Tản Văn: ASEAN-US SUNNYLANDS SUMMIT 2016 - PART1
Ngày
hôm nay 15/2/2016 tại Lâu đài Sunnylands, California, bắt đầu diễn ra
các hoạt động chính thức của cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ.
1.
Về tầm quan trọng của cuộc gặp: Khỏi cần nhắc lại vì quá nhiều bài báo,
phân tích gần đây đã nêu thông tin quá đầy đủ, xin tóm lại thành mấy
nét: (i) Thể hiện vai trò địa-chiến lược và địa-kinh tế ngày càng quan
trọng của ASEAN trong cục diện châu Á-TBD và thế giới; (ii) Đánh giá về
tầm quan trọng của ASEAN và quan hệ ASEAN-Mỹ của chính quyền Obama;
(iii) Bối cảnh khu vực, quốc tế và những đòi hỏi từ bên trong đưa quan
hệ ASEAN-Mỹ phát triển thực chất hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu.
2.
Về gặp gỡ cấp cao ASEAN-Mỹ trong những năm gần đây: Từ khi Obama lên
cầm quyền, cùng với chiến lược tại cân bằng, xoay trục sang Châu Á, quan
hệ của Mỹ với ASEAN liên tục được chú trọng. Bắt đầu từ cuộc gặp cấp
cao ASEAN-Mỹ lần đầu tiên tại Singapore 11/2009 bên lề HNCC APEC, và
cuộc gặp ASEAN-Mỹ lần thứ hai 9/2010 bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ
tại NY, từ đó đến trước Cuộc gặp cấp cao tại Sunnylands 2/2016 năm nào
cũng diễn ra Cuộc gặp cấp cao ASEAN-Mỹ.
Đáng
chú ý là: Trong các cuộc gặp cao cấp ASEAN-Mỹ thì quyết định đi đến
cuộc gặp cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ nhất 11/2009 là quan trọng nhất cho
thấy Mỹ không chỉ xoay trục bằng lời nói mà đã quyết tâm hành động.
Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ là quốc gia đầu tiên bên ngoài
ASEAN quyết định cử ĐS và lập phái đoàn ngoại giao thường trực bên cạnh
BTK ASEAN. Cần nhớ lúc này Myanma vẫn bị Mỹ cấm vận, nhưng Chính quyền
Obama vẫn quyết định đi đến cuộc họp này.
Như
vậy trước Sunnylands Summit, đã có tổng cộng 7 cuộc gặp cấp cao
ASEAN-Mỹ. Sau cuộc gặp cấp cao 2012, Nhóm các Nhân vật nổi tiếng ASEAN
và Mỹ khuyến nghị và được chấp nhận sẽ thể chế hoá hàng năm cuộc gặp cấp
cao ASEAN-Mỹ bắt đầu từ năm 2013.
3. Một số nét đáng chú ý về cuộc gặp cấp cao tại Sunnylands:
(i)
Đây là cuộc gặp cấp cao riêng rẽ đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN không phải
bên lề các cuộc gặp khác nên tự bản thân nó đã nói lên vào trò quan
trọng. Đây cũng không phải là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ
trên đất Mỹ (cuộc gặp trước diễn ra tại New York năm 9/2010)
(ii)
Cuộc gặp này chỉ diễn ra 3 tháng sau cuộc gặp cấp cao ASEAN- Mỹ trước
đó nên cũng nói lên phần nào mức độ chặt chẽ và quan hệ sâu rộng giữa
ASEAN và Mỹ.
(iii)
Giữa ASEAN và Mỹ còn rất nhiều việc có thể thúc đẩy thực chất từ nay
cho đến khi Tổng thống Obama mãn nhiệm vào 1/2017. Việc Chính quyền Mỹ
chọn cuộc gặp cấp cao diễn ra sớm chứ không phải muộn như mọi lần, khi
mà Tổng thống Mỹ gần như đã hết vai trò, cho thấy Mỹ muốn làm "điều gì
đó".
4. Tại sao Sunnylands chứ không phải nơi khác?
-
Sunnylands được coi như Camp David của bờ Tây, nơi trong những năm gần
đây thường diễn ra các cuộc họp cấp cao của Mỹ với lãnh đạo các nước
châu Á. Còn Camp David ở bờ Đông là nơi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo châu
Âu và các nơi khác. Trước đây khi Sunnylands chưa có tiếng như bây giờ
thì lãnh đạo các nước thân cận và các cuộc gặp cấp cao quan trọng của Mỹ
đều được lôi tất tật về Camp David. 9/2013 Sunnylands cũng là nơi diễn
ra Cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa TT Obama và lãnh đạo TQ Tập Cận Bình.
-
Sunny lands trước đây là bất động sản do gia đình tỷ phú truyền thông
gốc Do Thái là Walter Annenberg và vợ là Leonore Annenberg sở hữu.
Sunnylands là Lâu đài được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng đương
đại của nước Mỹ bắt đầu từ năm 1963. Bà Leonore Annenberg từng là Người
đứng đầu bộ phận lễ tân của Nhà trắng thời Ronald Reagan, còn ông chồng
Walter Annenberg vừa là tỷ phú truyền thông, một cựu ĐS Mỹ tại Anh thời
Nixon và là một nhà hảo tâm có tiếng. Sinh thời Walter Annenberg đã
hiến trên 2 tỷ USD với mục đích thúc đẩy giáo dục, bảo vệ các di sản văn
hoá. Khắp nước Mỹ có rất nhiều bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, thư
viện, tòa nhà... mang tên Walter Annenberg.
-
Walter Annenberg còn nổi tiếng là người sưu tầm các tranh quý có giá
trị của nhiều danh họa nổi tiếng như Picasso, Van Gogh... trị giá trên 1
tỷ USD. Sau khi Walter Annenberg qua đời năm 2009 thì Bộ sưu tập tranh
này được hiến tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật New York và Lâu đài
Sunnylands được giao cho Quỹ Annenberg quản lý và điều hành.
-
Năm 1990 Thị trấn Rancho Mirage nơi có Lâu đài Sunnylands tuyên bố đây
là địa danh lịch sử. Quả thật hiếm có địa danh nào ở miền Tây nước Mỹ
lại là nơi được các Tổng thống Mỹ, lãnh đạo hai Đảng Cộng hòa và Đang
Dân chủ, các nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ chọn Sunnylands là nơi hội
ngộ và nghỉ ngơi. 8 Tổng thống Mỹ đã đến nơi này thường xuyên là
Eisenhower, Nixon, Ford, Reagan, Clinton, George H.W. Bush, George W.
Bush và Barack Obama. Nữ hoàng Anh và chồng Phillips, Thủ tướng Anh
Margaret Thatcher, Thủ tướng Nhật Kaifu cũng đã từng viếng thăm
Sunnylands.
5.
Chuyện bên lề về Walter Annenberg, chủ nhân của Sunnylands: Tuy có
nhiều mặt tốt, tích cực nhưng Walter Annenberg từng bị tố là "chơi bẩn"
khi bôi nhọ ứng cử viên Milton Shapp của Đảng Dân chủ (người chống lại
các lợi ích của Annenberg) trong cuộc chạy đua chức Thống đốc Bang
Pennsylvania năm 1966.
Trong
1 cuộc phỏng vấn, phóng viên tờ Philadelphia Inquirer, một tờ báo do
Walter Annenberg làm chủ, hỏi Milton Shapp là đã bao giờ là bệnh nhân
tâm thần chưa. Là người chưa bao giờ bị tâm thần dĩ nhiên Shapp trả lời
"No". Lập tức ngày hôm sau tờ Philadelphia Inquirer chạy kín trang nhất
tờ báo với tiêu đề "Shapp từ chối điều trị bệnh tâm thần". Kết cục là
Shapp thua cuộc còn Walter Annenberg cũng phải bán một phần đế chế
truyền thông của mình.
6.
Về chủ đề Biển Đông: Nhiều nhà quan sát trong và ngoài khu vực kỳ vọng
câu chuyện Biển Đông sẽ là trọng tâm cuộc gặp và sẽ có "đột phá" giữa Mỹ
và ASEAN trong vấn đề này. Rồi cũng có những đánh giá cho rằng Trung
Quốc sẽ là "đối tượng" của cuộc họp cấp cao ASEAN-Mỹ tại Sunnylands....
Chắc
chắn BĐ là quan trọng và là 1 ưu tiên trong chương trình nghị sự. Tuy
nhiên những ai suy nghĩ như ở trên là có ảo tưởng và sẽ ít nhiều thất
vọng khi hội nghị kết thúc. Quan hệ Mỹ ASEAN có rất nhiều vấn đề cần
thảo luận và thúc đẩy hợp tác. Mấu chốt ở đây là cần phải có 1 ASEAN
mạnh, hòa bình ổn định khu vực phải được duy trì và chính ASEAN phải là
người có tiếng nói quan trọng và quyết định trong các vấn đề của mình và
khu vực. Mỹ và quan hệ Mỹ-ASEAN chỉ giúp thúc đẩy chứ không thể và
không làm thay được ASEAN.
7. Dựa vào nước lớn có phải là giải pháp?
Khi
xem lại lịch sử quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á trong những năm
1960, đầu 1970 dễ dàng thấy tình hình ở khu vực khi đó không khác mấy so
với Trung Đông ngày hôm nay (tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng):
Chiến tranh Đông Dương; sự có mặt của 540.000 lính Mỹ; các nhóm phiến
quân Mao-it hoạt động ở MLS, TL, PLP; tình trạng lạc hậu, bất ổn kinh
tế; đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô ở
khu vực...
Khi
đó các lãnh đạo ASEAN dùng giải pháp gì? (i) Không một chiều dựa dẫm,
phụ thuộc vào các nước lớn; (ii) thi hành một chính sách đối ngoại độc
lập, tự chủ, lấy chủ nghĩa khu vực và coi ASEAN làm trọng; (iii) thực
thi chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, coi giải pháp phát triển kinh tế-xã
hội là chìa khóa...
Cần
nhớ rằng khi đó ASEAN-5 hoàn toàn có thể dựa hơn vào các đồng minh Mỹ
và Phương Tây nhưng họ đã quyết định không làm như vậy. Và đây là quyết
định đúng và ASEAN đã thành công.
Có
một bài viết gần đây rất hay đăng trên "Foreign Policy In Focus" với
tiêu đề: "East Asia is Invisible" nói về Đông Á trong chính sách đối
ngoại của Mỹ (Link dưới đây):
Trong bài này có mấy chi tiết thú vị:
-
Người Mỹ rất ít hoặc không mấy quan tâm đến chính sách đối ngoại (qua
TV coverage và truyền thông Mỹ), ngoại trừ các học giả, chuyên gia về
quan hệ quốc tế hoặc nhóm ngoại kiều đến từ 1 quốc gia/khu vực nhất
định.
- Chính sách đối ngoại chiếm 6,5%. Vâng chỉ 6,5% thời lượng phát sóng TV.
-
Trong 150 Media coverage nổi bật nhất trong năm 2015 thì thậm chí không
có 1 coverage nào về Đông Á (tất nhiên cần lưu ý là Media coverage
thường chỉ cover khi khủng hoảng)
-
Từ sự quan tâm chuyển sang chính sách thì thấy khu vực này người Mỹ
nhìn chung không quan tâm nhiều (mặc dù có tăng dưới thời Obama)
P/S:
Thậm chí ứng cử viên TT Đảng Dân chủ Bernie Sander người đang bám sát
nút bà Hillary Clinton cho đến nay còn không (thèm?) cố vấn về đối
ngoại.
8. Giải pháp nào cho ASEAN?
Cũng
như trước kia giải pháp cho ASEAN hiện nay cũng không khác mấy. Vấn đề
là phải xem kỹ, học kỹ các bài học lịch sử. Chỉ và chỉ có ASEAN mới giải
quyết được các vấn đề của riêng mình chứ không phải bất kì nước ngoài
nào khác. Ý tôi muốn nói cho dù ASEAN có chọn giải pháp gì, công cụ nào,
nghiêng về ai giai đoạn nào, trong vấn đề gì... phải do chính ASEAN
quyết định chứ không phải là sự áp đặt hay giải pháp tình thế.
Tôi
thường xuyên nói với các đồng nghiệp trong và ngoài nước là hãy nhìn
vào chiến lược/chính sách của các nước lớn xoay trục, tái cân bằng với
Đông Nam Á (không chỉ có chiến lược tái cân bằng của Mỹ đâu nhé) thì
thấy không có nước nào có chiến lược xoay trục sang từng thành viên như
Malaysia/Indonesia/hay VN. Họ nhìn ASEAN với tư cách là cả khối.
Nếu
ASEAN mà không đoàn kết, không xây dựng sức mạnh nội lực thì chắc chắn
sẽ chẳng có cuộc họp như Sunnylands. Do đó, ưu tiên phải là ASEAN, ASEAN
và ASEAN. Từ nền tảng vững chắc là ASEAN thì sẽ có nhiều Cuộc họp
Sunnylands khác, sẽ không chỉ có Mỹ mà còn Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,
Nga, EU... ve vẫn và thúc đẩy quan hệ với ASEAN.
Các
chuyển biến trong khu vực hiện vẫn còn những dấu hiệu trái ngược. Trong
Thông điệp CSĐN đầu năm mới 2016, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi
đã nhấn mạnh dứt khoát: ASEAN là ưu tiên số một trong CSĐN của
Indonesia, một số nước khác cũng vậy. Tuy nhiên, cũng trong năm 2016,
trong 1 nỗ lực cắt giảm các cuộc họp của ASEAN, ASEAN tạm thời quyết
định năm 2016 này sẽ chỉ còn 1 Cuộc gặp cấp cao thay vì hai như trước.
Đáng ra khi Cộng đồng ra đời từ 1/1/2016, khi ASEAN phải đương đầu với
nhiều thách thức hơn thì tần suất các cuộc họp cấp cao ít nhất phải được
duy trì là 2 như trước nếu không nói cần tăng thêm. Hãy nhìn sang EU,
trong năm qua lãnh đạo họ có đến hàng chục cuộc gặp cấp cao trong năm
2015. Nhờ vậy nhiều cuộc khủng hoảng như tài chính, di cư, khủng bố...
đã bớt tồi tệ hơn.
Rất hy vọng quyết định này chỉ tạm thời và sẽ có nhiều cuộc gặp cấp cao ASEAN hơn trong tương lai.
Một chút cảm nghĩ tản văn khai bút đầu xuân Bính Thân gọi là.
(Hết)
No comments:
Post a Comment