Hoa đất
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và đảm bảo |
Sự kiện quốc hội Việt Nam phê chuẩn Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 là dấu mốc quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ấy vậy mà một số chức sắc tôn giáo cực đoan, vốn không mấy thiện chí với chế độ XHCN Việt Nam trong lúc trả lời một số tờ báo nước ngoài lại đưa ra nhiều nhận xét cảm tính để phủ nhận thành quả trên. Đại loại, các luận điệu mà chúng đưa ra tập trung vào một số điểm như: “ở các nước văn minh, người ta không bao giờ ra Luật tín ngưỡng, tôn giáo”, “luật tín ngưỡng tôn giáo tiếp tục là công cụ để Nhà nước bóp nghẹt tôn giáo”, “luật không nhằm phục vụ nhân quyền mà chỉ để phục vụ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản...”.
Có thể khẳng định rằng, khi đưa ra các luận điệu trên họ chẳng hiểu gì về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Thứ nhất, quyền tự do tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, nó được quy định trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế: Hiến chương Liên hợp quốc (1945), Tuyên ngôn Nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16-12-1966, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có hiệu lực từ ngày 4/1/1969… Tất cả các văn kiện pháp lý trên Việt Nam đều tham gia và thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo, thể chế hóa thành luật và không mâu thuẫn với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người.
Thứ hai, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của công dân nhưng nó không phải là quyền tuyệt đối. Các đối tượng thường rêu rao rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền bẩm sinh, không phụ thuộc vào văn hóa hay ý chí cá nhân, giai cấp, cộng đồng hay nhà nước; không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người bẩm sinh, vốn có của các cá nhân. Đấy là quan điểm hết sức sai lầm. Bởi ngay tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”..
Thứ ba, không một quốc gia nào lại không quản lý tôn giáo. Ngay tại Mỹ-một đất nước luôn tự cho là “mẫu hình” về tự do tôn giáo, nhưng trong hệ thống luật pháp vẫn có hàng trăm các quy định để quản lý tôn giáo. Chẳng hạn, trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nội dung: Nghiêm cấm việc thiết lập một tôn giáo nhà nước chính thức cũng như cấm chính phủ trợ giúp cho các nhóm tôn giáo... Tương tự ở Pháp, thế giứoi của văn minh phương Tây đề ra đạo luật ngày 9-12-1905 ghi rõ: “Nền Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm, bảo đảm quyền tự do thực hành các việc thờ phụng với những hạn chế duy nhất được ban bố... vì lợi ích trật tự công cộng” (Điều 1). Tại Điều 25 của đạo luật trên cũng ghi: “Các cuộc hội họp để cử hành một việc thờ phụng được điều hành trong những trụ sở thuộc một hiệp hội tôn giáo... là công cộng. Chúng được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách vì lợi ích của trật tự công cộng”. Ở Anh, chuông nhà thờ reo ở trung tâm các thành phố lớn đều phải được sự đồng ý của chính quyền…
Như vậy có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới đều trực tiếp đề ra các văn bản pháp luật làm cơ sở để quản lý tôn giáo. Không bao giờ có chuyện “ở các nước văn minh, người ta không bao giờ ra Luật tín ngưỡng, tôn giáo” như giọng điệu mà các đối tượng đang rêu rao.
No comments:
Post a Comment