2016/12/28

Có hay không xung đột giữa chính quyền với tôn giáo

Mõ Làng



Trong cuộc tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói:

“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không chấp nhận hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật… cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế...”.

Đấy là tuyên bố rất sõ ràng và nhất quán của Chính phủ VN về chính sách đối với tôn giáo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy "cây muốn lặng, gió chẳng dừng", kể từ khi nhà nước CHXHCN Việt Nam ra đời cho đến nay tôn giáo luôn là vấn đề nóng vì các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo để chống nhà nước.

Có ý kiến cho rằng: "Tôn giáo không bao giờ chống chính phủ" và vì vậy "Chính phủ không bao giờ chống tôn giáo". Tôi không tin điều đó, chân lý của sự thật hàng trăm năm qua cho thấy, không có gì liên kết con người mạnh mẽ hơn tôn giáo. nhưng cũng không có điều gì chia rẽ con người hơn tôn giáo. Xung đột tôn giáo với chính thể chính trị là có thực và đôi lúc nó bị đẩy lên đỉnh điểm mỗi khi tôn giáo can dự vào chính trị, muốn làm cả chức năng thế tục.

Cần hiểu rằng, tính ngưỡng và tôn giáo là hai phạm trù khác nhau. Tính ngưỡng là niềm tin, niềm tin chưa chắc đã thành tôn giáo. Bằng chứng là, người Việt có tính ngưỡng đa thần nhưng không hình thành tôn giáo. Còn tôn giáo được hiểu là có một hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, chức sắc. Nó là một thực thể xã hội có đường hướng hoạt động. Mỗi khi đường hướng ấy chỉ thuần túy phục vụ đức tin thì mọi chuyện yên ổn. Nhưng, mỗi khi đường hướng ấy lệch lạc muốn can dự vào chính trị thì nó sẽ xung đột với chính quyền.

Ở Việt Nam, xung đột tôn giáo - chính trị đã từng diễn ra. Ít nhất từ năm 1945 trở lại đây, việc lợi dụng tôn giáo vào các mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch được coi là điển hình trên nhiều phưomg diện. Điều này xuất phát từ tính chất và đặc điểm của cách mạng Việt Nam, nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á, thoát khỏi ách thực dân bằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo hướng xã hội chủ nghĩa. 

Suốt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954), và chống Mỹ (1954-1975), các thế lực đế quốc thực dân đã lợi dụng tôn giáo ở mức cao nhất. Quân sự hóa một bộ phận lực lượng Công giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, chúng đã lợi dụng tinh thần “thánh chiến” của các tôn giáo này trong việc chống cộng sản. Đỉnh cao nhất là việc ở miền Nam, trong 21 năm kháng chiến đã thực sự tồn tại một chính quyền căn bản dựa trên quyền lực của Công giáo, chống cộng sản và đàn áp các giáo phái khác. 

Sự tấn công vào chính sách tôn giáo ở Việt Nam của Mỹ và các thế lực thù địch xem ra ngày càng bộc lộ rõ sự quyết liệt và dai dẳng. Những năm gần đây trong hàng loạt các bản Dự luật Nhân quyền Việt Nam người ta thường thấy những nhận xét vô cớ “Chính phủ Việt Nam tước đoạt một cách hệ thống quyền cơ bản về tự do tôn giáo của công dân mình...”. Đặc biệt, các thế lực thù địch đã dung dưỡng, khuyến khích các hoạt động chống Nhà nước Việt Nam, thực hiện Chủ nghĩa ly khai ở Tây Nguyên qua việc dựng nên cái gọi là “Nhà nước Đega”, “Tin Lành Đega”. Còn ở Tây Bắc là "Vương quốc Mông", "Tin lành Mông". Với Tây Nam Bộ thì đó là Phật giáo Nam Tông Khơme, Nhà nước Khơme Crôm.

Hiện nay, cục diện chính trị đã đổi khác. Thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch cũng đồi khác. Đó là, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” bằng sự phát triển tôn giáo thông qua 2 phương thức tiêu biểu: “chủ nghĩa ly khai mới”trong vấn đề tôn giáo - dân tộc và "chủ nghĩa thế tục" trong vấn đề tôn giáo - chính trị. 

Ở phương thức thứ nhất, xung đột nghiêm trọng nhất trong đời sống tôn giáo những năm qua ở nước ta là xung đột xoay quanh vấn để tôn giáo - dân tộc ở các khu vực có vấn đề tộc người thiểu số. Trong những năm qua, những xung đột liên quan đến “sự phát triển đột biến” của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc là những ví dụ điển hình của loại này. 

Thủ đoạn kinh điển vẫn là: khơi dậy những “mối hận thù trong lịch sử”; những mâu thuẫn, căng thẳng về kinh tế - xã hội, hậu quả của hiện đại hóa và phát triển không đồng đều; khoét sâu những khuyết điểm, yếu kém của chính quyền trong thực hiện chính sách dân tộc.

Ở phương thức thứ hai: Thế tục hóa thông qua vấn đề tôn giáo - chính trị. Xung đột phổ biến và nghiêm trọng là xung đột xoay quanh vấn đề tôn giáo can thiệp vào những vấn đề dân chủ, nhân quyền, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhà nước XHCN, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Thời gian gần đây, ví dụ điển hình là những hoạt động có tính bạo động, bất tuân pháp luật ở Giáo phận Vinh, ở Dòng Chúa cứu thế Thái Hà, Kỳ Đồng. 

Thủ đoạn kinh điển vẫn là sử dụng con bài đòi "dân chủ, nhân quyền"; bất tuân luật pháp qua cái gọi "tù nhân lương tâm"; lợi dụng, khoét sâu yếu kém trong thực hiện chính sách kinh tế, an sinh xã hội; mượn cớ tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự tôn giáo; kích động chia rẽ lương giáo qua truyền thông.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mọi giá trị đã có sự biến đổi. Các vấn đề có tầm vóc toàn cầu như xung đột vũ trang, tài chính kinh tế, khủng bố quốc tế, hạt nhân và môi trường, tôn giáo v.v... không còn là vấn đề riêng rẽ của mồi quốc gia nữa. Chính sách can thiệp của các nước lớn thông qua con đường kinh tế, dân chủ, nhân quyền ngày càng quyết liệt đã hà hơi, tiếp sức cho các thế lực tôn giáo cực đoan can dự vào chính trị. Điều đó làm cho nguy cơ an ninh quốc gia bị đe dọa.

Trước đây, khái niệm về quốc gia, tổ quốc, bao giờ cũng có giá trị cao nhất, thiêng liêng nhất. Ngày nay, cùng với vấn đề di dân, hợp tác quốc tế, mở rộng khái niệm gia đình, vấn đề lựa chọn quốc gia và tổ quốc cũng khác đi nhiều, không còn ý nghĩa tuyệt đối về giá trị tinh thần và đạo đức. Trong bối cảnh đó, tôn giáo cũng đang manh nha xu thế "giải lãnh thổ" mà điển hình là nhà nước Hồi giáo IS. 

Nguồn gốc, những biểu hiện của chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa thế tục, những khuynh hướng tư tưởng chính trị có thực, thực chất là biến tướng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan trong điều kiện hệ thống quyền lực của các quốc gia đã suy giảm, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa vốn đang là mối bận tâm của nhiều quốc gia, khu vực. Hơn thế nữa, khi các tổ chức quốc tế mà phần lớn hiện nay bị Mỹ và phương Tây chi phối, thường tỏ ra “quan tâm” đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo thì rõ ràng thứ chủ nghĩa ly khai, thế tục ấy càng được khai thác triệt để. 

Đấy là mầm mống, là tiền đề chính trong việc gây ra xung đột và can thiệp vào công việc nội bộ các nước của các đế quốc, cường quốc. Bài học về Liên Xô, Nam Tư, Trung Đông, Bắc Phi và hiện tại là vấn đề Hồi giáo IS vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo.

Như vậy, những biểu hiện mới trong mối quan hệ của vấn đề dân tộc - tôn giáo hiện nay, có thể rút ra kết luận chung: vấn đề dân tộc - tôn giáo vốn là một “căn tính lịch sử”, trong điều kiện hiện nay đang có những biến thái phức tạp mà mỗi quốc gia, mồi nhà nước phải có những chính sách thích hợp để giải quyết. 

Trong những năm, việc quản lý, giải tỏa những xung đột tôn giáo, tộc người trên bình diện công khai, cũng như đang tiềm ấn ở Việt Nam đã dạt được nhiều thành tựu cơ bản. Nhưng cũng phải nói rằng xu hướng “chủ nghĩa ly khai”, "chủ nghĩa thế tục" trong vấn đề tôn giáo - dân tộc vẫn còn là mối nguy hại lâu dài. 

Vì vậy, xung đột Nhà nước - Tôn giáo vẫn là vấn đề tất yếu bởi các thế lực cực đoan trong tôn giáo vẫn cố tình can thiệp vào chính trị.

No comments: