2016/04/03

KHÔNG NÊN CỔ SÚY CÁCH PHẠT "LẠ" CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐÀ NẴNG

LâmTrực@


Cái lý và cái tình mà lẫn lộn sẽ tạo nên tiền lệ xấu và là nguyên nhân dẫn đên hỗn loạn trong tương lai. Một xã hội văn minh, trước tiên phải để hiện ở việc thượng tôn luật pháp.

Báo chí đăng bài "Đi ngược chiều, cô gái nhận cách phạt 'lạ' từ CSGT Đà Nẵng", nội dung mô tả một cô gái vì đi xe vào đường ngược chiều, thay vì bị phạt theo luật, cô được CSGT Đà Nẵng phạt bằng cách cho chép lại 50 lần dòng chữ: "Tôi hứa từ nay sẽ không đi ngược chiều nữa".

Đọc bài viết, có vẻ như cả phóng viên và Tòa soạn đều hả hê khoái trí vì có hình phạt này. Họ coi đó là hành động nhân văn của CSGT Đà Nẵng và khuyến khích các địa phương khác học tập.

Người viết cho rằng, đó là cách làm sai của CSGT Đà Nẵng và cách "thực thi nhiệm vụ" của báo chí trong một nỗ lực tuyên truyền, phổ biến luật pháp như vậy cũng sai, luật pháp cần được nhận thức và thực thi nghiêm túc chứ không thể lấy "cái tình" để thay thế.

Trước hết, hành vi của 2 cô gái mà báo nêu là vi phạm luật giao thông đường bộ. Căn cứ vào Điểm i, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
"i. Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Luật pháp đã quy định rõ, CSGT không xử phạt là sai, kể cả có sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy hay Chủ tịch UBND Thành phố cũng sai. Hành vi này của CSGT Đà Nẵng lẽ ra phải bị lên án chứ không nên khuyến khích như góc nhìn của báo chí.

Thứ hai, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ, về trách nhiệm pháp lý. Có nghĩa là, bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, Ở đây hành vi vi phạm pháp luật của cô gai cần bị xử phạt theo quy định của pháp luật chứ không phải xử phạt theo ý thích của CSGT hay ai đó ở Đà Nẵng. Hãy tưởng tượng rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu như một cô gái đi vào đường ngược chiều ở ở Hà Nội thì bị phạt 200 000, trong khi cô gái ở Đà Nẵng lại chỉ phải chép lại một lời hứa?

Còn nữa, sự bình đẳng trước pháp luật còn được thể hiện ở trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, mà ở đây là đảm bảo sự công bằng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như không được tước đi nghĩa vụ của họ. Nếu làm như CSGT Đà Nẵng thì đồng nghĩa với việc tước đi nghãi cu chấp hành pháp luật của công dân. Dĩ nhiên, hành vi này của CSGT là đáng lên án thay vì ngợi ca cổ súy.

Người viết cũng nhớ lại câu chuyện hồi năm ngoái, có vị khách du lịch từ địa phương khác vào Đà Nẵng và lái xe vào đường ngược chiều. Hành vi này bị CSGT phát hiện, nhưng thay vì phạt, họ hướng dẫn khách du lịch quay lại đi đúng đường rất tận tình. Tờ báo đưa câu chuyện viết rằng, CSGT làm như vậy là rất đáng khen, như thế là lịch sự, và như thế là nhân văn đạm chất Đà Nẵng. Tờ này còn dẫn thêm rằng, sở dĩ CSGT làm như vậy vì có sự chỉ đạo của một vị lãnh đạo trẻ của Thành phố. Xin nói thẳng, cách làm đó không có gì hay ho mà là vi phạm luật pháp. Sự chỉ đạo của vị lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng nếu có cũng là chà đạp lên luật pháp để vuốt ve người dân thiếu hiểu biết, và để đánh bóng hình ảnh Đà Nẵng.

Bài báo "Đi ngược chiều, cô gái nhận cách phạt 'lạ' từ CSGT Đà Nẵng" thể hiện cách nhìn thiển cận của cả phóng viên và Ban biên tập và vô tình hay hữu ý đã cổ súy cho việc làm vi phạm pháp luật của cả CSGT lẫn những người tham gia giao thông.

No comments: