(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ, chúng ta không bao giờ muốn gây hận thù dân tộc, nhưng chúng ta phải tôn trọng lịch sử.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa 60 vạn quân tràn qua biên giới,
đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Lai Châu đến Quảng Ninh
với chiều dài 1.200 km. Ngày 18/3, Trung Quốc rút quân, nhưng 10 năm sau
đó vẫn tìm cách xâm phạm lãnh thổ nước ta.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhận định: “Sự kiện này mãi là bài học cho các thế hệ trẻ của Việt Nam. Thời điểm đó, quân đội Việt Nam đang giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi quân Khmer Đỏ.
Trung Quốc đã lợi dụng thời điểm đó để tấn công nước ta, nhưng đã vấp
phải sự kháng cự quyết liệt, dù lúc ấy trong nước không còn các lực
lượng tinh nhuệ nhất.
Hàng chục nghìn người đã ngã xuống, tổn thất rất nặng nề. Chúng phá hoại
hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy,
hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa… của nhân dân ta tại những nơi
chúng đi qua.
Thậm chí sau khi phải rút quân thì phía Trung Quốc vẫn tìm cách gây áp lực lên biên giới nước ta cả chục năm trời”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chỉ rõ, cuộc chiến chống quân xâm lược
năm 1979 là bài học cho nhiều thế hệ trẻ. ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử dân tộc hàng nghìn năm thì nước ta thường xuyên bị các
triều đại phía Trung Quốc sang xâm lược, tuy vậy Việt Nam chỉ thể hiện ý
chí giữ gìn độc lập và cũng sẵn sàng bỏ qua chuyện cũ để hướng tới
tương lai.
Tướng Thước bày tỏ, chúng ta không bao giờ muốn gây hận thù dân tộc,
nhưng chúng ta phải tôn trọng lịch sử. Nếu quên đi lịch thì không thể
biết được hậu quả sau này sẽ như thế nào.
Ông nói: “Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang làm mọi cách để độc
chiếm Biển Đông. Nếu như cứ diễn biến theo tuyên bố của họ thì chúng ta
sẽ trắng tay ở Biên Đông.
Thế nhưng tổ quốc, nhân dân ta không bao giờ chấp nhận. Không chỉ riêng
với Trung Quốc, mà bất kỳ kẻ thù xâm lược nào nhân ta cũng quyết chiến
đấu đến giọt máu cuối cùng.
Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đồng thời cũng sẵn sàng xóa bỏ hận thù
để cùng hợp tác, mang lại những điều tốt đẹp cho người dân và cộng đồng
thế giới.
Trên thực tế, có những nước trước đây đưa quân tới Việt Nam gây chiến,
nhưng sau khi chiến tranh khép lại, chúng ta đã từng bước bình thường
hóa quan hệ, và ngày càng có những hợp tác sâu rộng hơn.
Nhưng đối với một người hàng xóm luôn rình rập, chờ thời cơ để trộm cắp nhà mình thì rõ ràng chúng ta phải đề cao cảnh giác.
Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã dạy cho chúng ta những
bài học đặt giá, cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Quên bài học đó thì
chúng ta sẽ không thể làm gì được với tình hình Biển Đông”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ mong muốn, tôn trọng lịch sử nghĩa
là phải để cho các thế hệ trẻ hiểu được giá trị của hòa bình ngày hôm
nay đã được đánh đổi bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào.
Hiểu rõ giá trị ấy thì chúng ta có thêm quyết tâm chống kẻ xâm lược.
“Đánh giặc thì phải có kỹ thuật, chiến thuật, nhưng ở thời điểm đó chúng
ta đang dồn sức giúp đỡ nhân dân Campuchia, cho nên không có quân chủ
lực.
Khi tổng động viên, hàng nghìn thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ,
nhưng do thời gian gấp gáp, chưa có thời gian huấn luyện nên có những
tiểu đoàn vừa động viên xong, ra mặt trận là hy sinh gần hết.
Bài học ấy còn nhắc nhở các nhà lãnh đạo của Đảng, người lãnh đạo quân đội luôn luôn cảnh giác trong mọi tình huống.
Nếu chúng ta không nhắc đến bài học lịch sử ấy, không thể hiện sự trân
trọng những điều ấy thì sau này khi có kẻ thù còn ai sẵn sàng xông pha?
Vì thế chúng ta tri ân những người đã ngã xuống là để khẳng định, bất kỳ
ai cầm súng chống ngoại xâm luôn luôn được các thế hệ lãnh đạo Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta luôn tri ân.
Bác Hồ đã nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có
thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay
đổi”.
Với kinh nghiệm của cả cuộc đời binh nghiệp, tham gia các trận đánh lớn
giải phóng dân tộc, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, cuộc xâm
lược năm 1979 là minh chứng rõ nét nhất cho thế giới thấy được bản chất
xấu xa của Trung Quốc, đó là tư tưởng bành trướng chứ không tôn trọng
hòa bình như những gì họ rêu rao.
Trung Quốc luôn nói dối về cuộc chiến xâm lược, cho rằng họ đã chiến
thắng, nhưng trên thực tế họ phải rút lui vì biết rõ không bao giờ có
thể khuất phục được ý chí của người Việt Nam – một dân tộc yêu chuộng
hòa bình, khát khao hòa bình, nhưng sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối
cùng, vì độc lập và hòa bình.
“Trước khi xâm lược biên giới nước ta, Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa
của nước ta. Sau này, họ nhiều lần xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước
ta.
Tới bây giờ, Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các đảo đá, đưa máy bay ra
các khu vực này, trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Tất cả những hành vi ấy càng làm cho thế giới thấy được mưu đồ xấu xa
muốn độc chiếm Biển Đông, bất chấp sự chân thành và thiện chí của Việt
Nam.
Nhưng dù thế nào, họ cũng không thể khuất phục được ý chí và nghị lực
kiên cường của người Việt Nam, đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng
phát biểu: Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy một thứ hữu nghị viển
vông”, Tướng Thước bày tỏ.
Theo báo Giáo dục Việt Nam
No comments:
Post a Comment