2016/12/28

GIÁNG SINH VỀ MIỀN KÝ ỨC

Minh Trị


Thay vì chỉ là một ngày lễ mang tính tôn giáo, cùng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước, lễ Giáng sinh đã trở thành dịp để người dân dù theo hay không theo đạo Công giáo có dịp để tham gia các hoạt động vui chơi, cùng cầu chúc cho nhân loại được an lành. Tất nhiên, lễ Thiên Chúa Giáng sinh vẫn có ý nghĩa đặc biệt nhất với những người theo Công giáo và Tin lành. Đó là thời điểm mà niềm tin tôn giáo trong họ được phát huy mãnh liệt nhất, khi mà họ thực hiện những nghi lễ trang trọng và thành kính hướng về Đức chúa Jesus.

Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến sự phát triển của các tôn giáo, làm hết sức mình để đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho quần chúng nhân dân, bao gồm cả tín đồ theo Công giáo và Tin lành. Năm 2016 sắp qua, bên cạnh đại đa số quần chúng tín đồ với niềm tin tôn giáo thực hiện đúng khẩu hiệu “kính Chúa, yêu nước”, góp phần xây dựng quê hương, đất nước mình cho cả người lương và người giáo; thì có một bộ phận nhỏ phần tử kích động, trong đó bao gồm một số linh mục giáo phận Vinh và dòng chúa Cứu Thế đã có hành vi kích động, lợi dụng những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp nảy sinh, đặc biệt là sự cố môi trường biển ở miền Trung giữa năm 2016 để lôi kéo quần chúng giáo dân có hành vi gây rối an ninh trật tự ở một số địa bàn.

Có một sự thật hiển nhiên là, dù anh theo hay không theo một tôn giáo nào, anh vẫn là người con đất Việt, anh phải có trách nhiệm đóng góp vào sự ổn định và phồn vinh của nước nhà. Trước mỗi vấn đề phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến Tổ quốc của anh, anh phải hành động cho đúng với lương tri và trách nhiệm của một người Việt.

Hẳn những kẻ lợi dụng kích động quần chúng tín đồ có hành vi vi phạm pháp luật như Nguyễn Thái Hợp đã quên rằng mình là công dân Việt Nam? Hay hận thù quá sâu sắc với cách mạng đã khiến cho ông ta và các phần tử khác ngày càng dấn sâu hơn vào hoạt động chống đối chính quyền?

Tháng 12 đến cũng là dịp mà mỗi người con nước Việt cùng hồi tưởng lại những sự kiện lịch sử đáng nhớ, đánh dấu những mốc son vinh quang trong cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống Pháp và Mỹ. Bên cạnh ngày thành lập quân đội ta 22/12, hai sự kiện khác đều gắn liền với chiến công được tạo nên trên mảnh đất Hà Nội. Và điều trùng hợp là, nó phản ánh rõ thái độ đối với quốc gia - dân tộc của tín đồ Công giáo, tích cực hoặc tiêu cực.


Ngày 19/12 của 70 năm về trước, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ với trận đánh tiêu biểu 60 ngày đêm kìm chân thực dân Pháp của quân dân Hà Nội. Tại Liên khu I (địa bàn quận Hoàn Kiếm) ngày nay, trong quân số của Trung đoàn Thủ đô và lực lượng tự vệ chiến đấu tại “36 phố phường”, có rất nhiều chiến sĩ, y bác sĩ là người theo Công giáo. Họ có thể là dân thuộc các giáo xứ ở Hà Nội, các hướng đạo sinh, và cả những thiếu niên “Vệ út”. Ngay trong đêm Noel năm 1946, những người con Thủ đô theo Công giáo vẫn cầm súng chiến đấu vì nền độc lập mới giành được, thực hiện tốt kế hoạch “trong đánh ngoài vây” kẹp chặt quân Pháp tại Thủ đô. Sự hy sinh của họ hòa lẫn vào chiến công chung 60 ngày đêm “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với vũ khí thô sơ, lực lượng mỏng và thiếu kinh nghiệm chiến đấu hơn nhiều, đã giam chân hơn 6.000 quân Pháp trong thành Hà Nội, tạo điều kiện cho đồng bào ta tản cư, các cơ quan, xí nghiệp rút lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ. Tiêu biểu trong số đồng bào Công giáo có đóng góp lớn trong 60 ngày đêm cuối 1946 đầu 1947 của Thủ đô là gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng - trí thức Công giáo yêu nước, đóng góp nhiệt tình cho cách mạng và giàu lòng nhân ái.

Chuyện kể rằng: Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lệnh toàn quốc kháng chiến vài hôm, vào 8 giờ tối một ngày tháng Chạp năm 1946, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã phải mổ và cưa gắp đạn, khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ Vệ quốc quân từ khắp các mặt trận ở cả nội và ngoại thành chuyển về. Nhưng có một ca mổ đã khiến thần kinh của ông "căng lên một cách kinh khủng... Đó là ca mổ cho một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội - một chiến sĩ “sao vuông" rất trẻ. Anh bị thương do một đường đạn từ sau lưng, phá ra phía trước, bể bụng ruột gan rối bời lòi ra. Tuy vết thương nặng đau xé tung cả ruột mà miệng anh vẫn mỉm cười. Các y sĩ hộ lý khuyên bác sĩ tạm nghỉ tay, nhưng bác sĩ vẫn kiên quyết mổ khám ruột cho người chiến sĩ trẻ này. Với nụ cười thân thương rất quen thuộc, bác sĩ đã nhận ra chiếc rǎng khểnh nhỏ của Vũ Vǎn Thành - đứa con út của ông. Trong lúc cấp bách ấy, nếu không nhanh chóng khâu lại vết thương thì không kịp, bác sĩ cố nghiến rǎng, kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trên thân thể chiến sĩ Thành. Xong ông choáng váng rời khỏi bàn mổ. Bệnh viện cố gắng rất nhiều, nhưng vết thương do giặc Pháp gây ra quá nặng, chúng đã cướp mất anh Thành, đứa con thứ 2 yêu quý của gia đình bác sĩ Tụng. Anh của Thành là Vũ Đình Tín cũng đã hy sinh sau ngày tổng khởi nghĩa. Sau đêm Noel 1946, bệnh viện Bạch Mai bị pháo giặc tàn phá, phải di chuyển ra ngoại thành. Vào một chiều mưa phùn gió bấc, khi bác sĩ Tụng mổ xong cho một ca thương binh nhẹ, bác sĩ Trần Duy Hưng - lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thǎm bệnh viện và trực tiếp đưa bức thư ngắn ngủi của Hồ Chủ tịch. Trong những lá thư gửi cho đồng bào, Bác Hồ thường kính cẩn dùng từ “cụ” để gọi người lớn tuổi hơn, hoặc “cô” nếu còn trẻ. Nhưng trong lá thư đặc biệt này, Chủ tịch đã gọi bác sĩ Tụng là "ngài":

"Gửi bác sĩ Vũ Ðình Tụng,
Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ Quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Những cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ Quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Ðồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ Quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh”

Trái ngược với những cống hiến, hy sinh to lớn của đa số đồng bào Công giáo, đặc biệt là bác sĩ Vũ Đình Tụng; một số phần tử là linh mục, giáo sĩ lại rước Pháp quay trở lại, phản bội cách mạng, chống lại Tổ quốc và nhân dân, mà sự trở mặt của Lê Hữu Từ (Phát Diệm - Ninh Bình) và phá hoại của một số giáo sĩ, bà sơ ở các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội là minh chứng rõ ràng nhất. Đi ngược lại với dòng chảy của thời đại, khí thế của dân tộc, số này đều không có kết quả tốt đẹp.

Tiếp đến,12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 lại đánh dấu một chiến công khác của quân dân Hà Nội, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ - tạo nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, cùng thắng lợi của quân dân miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải tôn trọng và ký kết sớm Hiệp định Paris (1/1973). Đúng giờ này của Noel 44 năm về trước tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố trước toàn thể nhân dân Mỹ và thách thức cả thế giới bằng câu nói: “Biến miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Đêm Noel, đêm mà với sự huy động của 60% không quân không kích bằng máy bay ném bom chiến lược B52, Mỹ đã rải xuống toàn miền Bắc Việt Nam số lượng bom đạn 36.000 tấn. Chúng không kích vào các cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học, và cả các công trình tôn giáo (tất nhiên có cả các Nhà thờ), giết hàng nghìn người dân vô tội. Trong những nạn nhân của tội ác đế quốc Mỹ những ngày cuối năm 1972 ở Khâm Thiên và những nơi khác, có không ít đồng bào Công giáo. Đóng góp cho trận chiến, tạo nên thế trận phòng không nhân dân phủ khắp Thủ đô, góp phần tạo điều kiện cho “rồng lửa ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu” có đồng bào Công giáo, những người cũng căm hờn tội ác giặc Mỹ, tàn phá cả nơi thờ tự, sinh hoạt tôn giáo của họ. Cái gì có thể quên, nhưng cái này không thể quên: Nên nhớ một số chức sắc ở Vatican đã từng vận động Mỹ giội bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ để cứu nguy cho quân Pháp, và cũng chính Hồng y Spellman đã thúc giục tổng thống Mỹ Nixon ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1972. Cùng với đó là kẻ phản bội, lạc loài Nguyễn Văn Thiệu - tổng thống chính quyền Sài Gòn, đã kêu gọi Mỹ hãy ném bom tan nát miền Bắc. Năm đó, tờ báo Nhân đạo (L'Humanlite) của Pháp thời điểm đó đã nhận xét rằng: Ngay cả trong Thế chiến thứ hai, những viên tướng Pháp phản bội cũng không dám đề nghị Đức Quốc xã tàn phá Paris, thế mà nay Thiệu lại muốn Mỹ ném bom phá đất nước mình, Thiệu thật đáng xấu hổ? Lũ giả nhân, giả nghĩa đem bom trút xuống đầu người dân miền Bắc đúng dịp Giáng sinh đã phải nhận thất bại. Kẻ phản lại cả dân tộc, tín ngưỡng của gia đình như Nguyễn Văn Thiệu (gia đình theo đạo Phật, khi lấy vợ, để thuận lợi cho đường công danh dưới thời Ngô Đình Diệm, y đã cải theo Công giáo, chứ kính Chúa gì hắn), chỉ được hưởng 2 mùa Giáng sinh ở quê hương trước khi bỏ xứ ra đi. Biết bao mùa Giáng sinh an lành đã trôi qua, những căn hầm trú bom xưa đã được lấp kín, những đổ nát ngày nào giờ là đã được xây dựng lại. Người người háo hức đón chờ đêm Chúa Giáng sinh. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội nói chung và đồng bào Công giáo không quên những thời khắc lịch sử bởi có những hi sinh, những đau thương mất mát ngày ấy mới có hòa bình hôm nay.

Như vậy đấy, thực hiện khẩu hiệu “kính Chúa, yêu nước”, “đồng hành cùng dân tộc” thì được sử sách lưu danh, vừa thực hiện được nghĩa vụ tôn giáo, vừa thể hiện được lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc Việt; còn lợi dụng tôn giáo để làm những việc trái với lương tri, phản bội đất nước thì ắt sẽ chuốc phải hậu quả thê thảm mà thôi!

No comments: