Đây là bài hay, công tâm và khách quan. Hy vọng Luật sư Nam đọc được để điều chỉnh hành vi của mình sao cho xứng tầm với những gì mà đáng ra anh phải làm với tư cách là người Luật sư.
BÁC SĨ UỐNG BIA RƯỢU GIỜ NGHỈ TRƯA
Luật sư Trần Thu Nam đăng lên Fanpage “Bác sĩ nhậu ngay tại phòng làm việc” mới được 13 giờ. Thật kinh ngạc! Status của ông nhận được 1,1 ngàn lượt likes, gần 1 ngàn lượt chia sẻ, khoảng 600 bình luận phỉ nhổ ngành y.
Một đoạn văn chỉ vỏn vẹn có 137 chữ, thông tin rất mập mờ, phản ánh người nhà Ls Nam bị tai nạn giao thông bất tỉnh, nhưng bác sĩ Bv huyện Anh Sơn (Nghệ An) “chỉ khám bằng cách vỗ vào má gọi”, sau đó bác sĩ “truyền một chai nước để cho người bị nạn tự tỉnh”. Đến 11 giờ trưa hôm sau, Ls Nam thanh toán viện phí để chuyển ra Hà Nội, thì quay được cảnh bác sĩ ăn nhậu (uống bia), ông Post đoạn Clip này lên với lời bình luận “Cạn lời vì bị choáng với các bác sĩ ở đây”.
Tôi không phê phán Ls Nam, nhưng một số bạn hỏi quan điểm thì tôi cũng xinh thưa, về cơ bản những lời Ls Nam viết ra trong Stt ấy giống như miệng của một con cá mập, cái miệng ấy dùng để nói chuyện theo ý kiến chủ quan của mình, để đàn áp những cái miệng khác rồi nuốt chửng khi có thể.
1/ VỀ VIỆC BÁC SĨ NHẬU TẠI PHÒNG LÀM VIỆC
Phải khẳng định luôn rằng, các y bác sĩ Bv Anh Sơn đã sai. Bởi theo Chỉ thị Số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại Điểm 3c quy định rất rõ, "nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực”.
Nhưng điều đáng nói là, Chỉ thị 26/CT-TTg mới ban hành ngày 5/9/2016, chưa ráo mực. Trước đó thì cũng đã có những văn bản cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, do các cấp có thẩm quyền ban hành. Tôi đã từng thử làm cái điều tra bỏ túi, thấy chưa đến 20% cán bộ công nhân viên chức nhà nước nắm được quy định này, nhất là ở các tuyến cơ sở.
Một quy định đã được triển khai mấy năm gần đây, nay được nâng cấp lên thành văn bản Chỉ thị của Thủ tướng, bởi nó rất văn minh và tiến bộ, nhưng tại sao lại chỉ có ít nghười biết đến?
Lí do đầu tiên, có thể là văn bản ấy không hợp lòng dân, nên người dân cố tình không biết. Tôi không tán thành lí do này, bởi khi tôi hỏi có cần cấm uống rượu bia giờ nghỉ trưa không, thì hầu hết đều đồng ý là rất cần.
Lí do thứ 2, là văn bản ấy chưa đủ sức mạnh răn đe, nên nhiều người không chú ý, hoặc cố tình vi phạm. Tôi cũng không đồng ý với lí do này, bởi vì khi tôi nói cho những người chưa biết về Chỉ thị 26/CT-TTg, thì ai cũng nói là khi đã biết rồi thì cần phải tuân thủ.
Lí do thứ 3, là cách chúng ta triển khai những văn bản Luật để nó mang tính khả thi trong cộng đồng. Tôi cho rằng, cơ quan ban hành văn bản luật đã làm rất tốt, nhưng quá trình phổ biến văn bản này đến với cán bộ công nhân viên chức thì quá tồi. Chúng ta có rất nhiều kênh để chuyển tải, nhưng đã không tận dụng đúng những kênh đó. Như trường hợp của Ls Nam là ví dụ điển hình, bằng kiến thức luật của ông, bằng uy tín của một luật sư, bằng tầm ảnh hưởng xã hội… nếu ông có tinh thần xây dựng, hãy bình tĩnh tìm hiểu tại sao bác sĩ Bv Anh Sơn lại vi phạm Chỉ thị 26/CT-TTg (tôi dám chắc những bác sĩ ở đây không hề biết cái Chỉ thị này), rồi ông điều tra thêm những thông tin trong cộng đồng, rồi có bài viết đầy đủ mang tính phổ biến và cảnh báo kiến thức pháp luật, thì việc làm của ông sẽ có sức lan tỏa và giá trị hơn nhiều so với cách ông đăng Stt dở dơi dở chuột để bôi nhọ ngành y nhằm câu likes, tạo nên sự bức xúc dư luận xã hội không đáng có.
2/ VỀ TÌNH HUỐNG NGƯỜI NHÀ LS NAM BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG
Chúng ta sống trong một quốc gia mà TNGT đứng tốp đầu thế giới, tổng số người chết do tai nạn trong 3 tháng bằng đúng tổng số binh lính tử vong 2 bên trong cuộc chiến tranh Iraq lần thứ 2. Nói thế để thấy rằng, bác sĩ chúng ta có đủ kinh nghiệm chẩn đoán, cùng với trang thiết bị hiện đại như CT.Scanner, thì việc chẩn đoán và điều trị dù là rất khó khăn với bác sĩ, nhưng không phải là chúng ta đang tụt hậu. Ở đây, tôi chỉ trao đổi với bạn đọc ngoài ngành y, để các bạn hiểu những tình huống CTSN đơn giản như sau:
Tình huống 1: Bệnh nhân ngất ngay sau tai nạn, tỉnh lại hoàn toàn sau thời gian ngắn (thường từ 5 phút – 15 phút) = Chẩn đoán sơ bộ là “Chấn động não” => Bác sĩ chỉ cần theo dõi thêm lâm sàng, sau vài giờ có thể cho về hướng dẫn cách theo dõi. Người nhà Ls Nam có thế gặp tình huống này, bác sĩ đã giữ lại theo dõi thêm.
Tình huống 2: Bệnh nhân tỉnh sau tai nạn, nhưng tri giác xấu dần rồi rơi vào hôn mê = Máu tụ ngoài màng cứng => Mổ cấp cứu không trì hoãn, thời gian là vàng, bệnh nhân tử vong nếu xử trí chậm. Người nhà Ls Nam chắc chắn không thuộc tình huống này.
Tình huống 3: Tri giác xấu ngay từ đầu, hôn mê ngay sau tai nạn = Máu tụ nội sọ, dập não => Tùy theo tình trạng tổn thương mà có thái độ xử trí rất khác nhau, rất phức tạp. Người nhà Ls Nam cũng không thuộc tình huống này.
Tình huống 4: Bệnh nhân li bì gọi hỏi không biết gì trong nhiều giờ, sau đó tỉnh lại hoàn toàn = Thường là say rượu => Bác sĩ khám bảng điểm Glasgow, căn cứ vào đó để theo dõi diễn biến, khi bệnh nhân tỉnh hoàn toàn thì có thể cho về nhà hướng dẫn theo dõi tiếp. Người nhà Ls Nam có thể rơi vào tình huống này.
3/ KẾT LUẬN
Các y bác sĩ Bv huyện Anh Sơn vi phạm Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bệnh viện cần có hình thức xử lí kỉ luật trên cơ sở tạo điều kiện để họ sửa chữa sai lầm, là lời cảnh tỉnh cho các nhân viên khác về ý thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Vấn đề chuyên môn, các y bác sĩ đã giải quyết tốt tình trạng bệnh, nhưng chưa giải thích rõ để gia đình hiểu.
Ls Nam đã vội vã khi đăng một Stt không xứng tầm với tâm thế của một luật sư, cái công việc mà cá nhân tôi rất kính trọng và khâm phục. Qua đây tôi cũng mong không chỉ Ls Nam, mà những người khác hãy vận dụng trí tuệ và hiểu biết của mình, đóng góp cho cộng đồng và xã hội phát triển, thay vì bới lông tìm vết để bôi nhọ nhau. Những lời của tôi có thể không vừa lòng ai đó, rất mong được thông cảm.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
No comments:
Post a Comment