ, gọi phụ nữ là “hoa hậu lợn”, “chó”, “bẩn thỉu”...

- Ứng cử viên Tổng thống Mỹ mà liên tục phát ngôn văng mạng, xỉa xói người nọ, chửi bới người kia, 3h sáng đăng status twitter công kích những ai không ủng hộ mình; từng tham gia cả giải vật WWE - môn thể thao được coi là thô bạo nhất thế giới, là trùm sò của mấy cái show truyền hình thực tế. Một người có dấu hiệu “ấm đầu” như vậy mà đối đầu với khủng hoảng, nắm mã hạt nhân Mỹ, tổng chỉ huy hàng trăm nghìn quân thiện chiến Mỹ thì số phận thế giới sẽ ra sao?

- Bên cạnh đó, có ứng cử viên lại vô tư sử dụng email cá nhân cho việc công; liên tục nói dối cử tri về quan điểm với Iraq, vụ việc ở Libya, Syria, về TPP, Obamacare... quản trị cái quỹ cùng chồng nhận tiền của nước ngoài thoải mái rồi đi vận động chính trị...

Những màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình ở các kỳ bầu cử trước tuy có căng thẳng nhưng đa số đều về chính sách, về cách đưa nước Mỹ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chính sách quân sự, đối ngoại... còn lần này, trao đổi chính sách thì ít, công kích, hạ nhục nhau thì nhiều. Đây có thể coi là một kỳ bầu cử tai tiếng, dơ bẩn nhất từ trước đến nay của nước Mỹ.

Nếu xét về chế độ chính trị và hệ thống bầu cử Mỹ, liệu cũng có đáng để bắt chước như buổi tụ họp chiều thứ 7 ở phố Hai Bà Trưng không?

- Nền chính trị Mỹ tuy bề ngoài là “lưỡng đảng” cạnh tranh, đảng này là phe đối lập khi đảng kia cầm quyền. Nhưng thực chất, sự khác biệt về chính sách là không nhiều, nó như hai cánh tay của giới tư sản Mỹ. Thể chế này làm ứng cử viên độc lập, đảng thứ ba khó mà ngoi lên được khi dân chúng bị hút vào cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa biểu hiện “cánh tả”, “cấp tiến” (dân chủ) và “cánh hữu”, “bảo thủ” (cộng hòa). Các đảng đại diện cho giai cấp công nhân, đảng cộng sản bị cấm hoạt động hoặc bị hạn chế mọi điều kiện phát triển.

- Vận động tranh cử ở 50 bang phải có tiền, rất nhiều tiền, vài trăm triệu đến hơn tỉ đôla. Tiền ở đâu ra? Các nhà tài phiệt. Lấy tiền của tài phiệt rồi khi ngồi ấm chỗ trong Nhà Trắng thì có phải theo ý của người đã “đầu tư nuôi dưỡng” mình không? Chắc chắn là có.

- Bầu cử sơ bộ của hai đảng mà cũng đầy gian lận, sao ngoài đại biểu lại còn có các “siêu đại biểu”. Sao những nhà lãnh đạo dân chủ dìm ông Bernie Sanders đến thế, thiên vị Hillary Clinton đến thế.

- Bầu cử theo đại cử tri, nguyên tắc “được ăn cả” nghe thì kịch tính, hơn 1 phiếu phổ thông thôi là cũng ẵm toàn bộ số đại cử tri của bang. Ấy nhưng vì thế, ba kỳ bầu cử ứng viên nhiều phiếu của dân hơn lại thua vì ít đại cử tri hơn. Điển hình là năm 2000, Al Gore hơn George Bush 500.000 phiếu phổ thông mà Bush mới là người có 271 đại cử tri (quá bán) để vào Nhà Trắng, với 2 nhiệm kỳ dấn sâu nước Mỹ vào 2 cuộc chiến tranh.

- Mọi năm đã có lắm chiêu trò gian lận, người chết, người đang ngồi tù hay mất quyền công dân mà vẫn “có tên trong danh sách bầu”. Phiếu bang nọ “nhảy” sang bang kia (và đều “vô tình” nhảy sang các ... bang chiến trường then chốt). Trump còn mạnh mồm tuyên bố “cuộc bầu cử đã bị sắp đặt”. Năm nay có thêm món đe dọa, đánh lộn lẫn nhau tại một vài điểm bỏ phiếu.

Với tất cả những bất cập nêu trên, nghiên cứu, theo dõi về bầu cử Tổng thống Mỹ thì là điều tốt, mở mang tri thức với sự kiện cũng quan trọng, kịch tính, hấp dẫn. Chứ bắt chước, làm theo như một vài Hiệp hội, cùng sự hưởng ứng của số ít bạn trẻ thì đúng là sính ngoại quá rồi!

No comments: