Khoán kinh phí xe công: "Các cấp bộ, ngành nên học theo Hà Nội"
Tiến Hưng
ANTĐ - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho giao các đơn vị chức năng của thành phố nghiên cứu thí điểm việc khoán kinh phí cho cán bộ, lãnh đạo sử dụng xe công đi công tác. Trao đổi với Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội chiều 4-4, ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với chủ trương này và đề nghị cấp Bộ ngành nên thực hiện theo.
ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội
- PV: Vấn đề xe công đã được đưa ra bàn luận rất nhiều tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII. Cá nhân ông đánh giá thực trạng xe công, sử dụng xe công ở nước ta hiện nay như thế nào?
- ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch: Theo quy định của pháp luật, chỉ các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên ở cấp Trung ương, các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách… các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác (cấp xe công).
Trường hợp các chức danh này tự túc phương tiện thì được khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo quy định. Như vậy ở các địa phương, từ cấp Giám đốc Sở trở xuống không có xe công đưa đón. Tuy nhiên thực tế thì Giám đốc Sở nào hiện nay cũng có xe công đưa đón, thậm chí cả hiệu trưởng một số trường đại học cũng vi phạm quy định về xe công.
Vấn đề thứ 2 là ở cấp dưới Thứ trưởng, Giám đốc Sở ở các địa phương theo quy định thì chỉ được sử dụng xe công đi công tác. Thế nhưng việc họ dùng xe công ra sao, sử dụng xe công vào mục đích tư, thậm chí dùng xe công đi lễ hội… rất khó kiểm soát. Việc sử dụng xe công không đúng mục đích, lạm dụng, lạm quyền đã gây bức xúc xã hội.
- PV: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang giao các đơn vị chức năng của thành phố nghiên cứu thí điểm việc khoán kinh phí cho cán bộ, lãnh đạo sử dụng xe công đi công tác. Quan điểm của ông về chủ trương này?
- ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch: Tôi hoàn toàn ủng hộ và tin chắc rằng nếu thực hiện được chủ trương này sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong vấn đề sử dụng xe công. Trước hết, so với việc cho phép sử dụng xe công thì hình thức khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm được tiền mua xe, tiền xăng xe, sửa chữa bảo dưỡng, gửi xe và tiết kiệm được cả biên chế (lái xe).
Về mặt tâm lý, khoán xe công tạo ra được sự bình đẳng, tránh tâm lý bất bình khi chức danh này có xe công, chức danh khác lại không có, dẫn đến chạy đua nhau, chức danh chưa đủ tiêu chí được dùng xe công cũng tìm cách xin xe công. Về mặt xã hội, khoán xe công sẽ góp phần khắc phục được ùn tắc giao thông.
Hà Nội hiện nay đi tiên phong trong việc nghiên cứu phương án thí điểm khoán xe công là rất đáng khen ngợi, các cấp Bộ - ngành Trung ương cũng nên học tập theo. Cá nhân tôi cho rằng, ở Trung ương, chỉ từ cấp Thứ trưởng trở lên mới cho sử dụng xe công, dưới cấp đó nên quyết liệt khoán xe công.
- PV: Theo ông các cấp Bộ - ngành Trung ương cần làm gì để có thể thực hiện được việc khoán kinh phí xe công?
- ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch: Trước hết, tôi cho rằng cần phải đảm bảo được quyền lợi cho người thuộc diện khoán xe công. Cụ thể là kinh phí khoán xe công phải đảm bảo để cho người thuộc diện khoán xe công không thiệt thòi nhiều so với việc họ sử dụng xe công. Thứ hai phải có cơ chế, không chỉ là khuyến khích mà phải có quy định bắt buộc về việc khoán xe công, quy định rõ chức danh nào bắt buộc phải khoán xe, không được sử dụng xe công và nếu không thực hiện phải có chế tài. Như thế thì chủ trương mới đi vào đời sống được.
- PV: Cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment