2016/02/02

Hậu Đại hội 12: Lạm bàn về chị Kim Tiến


http://molang0205.blogspot.com/2016/02/hau-ai-hoi-12-lam-ban-ve-chi-kim-tien.html


Kính Chiếu Yêu
Trong quá trình diễn ra ĐH 12 và cả ngay sau ĐH, dư luận lại chuyển hướng quan tâm đến đội ngũ "tư lệnh" các ngành. Các báo đăng tải là có tới 14 vị Bộ trưởng sẽ có khả năng sẽ nghỉ hưu vì đến tuổi, vì không trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới.

Mọi sự bình luận bây giờ chắc còn quá sớm vì các chức danh "tư lệnh" còn phụ thuộc vào lá phiếu của Quốc Hội mới trong ít tháng nữa. Tuy nhiên, theo truyền thống "Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện" ở Việt Nam, ngay sau Đại hội Đảng người ta có thể nhận diện được những gương mặt "tư lệnh mới.
Điểm diện những UVTW trúng cử ở các ngành, người ta bàn tán nhiều đến nghành Y tế cùng với sự kiện vị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù vẫn được Ban Chấp hành Khóa XI giới thiệu và có tên trong danh sách bầu ủy viên trung ương khóa mới, tuy nhiên bà đã không đủ số phiếu quá bán cần thiết để tái đắc cử. Đây là một bất ngờ đối với dư luận.
Trước hết mà nói, theo nhận xét chung, phải nói rằng bà Tiến là một người thật sự giỏi. Trước khi giữ chức vụ Bộ trưởng, bà đã từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, trong đó có chức vụ Viện trưởng viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp và nhiều giải thưởng cao quý khác. Khi được đứng vào vị trí Bộ trưởng của một ngành "nóng" vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Vì phải tiếp nhận hậu quả tồi tệ của những người tiền nhiệm, của nội bộ ngành Y cùng tất cả các ngành khác và của xã hội. Bà ấy đã chèo chống từng bước đưa ngành Y dần thoát khỏi căn bệnh nan y quá tải, nhũng nhiễu, tiêu cực... Đến bây giờ, những nền tảng cơ bản của ngành Y như đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi thái độ đội ngũ bác sỹ, y tá, nâng cấp tuyến cơ sở, mở rộng tự chủ của các cơ sở y tế, cải tiến chế độ bảo hiểm... đã được thiết lập để vượt khó.
Vậy thì, tại sao vị Bộ trưởng này không vượt cạn được không phải bằng lá phiếu của nhân dân mà là bằng lá phiếu của giới "tinh hoa" của Đảng?

Trước hết, đấy là sự nổi giận vô cớ của người bệnh và nhà bệnh nhân do bệnh viện quá tải. Họ đâu biết rằng, để giảm tải thì phải đầu tư xây mới, mở rộng bệnh viện, mà điều đó Bộ Y tế không tự mình làm được. Áp lực cứu sống người bệnh luôn đè nặng lên đôi vai của người bác sĩ còn người nhà bệnh nhân thì luôn muốn quan tâm cứu chữa trước, mỗi khi không đáp ứng được thì chạy chọt hoặc bức xúc. Đành rằng, có một bộ phận bác sỹ tiêu cực, nhưng không phải tất cả. Tuy nhiên, tiêu cực bị thổi phồng, được nói đi nói lại quá nhiều đã làm phân tâm các lá phiếu. 
Thứ hai, một xã hội đầy cảm tính và sự ác cảm vô nhân tính của những con kền kền đội lốt báo chí đã đẩy những người làm công tác nhân đạo trở thành kẻ thù của đám đông nhân danh nhân dân. Trong lúc đó, bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không giỏi về cách đánh bóng tên tuổi của mình,không giỏi về truyền thông nên đã chết vì truyền thông. Truyền thông nói về ngành y chỉ khai thác khía cạnh tiêu cực, vậy là không công bằng. Tôi tin rằng, còn nhiều người trong xã hội yêu quý sự hi sinh của các anh, các chị cho sức khỏe, cuộc sống của nhân dân.

Thứ ba, trong xu thế đổi mới, có lẽ đã đến lúc không nên coi bệnh viện là đơn vị hành chính sự nghiệp. Đừng cố gán cho nó một chức năng chính trị tuyệt đối. Chế độ nào cũng cần bệnh viện, người bệnh không có sự phân hạng về thân phận. Bệnh viện chỉ có chức năng khám chữa bệnh cứu người, bác sỹ cần phải giỏi chuyên môn và y đức. Tư nhân hóa, cổ phần hóa, tăng quyền tự chủ để họ tự tạo thương hiệu mà thu hút bệnh nhân, mà tự hạch toán, tự thu chi. Các bệnh viện phải cạnh tranh với nhau ắt chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn. Nhà nước chỉ quản lý theo luật, bệnh nhân được bảo vệ bằng luật.
Vậy nên, chị Tiến có trúng ủy viên trung ương hay không cũng không quan trọng.

No comments: