2016/02/22

Thảo Griffiths: "Việt Nam có thực sự quan trọng với Hoa Kỳ?" (Phần 1)

Mẹ Đốp


Sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Mỹ B. Obama sẽ chính thức thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ cuộc hội kiến bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean. Và theo quy luật thường thấy, quốc gia nào được người đứng đầu Nhà Trắng sắp xếp viếng thăm thì đồng nghĩa với việc đất nước đó "thực sự quan trọng" với Mỹ! Tuy nhiên, để làm rõ thực hư xem "Việt Nam có thực sự quan trọng với Hoa Kỳ?", BBC Việt ngữ đã tổ chức một hội nghị bàn tròn để thảo luận về nội dung này. Tính đến thời điểm này, hội nghị đã thu nhận được khá nhiều ý kiến từ những người quan tâm và hiểu chuyện. 
Bà Thảo Griffiths - đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (Nguồn: BBC Việt ngữ). 
Để làm rõ hơn các ý kiến và cũng là để những ai quan tâm tới sự kiện Tổng thống Mỹ tới thăm và làm việc tại Việt Nam trong tháng 5 tới đây. Mõ Làng xin được mạn đàm về từng ý kiến. Ở Entry đầu tiên này xin được đề cập tới ý kiến của Bà Thảo Griffiths - đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (Phát biểu với tư cách cá nhân). 
Theo BBC Việt ngữ, người đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cho biết:"Chuyến thăm gần đây nhất của một Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam là năm 2006. Trong khi đó Tổng thống Hoa Kỳ đã đến khu vực Asean rất nhiều lần. 

"Vì vậy mà chúng ta đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có quan trọng đến mức như thế đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực hay không," bà Thảo Griffiths, đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam phát biểu với tư cách cá nhân hôm 18/02.

"Nhưng muộn còn hơn không," bà Thảo Griffiths nói thêm". 

Ở đây, tôi hoàn toàn đồng tình với một thực trạng được bà Thảo Griffiths chỉ ra. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng mặc dù đã có không ít chuyến công du Châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng song kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 (trong khuôn khổ Hội nghị Apec), ông này chưa có thêm bất cứ chuyến thăm nào chính thức. Điều này cũng hoàn toàn trái ngược với những thông điệp Ngoại giao được phía Mỹ nêu ra (dù chính thức hay không chính thức): Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ tại Châu Á, khu vực Đông Nam Á trong chiến lược chuyển trục chiến lược sang Châu Á với mục tiêu cao nhất là kìm giữ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho nên, khách quan mà nói thì từng ấy thôi đã đủ trả lời cho câu hỏi: "Việt Nam có thực sự quan trọng với Hoa Kỳ?". 
Tuy nhiên, liệu từng ấy đã nói lên tất cả chủ để chúng ta đãng đề cập tới? Và để một mối quan hệ thực sự được tạo dựng và để chứng minh nước này quan trọng với nước kia không phải chăng chỉ cần phụ thuộc vào ý chí, thái độ và nỗ lực của một nước thôi?
Một trong những vũ khí tạo nên lợi thế có tính vượt trội của người Mỹ trong suốt quá trình hình thành, phát triển của họ chính là nền ngoại giao. Với sự "mềm dẻo" và linh hoạt đến khó tin, nền ngoại giao Mỹ đã không chỉ tạo nên thế đứng cho nước Mỹ hơn 300 năm qua mà dường như nó còn tạo ra một sự khó lường, khó đoán trong các chính sách của Mỹ với phần còn lại của thế giới. Cụ thể hơn, những chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng có thể là một thứ "tín hiệu" cho triển vọng quan hệ mới với nước Mỹ, song chưa hẳn đó là tất cả. Mối quan hệ với Thái Lan hay Hàn Quốc, Philippin là các ví dụ nói lên điều đó. Được biết đến là các quốc gia đồng minh thân cận hoặc "tương đối thân cận" với Mỹ tại Châu Á song rất hiếm khi người đứng đầu Nhà Trắng tới thăm chính thức; các hoạt động giữa Mỹ và các quốc gia này chủ yếu được thực hiện thông qua các chuyến thăm từ lãnh đạo các Bộ, Ngành (Ngoại giao, Quân đội)... 
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean (Nguồn: Internet). 

Riêng đối với Việt Nam, mặc dù từ năm 2006 tới nay Tổng thống Mỹ B. Obama chưa có bất cứ chuyến thăm nào tới Việt Nam song nếu liệt kê các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ qua các thời kỳ (Hilary Clinton, J.Kery), người đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương, các thượng nghị sỹ đến từ 02 chính đảng tại Mỹ thì xem chừng nó còn nhiều hơn các nước đồng minh của Mỹ trong châu lục và khu vực. Cho nên, việc không thường xuyên tới thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng chưa thể đi tới kết luận rằng: Việt Nam không thực sự quan trọng đối với nước Mỹ. 
Mỹ đang cần Việt Nam trong mục tiêu chế ngự, kiềm giữ sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng! 
Có một thực tế mà ai cũng biết là Mỹ đang thực sự "quan ngại" với sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc. Sự "lớn mạnh" không lành mạnh của Trung Quốc được dự báo sẽ cản trở và dần chiếm vị trí siêu cường của nước Mỹ trong một tương lai gần. Và đó cũng là lí do chính khiến nước Mỹ phải chuyển trục trọng tâm chiến lược sang Châu Á mặc dù đó không phải là thị trường cũng như khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước Mỹ. 

Để ngăn chặn Trung Quốc, điều cần thiết mà người Mỹ cần làm là thiết lập cho được một gọng kìm bao vây Trung Quốc từ nhiều phía. Tại khu vực Đông Á, Mỹ đã có 02 đồng minh thân cận là Hàn Quốc và Nhật Bản và với việc đã có từ trước các quân sự tại hai nước này nên sẽ không quá khó để Mỹ có thể kiềm tỏa Trung Quốc từ hướng cửa biển Hoa Đông. Tại khu vực Đông Nam Á, Mỹ đang thực hiện chính sách lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á xung quanh các mối quan tâm chung là Biển Đông, TPP... Trong khi đó, được biết đến với vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất khu vực, lại tiếp giáp Trung Quốc và cũng là quốc gia có quyền lợi lớn nhất tại khu vực Biển Đông nên Việt Nam từ lâu là một mục tiêu khiến người Mỹ "nhòm ngó" và cố công thiết lập mối quan hệ đối tác. Vậy nhưng, cũng cần thấy rằng, không phải thời điểm nào Việt Nam cũng sẵn sàng cho việc thiết lập một mối quan hệ mới, đối tác với người Mỹ. Ngoài những lí do được nói đến từ quá khứ (Mỹ từng xâm lược Việt Nam), Việt Nam sẽ quá mạo hiểm nếu đặt tất cả vào mối quan hệ với Mỹ. Người Mỹ đã không ít lần bán rẻ đối tác nếu đạt được thỏa thuận với một đối tác từng được họ xem là kẻ thù, là thứ không đội trời chung. Cho nên, thật dễ hiểu tại sao trong một thời gian dài, đáp lại những lời "ve vãn" của người Mỹ, các nhà chức trách Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng. Và đương nhiên, sự im lặng đó đã ảnh hưởng phần nào tới sự thường xuyên hay gián đoạn trong các chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng. 

Vậy nên, phải chăng nên nhìn nhận vấn đề: Việt Nam đã thực sự quan trọng với người Mỹ từ lâu, song chính sự chưa "sẵn sàng", cảnh giác của Việt Nam đã khiến người Mỹ tạm gác sự quan tâm đó sang một bên. Họ sẽ khởi động "sự quan tâm" đó vào tháng 5 năm nay thông qua chuyến thăm của Tổng thống B.Obama. 

P/s: Xin được tiếp tục với ý kiến tiếp theo ở các bài viết sau.

No comments: