2016/04/14

VỀ TRƯỜNG HỢP ỨNG VIÊN ĐBQH LÊ THANH VÂN?

Theo thông tin từ báo giới trong nước, hôm nay (14/04/2016), Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba và tiến hành chốt danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 ở Trung ương. 

Ông Lê Thanh Vân (Nguồn: Internet). 

Hội nghị đã thống nhất giới thiệu 197 ứng viên đến từ khối cơ quan Đảng (12 ứng viên); Cơ quan Chủ tịch nước, tư pháp (03 ứng viên); Cơ quan Quốc hội (113 ứng viên); Cơ quan Chính phủ (17 ứng viên); Cơ quan Quân đội (15 ứng viên); Cơ quan Công an (3 ứng viên); Tòa án (01 ứng viên); Viện kiểm sát (01 ứng viên); Kiểm toán Nhà nước (01 ứng viên) và khối cơ quan thuộc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể (31 ứng viên). Hoạt động tiếp theo của các ứng viên sẽ là tiến hành hoạt động vận động bầu tại nơi đã ứng cử trước khi tiến hành bầu cử đồng loạt trên phạm vi toàn quốc vào ngày 22/05 sắp tới. 

Tuy nhiên, trước khi chốt được danh sách 197 ứng viên như đã được nói đến, hội nghị đã tiến hành xem xét trực tiếp đối với một trường hợp ứng viên bằng hình thức biểu quyết riêng. Đó là trường hợp ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH khóa 13. Nguyên nhân xuất phát từ việc một số đại biểu dự hội nghị không đồng ý giới thiệu ông Vân tham gia Quốc hội khóa XIV khi cho rằng việc không trúng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020 (kéo theo việc không trúng Phó bí thư Tỉnh ủy) dù trước đó đã được Trung ương luân chuyển, chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho thấy ông Vân đã "không hoàn thành nhiệm vụ" và không xứng đáng được giới thiệu ửng cử ĐBQH khóa mới. 

Từ suy nghĩ này, vô tình những người không đồng ý giới thiệu ông Lê Thanh Vân đã cụ thể hóa một thứ tiêu chuẩn bất thành văn và lần đầu tiên xuất hiện: Trong một số trường hợp ứng viên tham gia ĐBQH phải là  người nắm giữ các cương vị cao trong các cơ quan Đảng (?) Điều này hoàn toàn trái ngược với ý kiến cử đông đảo dư luận cho rằng cần có sự rạch ròi trong hoạt động của cơ quan Đảng và Cơ quan Quốc hội và vấn đề được nói đến nhiều nhất là sự kiêm nhiệm, chồng chéo về mặt nhân sự trong 2 cơ quan này! 

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc không trúng Ban Thường vụ Tỉnh ủy của ông Vân có phải là một tiêu chí cứng để xét đoán một người có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất để tham gia Quốc hội hay không? Hay đó cũng chỉ là một trường hợp đáng tiếc do thói cục bộ địa phương đang tồn tại ở một số địa phương khi ông Vân trước đó được Trung ương điều động và chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương? Và tại sao không căn cứ vào năng lực hoạt động, uy tín hiện tại của ông Vân (trên cương vị Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH khóa 13) mà lại quan tâm tới quá trình công tác trước đó? Phải chăng quá khứ quan trọng đến thế đối với một ứng viên Đại biểu Quốc hội? 

Với một góc nhìn khách quan như thế, Hội nghị hiệp thương đã tiến hành biểu quyết riêng và kết quả với tỉ lệ 57/62 đồng ý, ông Vân được Hội nghị nhất trí giới thiệu tham gia Quốc hội khóa XIV. Lí do được đưa ra cho sự đồng ý giới thiệu ông Vân không ngoài việc trả lời các câu hỏi được nêu ra ở trên và đó cũng chính là câu trả lời cho thứ tư duy xác đoán, nhận xét người khác qua những sự việc, câu chuyện không bản chất. 

Nó cũng cho thấy một thực tế từ câu chuyện của ông Vân: Không phải bao giờ, khi nào sự đánh giá của người dân đối với các ứng viên đại biểu Quốc hội luôn chính xác khi ngoài nguyên nhân thiếu thông tin thì cái nhìn thiên kiến, không bản chất là nguyên nhân khiến sự không chính xác đó. Đó cũng là lí do cần sự định hướng của các cơ quan chuyên trách trong giới thiệu cũng như tổ chức hiệp thương. Thiết nghĩ đấy cũng là con đường ngắn nhất để có một nhiệm kỳ Quốc hội thực sự có chất lượng! 

An Chiến

No comments: