Ngày 15, 16/2 vừa qua, lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ - Asean được tổ chức ngay tại đất Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng đã có các cuộc hội kiến riêng, bên lề với các nhà lãnh đạo các nước thuộc Asean tham dự hội nghị. Việc hội nghị diễn ra hết sức thành công, hai bên đã đạt được sự thống nhất cao trong nhiều vấn đề như vấn đề chống khủng bố, hợp tác kinh tế, vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển tại khu vực Biển Đông đã báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai bên vốn dĩ bị chi phối nhiều bởi các vấn đề thuộc về lịch sử, quá khứ và những rào cản từ một số nước lớn trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại thủ đô Washington ngày 22/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong số những triển vọng được nói đến trong quan hệ giữa Mỹ - Asean thì vấn đề các doanh nghiệp, doanh nhân Mỹ vào đầu tư tại khu vực Asean được cho là vấn đề tất yếu sẽ xảy ra. Đó cũng là động lực để hai bên thực sự gắn kết và có nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, những ai quan tâm tới hậu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean sẽ nhận ra một điều, rằng đó là những triển vọng được tuyên bố, xây dựng dưới thời của tổng thống B.Obama. Trong khi đó, ông B.Obama sẽ không có cơ hội tại vị thêm một khóa tổng thống Mỹ bởi do Hiến pháp nước này quy định một người chỉ được làm hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Do vậy, điều ái ngại là liệu người sẽ kế vị ông B.Obama trên cương vị tổng thống nhiệm kỳ tiếp đây có thực hiện các cam kết đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean vừa mới diễn ra?
Trên thực tế, rất hiếm gặp trường hợp người kế nhiệm không thực hiện các cam kết cũng như các chính sách lớn của người tiền nhiệm. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng mỗi đời tổng thống Mỹ có một sự ưu tiên nhất định trong chính sách đối ngoại của mình. Có thể với Tổng thống B.Obama, Châu Á là trọng tâm chiến lược của nước Mỹ trong mục tiêu kiềm giữ sự trỗi dậy không bình thường của Trung Quốc cũng như thiết lập sự ảnh hưởng đang có xu hướng giảm sút nghiêm trọng tại khu vực này; Và khi đó Asean sẽ là một đối tác mà chính nước Mỹ sẽ phải quan tâm để tạo sự gắn kết trong việc hiện thực hóa mục tiêu của mình. Nhưng với đời tổng thống tiếp theo chưa có gì đảm bảo những mối quan tâm này tiếp tục được duy trì?
Và không hiểu có phải nền ngoại giao của Mỹ có một khả năng đặc biệt hay chính bản thân ông B.Obama hiểu được cái sự băn khoăn của hầu hết các thành viên Asean nên trong một bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Kênh truyền hình Channel NewsAsia được phát sóng ngày 23/2, người đứng đầu Nhà Trắng đã phát đi thông điệp có tính cam kết của nước Mỹ (chứ không phải của cá nhân ông) về việc chính quyền mới sẽ tiếp tục quan tâm đến châu Á bất chấp người kế nhiệm ông là ai.
Đồng thời để làm rõ hơn cam kết do chính mình đưa ra, ông B.Obama cũng đưa ra một lí do để nói rằng việc người Mỹ tiếp tục quan tâm tới Châu Á là một vấn đề có tính tự thân và chính quyền Mỹ (người đứng đầu Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tiếp theo) sẽ không quá ảnh hưởng tới sự quan tâm đó: "Điều quan trọng là việc ghi nhận rằng người Mỹ, chắc chắn là giới doanh nghiệp Mỹ và nước Mỹ nói chung, hiểu rõ châu Á sẽ ngày càng quan trọng hơn đối với kinh tế thế giới.” Thêm nữa, Tổng thống Mỹ cũng đã gia tăng lòng tin tới các đối tác Asean thông qua việc cho biết hầu hết các chính sách đang được thúc đẩy ở thời điểm hiện tại đã được "thể chế hóa", thậm chí là đã được luật hóa (tức là đưa vào các văn bản pháp quy và bắt buộc dù người đứng đầu Chính quyền sắp tới là ai thì cũng sẽ phải thực hiện một cách nghiêm túc).
Nói như thế để thấy rằng, dưới thời tổng thống B.Obama nước Mỹ đang chuyển trục trọng tâm và ưu tiên sự quan tâm sang Châu Á và Asean là đối tác quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của người Mỹ. Sự chuẩn bị, tính toán có tính dài hạn, chiến lược của chính quyền dưới thời tổng thống Obama càng cho thấy một thực tế là người Mỹ hết sức nghiêm túc và trước hết họ sẽ thực hiện đến cùng với những thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean.
An Chiến
No comments:
Post a Comment