2016/02/14

Trưởng ban Kinh tế Trung ương GS.TS. Vương Đình Huệ: 2016, TRỌNG TÂM LÀ KHƠI DẬY ĐAM MÊ KHỞI NGHIỆP

LĐ Hồng Quân - Thông Chí


Việt Nam đã chính thức ra biển lớn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực từ năm 2016. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, phục hồi chậm, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng năm 2015, có làm nên kỳ tích trong năm 2016. GS. TS Vương Đình Huệ - trong cuộc trò chuyện đầu xuân với phóng viên Lao Động - nêu dự cảm: Chúng ta sẽ “làm nên chuyện” trong năm 2016 - năm của những thành công và đột phá lớn.

- Thưa GS.TS Vương Đình Huệ, năm 2015, nhiều dự cảm của ông khá sát với thực tế đất nước khi mà tốc độ tăng trưởng GDP rất khả quan, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, lạm phát thấp chưa từng có, liệu chúng ta đã có đủ thế và lực để hội nhập không, thưa ông?

- Năm 2015, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước đều khá sát với dự báo. Thứ nhất, về mặt tăng trưởng, năm 2015 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước tăng trưởng trên 6,5% là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội là 6,2%. Có 4 điểm tích cực đáng chú ý: Thứ nhất, sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh; Thứ hai, sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, riêng 11 tháng năm 2015 tăng 8,3% so cùng kỳ; Thứ ba, tiêu dùng sức mua và tổng cầu được cải thiện, 11 tháng năm 2015, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 9,4% và nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng 8,3%, cao hơn mức 7,8% so cùng kỳ năm trước. Cũng có ý kiến lo ngại cho rằng, liệu kinh tế Việt Nam có đang giảm phát không? 

Tôi cho rằng, nền kinh tế đang đi đúng quỹ đạo, không xảy ra hiện tượng giảm phát vì 2 lẽ: Lạm phát cơ bản (lạm phát loại trừ các yếu tố về giá) ở mức khá cao; thứ hai, tổng mức bán lẻ tăng, không phải dấu hiệu của giảm phát. Thứ tư, để có tăng trưởng lớn như thế, chúng ta thấy hiệu ứng bước đầu của các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi v.v… rất tốt; rồi hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Báo chí Nga tổng kết năm nay Việt Nam là nước bội thu nhất về các hiệp định song phương và đa phương trên thế giới, như TPP vừa kết thúc đàm phán, các hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazacxtan; rồi Cộng đồng kinh tế Asean 2015 (AEC) chính thức thành lập vào ngày 31.12.2015; các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo ra hiệu ứng rất tốt. 

Nhờ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tinh thần khởi nghiệp có vẻ như hâm nóng và đang được tăng lên, năm nay số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng, tổng vốn đăng ký mới tăng rất mạnh. Kết quả này là thành công của đường lối chiến lược do Đảng và Nhà nước đề ra từ cách đây 5 năm, chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh bền vững sang tăng trưởng hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

- Để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là yếu tố sống còn, quyết định sự thành bại. Song trên thực tế, doanh nghiệp trong nước sức cạnh tranh không cao, đang có sự lệch pha giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI về năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng dựa vào khối FDI, liệu có bền vững, thưa ông? 

- Gần đây, chúng ta khá băn khoăn về động lực tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, hiện tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm tới 65-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng khu vực FDI vẫn chủ yếu gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỉ lệ giá trị gia tăng rất thấp; tác động của việc lan tỏa ứng dụng và công nghệ, quản trị của cả khu vực FDI với kinh tế Việt Nam nói chung còn chậm. Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh v.v… còn gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu giảm khoảng 2,5-2,6% so với cùng kỳ. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. 

Câu chuyện đặt ra là tại sao trong một quốc gia lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế này, thậm chí một số chuyên gia lo ngại có thể xảy ra “hai nền kinh tế trong một quốc gia”. Đây là câu hỏi lớn mà trong năm 2016 chúng ta phải giải, liên quan đến vấn đề năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Để rút ngắn khoảng cách lệch pha, theo tôi, một trong những trọng điểm của năm 2016 là phải tìm cách rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, đi cùng với nó là “gỡ” vướng mắc của các loại thị trường, gồm 5 loại thị trường chính là thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ), thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ. 

Cùng với đó là việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Nếu như trước đây, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% thì tín dụng phải tăng bình quân 35-36%/năm, có những năm tín dụng tăng đến trên 50% - thì năm 2015, tín dụng chỉ tăng khoảng 16%, GDP vẫn đạt 6,5%. Điều đó có nghĩa là chất lượng tăng trưởng có đóng góp của yếu tố năng suất lao động tổng hợp (TPF). Dự báo, TPF năm 2016 là khoảng 29,6%, phấn đấu trong 5 năm tới là khoảng 30-35%/năm.

- Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng năm 2016, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tiếp thêm sinh lực cho doanh nghiệp Việt trên bước đường khởi nghiệp đón vận hội mới. Ông kỳ vọng gì vào động lực tăng trưởng này ? 

- Năm 2016, theo giới chuyên môn dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tăng trưởng trong ngắn hạn, tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Vì vậy, Trung ương và Quốc hội đã cân nhắc kỹ để đưa ra kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, cao hơn năm 2015. Để có sự bứt phá, Việt Nam cần hết sức chú trọng tạo ra làn sóng đầu tư thứ 2. Làn sóng đầu tư thứ nhất là khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và đến bây giờ khi chúng ta có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo những nguyên tắc hiện đại, nội dung tiến bộ, độ minh bạch rất cao, hy vọng sẽ tạo được làn sóng đầu tư thứ 2 với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Hiện cả nước mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chúng ta mong muốn cuối nhiệm kỳ tới đây (2020), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lên được 2 triệu doanh nghiệp, VCCI còn kỳ vọng số này lên đến 5 triệu doanh nghiệp. Để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Đây là tác động theo chiều ngang. Bên cạnh đó là tác động theo chiều dọc, tới từng loại doanh nghiệp. Cụ thể, với doanh nghiệp nhà nước, việc đổi mới và cải cách khu vực doanh nghiệp này sẽ theo hướng xóa bỏ đại diện chủ sở hữu là các bộ và UBND các tỉnh/thành, thành lập một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước… 

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì văn kiện Đại hội Đảng đã xác định doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng phát triển đất nước và Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành đề án là định hướng và giải pháp trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiến tới thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới. 

- Xin cảm ơn GS.TS Vương Đình Huệ.

No comments: