Bìa ngoài của cuốn sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt" (Nguồn: Internet).
Viết về cuốn sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt", tôi hoàn toàn dễ hiểu tại sao Chủ blog lại đặt cái tít: "PHAT HÀNH SÁCH "ĐẶNG TIỂU BÌNH - MỘT TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT" LÀ VÔ TRÁCH NHIỆM HAY NỐI GIÁO CHO GIẶC?". Theo đó, trước khi đưa ra nghi ngờ "Vậy mục đích của Nhà xuất bản Lao Động là gì khi cho duyệt và phát hành cuốn sách này? Đây có phải hành vi nối giáo cho giặc?", Tre Làng đã chỉ ra hàng loạt lí do kiểu như:
"Đặng Tiểu Bình chính là tên ác quỷ - kẻ đã ra lệnh "dạy cho Việt Nam một bài học" bằng cách xua quân xâm lược Việt Nam vào tháng 2/1979. Tội ác tày trời của lũ Trung Quốc xâm lược lẽ ra phải được truyền thông ghi nhận trong sách vở và đánh dấu một cách đặc biệt trong sử sách nước nhà. Thế nhưng, thay vì nhắc đến tội ác của bè lũ Đặng Tiểu Bình cùng sự tráo trở, lật lọng một cách hèn hạ, vô liêm sỉ của bè lũ Bắc Kinh, Nhà Xuất bản Lao Động lại nối giáo cho giặc, cho xuất bản cuốn: “Đặng Tiểu Bình – Một trí tuệ siêu việt”, trên bìa in trang trọng ảnh chân dung Đặng Tiểu Bình".
"Trong nội dung cuốn sách, Đặng Tiểu Bình liên tục được tán dương là "người Mác xít chân chính", "tầm nhìn thế giới", "thống soái đại quân", "nhà chiến lược vĩ đại, và "bậc thầy lớn trong nghệ thuật lãnh đạo". Đặc biệt, sách dùng các cụm từ "Đảng ta", "quân đội ta" để nói về đảng và quân đội của Trung Quốc. Cách dịch này là cực kỳ phản cảm và có thể gây hiểu nhầm".
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác hơn, xin được nói đôi điều về chuyện nên hay không nên phát hành cuốn sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt" và tin chắc rằng Tre Làng sẽ hoàn toàn đồng tình với lí do sau đây về những băn khoăn, hoài nghi của chính mình!
Đất nước Trung Quốc đã có những thời kỳ khó khăn mà nếu không vững vàng và có những nhà lãnh đạo có tầm và tài thì chính họ đã là cái tên tiếp theo cùng với Liên Xô và Đông Âu rơi vào tình trạng cáo chung của Xã hội chủ nghĩa như luận điệu của đám truyền thông Phương Tây vào những năm 90 của thế kỷ trước. Cụ thể, những di sản để lại từ thời kỳ Đại cách mạng văn hóa và những cải cách phản động của bè lũ Giang Thanh đã khiến Trung Quốc đứng trước những khó khăn mà theo nhiều học giả thời đó thì chỉ có thay đổi nếu thay đổi thể chế chính trị. Đây cũng là thời điểm mà đám cơ hội trong nước, những kẻ ăn tiền của chủ nghĩa thực dân, đế quốc còn sót lại ra sức tấn công thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực. Vậy nhưng, tất cả đã được hóa giải dưới sự lãnh đạo hết sức tài tình của Đặng Tiểu Bình trên cương vị lãnh tụ tối cao của Trung Quốc và cũng xin lưu ý rằng, đây chính là đòn bẩy để Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên với những bước tiến dài trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới ở thời điểm hiện tại.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những thứ Trung Quốc đã trải qua và thành công có đáng được học đối với một đất nước có sự tương đồng về thể chế chính trị và có vị trí địa lý gần gũi như Việt Nam hay không? Đó cũng là câu trả lời cho việc có hay không, nên hay không nên xuất bản và phát hành cuốn sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt". Thậm chí, việc ra đời cuốn sách về chính một người từng là kẻ thù của dân tộc, con người Việt Nam còn cho thấy một phẩm chất hết sức cao đẹp của người Việt Nam: Sự rạch ròi trong thực hiện các mục tiêu và sẵn sàng gác bỏ tất cả những hận thù từ quá khứ để đạt được những mục tiêu lớn hơn, cao đẹp hơn. Chúng ta sẵn sàng "bỏ" sang một bên những điều không hay để thu lượm từ chính đất nước đó, con người đó những điều tốt đẹp và hay ho. Ở thời điểm hiện tại, tôi chưa dám chắc rằng tư tưởng, phong cách lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến quá trình đổi mới được khởi xướng từ năm 1986 tại Việt Nam. Song tôi tin chắc rằng quyết tâm đổi mới được hình thành, quyết tâm hơn từ việc hiểu người Trung Quốc nói chung, cá nhân ông Đặng Tiểu Bình nói riêng đã làm gì trong hoàn cảnh tương tự!
Người Việt Nam chúng ta có câu: "Biết người, biết địch, trăm trận trăm thắng". Tư tưởng, thái độ ứng xử của Đặng Tiểu Bình đang được các nhà lãnh đạo tại Trung Quốc duy trì trong chiến lược 'Trỗi dậy không hòa bình" của mình và đối chiếu với quan niệm này của người Việt Nam thì chẳng có lí do gì để phê phán Nhà xuất bản Lao động trong việc cho ra đời cuốn sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt". Thậm chí, chúng ta phải cảm ơn Nhà xuất bản Lao động bởi chính họ đã tiên phong chỉ cho chúng ta thấy rõ hơn về một tính cách điển hình của chính giới Trung Quốc và tin chắc rằng trong một cuộc chiến dài hơi với Trung Quốc, nhất là trong cuộc chiến trên Biển Đông những điều này là hết sức cần thiết.
An Chiến
No comments:
Post a Comment