2016/02/26

TOP 10 BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG "NGỐN" TIỀN NGÂN SÁCH NHIỀU NHẤT

Top 10 bộ, cơ quan trung ương “ngốn” tiền ngân sách nhiều nhất



BizLIVE - Chi lương hưu và đảm bảo xã hội đang chiếm khoảng 38,2% tổng chi các bộ, cơ quan trung ương được thực hiện chính qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bốn bộ tiêu ngân sách nhiều nhất chiếm khoảng 39,2% tổng chi các bộ và cơ quan trung ương.


Ảnh minh họa.

Nếu như quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 cho thấy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Y tế là 6 bộ, cơ quan trung ương dẫn đầu về chi ngân sách nhà nước, đến năm 2016 top 6 bộ, cơ quan trung ương vẫn giữ nguyên nhưng dự toán cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã vượt qua Bộ Giao thông vận tải để vươn lên vị trí số 2.
\
Tuy nhiên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ có một khoản chi duy nhất là chi lươnghưu và đảm bảo xã hội. Dự toán trong năm 2016, cơ quan này sẽ chi hết 43.300 tỷ đồng, tăng 3,27% so với quyết toán năm 2013.

Tương tự, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng dùng phần lớn số chi để chi trả lương hưu và đảm bảo xã hội. Dự toán năm 2016, bộ này sẽ chi dùng 32.531 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2013. Trong đó, gần 97% số chi dùng để chi lương hưu và đảm bảo xã hội. 

Nguồn: Dự toán NSNN năm 2016, Bộ Tài chính Như vậy, chỉ tính riêng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ dùng đến 73.362 tỷ đồng để chi trả lương hưu và đảm bảo xã hội. Ngoài 2 bộ, cơ quan này, còn có 5 bộ, cơ quan khác chi trả lương hưu và đảm bảo xã hội với khoảng 1.994 tỷ đồng. Tổng chi lương hưu và đảm bảo xã hội lên đến 75.356 tỷ đồng.

4 bộ ngành ngốn tiền ngân sách tiếp theo là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo dự toán 4 bộ sẽ dùng khoảng 77.280 tỷ đồng, tương đương 39,2% tổng chi các Bộ, cơ quan trung ương. Con số nói trên đã giảm 9,3% so với quyết toán năm 2013.

Trong đó, dự toán năm 2016 cho Bộ Giao thông vận tải là 27.661 tỷ đồng, giảm 24,6%; Bộ Tài chính là 21.756 tỷ đồng, tăng 17,9%; Bộ Y tế là 11.367 tỷ đồng, giảm 9,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 8.903 tỷ đồng, giảm 16,2% so với quyết toán năm 2013.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, phần chi giảm mạnh nhất là chi đầu tư phát triển, giảm 34,4% so với quyết toán 2013. Số chi dự toán năm nay là 18.404 tỷ đồng. Chi sự nghiệp kinh tế của bộ này trong năm 2016 dự kiến tăng 10,2% so với năm 2013, đạt gần 8.330 tỷ đồng.

Đối với Bộ Tài chính, dự toán chi năm 2016 tăng chủ yếu do chi thường xuyên tăng đến 21%. Khoản chi thường xuyên chiếm đến 96,8% tổng chi của bộ này, trong đó dự kiến chi hơn 19.765 tỷ đồng cho quản lý hành chính, tăng đến 17,8% so với năm 2013.

Đối với Bộ Y tế và Giáo dục và Đào tạo, dự toán tổng chi giảm chủ yếu do chi thường xuyên giảm, lần lượt 12% và 26,2%. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo dự toán sẽ tăng 289% và cho Bộ Y tế tăng 55,8% so với quyết toán 2013. 


Nguồn: Dự toán NSNN năm 2016, Bộ Tài chính

4 bộ, cơ quan trung ương tiếp theo trong Top 10 là Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 4 đơn vị nói trên dự toán chi trong năm 2016 trong khoảng 3.133 tỷ đồng đến 3.528 tỷ đồng, tăng 22,8% đến 47,6% so với quyết toán năm 2013.

Dự toán chi của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu là chi quản lý hành chính; trong khi đó, chi của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu chi sự nghiệp kinh tế, chi đầu tư.

Năm 2016, dự toán chi cho 45 bộ, cơ quan trung ương là 197.288 tỷ đồng, trong đó 76% dành cho chi thường xuyên. Top 10 các bộ, cơ quan ngốn ngân sách nhiều nhất dự kiến chiếm đến 84,5% tổng chi của 45, bộ và cơ quan trung ương này.

No comments: