2016/12/29

Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin

Chipmunk 


Những ngày này 25 năm năm trước, thế giới đã chứng kiến thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất thế kỷ XX: Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tuyên bố tan rã. Chỉ trong vòng ba năm từ 1989 đến 1992, toàn bộ 8 nước XHCN ở Đông Âu, Liên Xô và Mông Cổ đã sụp đổ. Các đảng cộng sản nắm quyền bị giải thể, ngừng hoạt động hoặc phải đổi tên gọi. Hàng triệu đảng viên cộng sản rời bỏ hàng ngũ và lý tưởng của mình. Nhiều thành quả đạt được trong thời gian dài xây dựng CNXH ở các nước này bị xóa bỏ. 

Sự sụp đổ bất ngờ, nhanh chóng của siêu cường Xô Viết sau hơn 7 thập kỷ tồn tại đã giáng một đòn nặng nề không chỉ vào mô hình phát triển của Liên Xô, các nước XHCN mà còn vào chính học thuyết Mác - Lênin, hệ tư tưởng XHCN. Trớ trêu thay, sự đổ vỡ này lại xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước Xô Viết đầu tiên trên thế giới, thành trì của CNXH và phong trào cộng sản quốc tế. Điều này đã gây nên sự tổn hại nghiêm trọng về niềm tin vào sức mạnh khoa học của học thuyết này. 

Thập niên 90 của thế kỷ XX bùng nổ các bài viết, các công trình phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin bác bỏ từng phần hoặc bác bỏ toàn bộ học thuyết này. Giới tư bản phương Tây tin chắc rằng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa Mác - Lênin. Có hàng trăm, hàng nghìn các bài viết, các công trình thi nhau luận giải nguyên nhân vì sao Liên Xô và Đông Âu tan rã: thuyết nguyên nhân kinh tế, thuyết nguyên nhân chính trị, thuyết nguyên nhân văn hóa xã hội, các quan điểm về sự phản bội của M.Goócbachốp, thuyết chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước Liên Xô… 

Và trong suốt 25 năm qua, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã trở thành chủ đề tuyên truyền của nhiều thế lực thù địch, rằng vận mệnh của chủ nghĩa xã hội đã kết thúc và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin, mà trái lại, có nguyên nhân sâu xa và trực tiếp từ những sai lầm và vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trên cả hai khía cạnh: máy móc, giáo điều và bóp méo, xuyên tạc. Về bản chất, sự sụp đổ ấy là sự sụp đổ của một mô hình bởi những con người không tôn trọng tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xem đó là lỗi thời và sai lầm cho nên hệ quả tất yếu làm sụp đổ của cả hệ thống CNXH ở Liên xô và Đông Âu. Điều đó, chứng tỏ người áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không phải là do bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hơn thế nữa, thực tiễn thế giới những năm tháng sau những biến cố lịch sử đó đã chứng tỏ, chân lý vẫn thuộc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp tục khẳng định những giá trị đích thực, cũng như sức sống mãnh liệt của học thuyết cách mạng vĩ đại này.

Thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, như Đổi mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba… đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, là những bằng chứng rõ ràng về sự hồi sinh của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin
Lãnh tụ V. Lênin
Với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, học thuyết Mác - Lênin vẫn không ngừng đổi mới và phát triển, còn với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của những người vô sản, chủ nghĩa Mác-Lênin đòi hỏi chúng ta phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công.

No comments: