2016/02/13

TÂN BÍ THƯ THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐINH LA THĂNG




Ông Đinh La Thăng là người luôn ở vị trí tâm điểm.

Có lúc ông là tâm điểm khi báo chí khai thác dồn dập các công kích ông khi ông cấm cán bộ lãnh đạo ngành giao thông vận tải chơi golf.

Có khi ông là tâm điểm của không gian mạng không thiện cảm đối với các nhúc nhích của Bộ Giao Thông – Vận Tải dưới quyền giám quản của ông, cũng như đối với các phát biểu mạnh mẽ đầy cá tính của ông, thậm chí ông còn bị gọi một cách đầy xúc phạm là “Đinh Tặc” không những bởi những kẻ dấu tên hay có tên trên không gian mạng mà còn của những người công khai dùng micro phát biểu tại những buổi họp chính thức.

Có lần ông là tâm điểm của các tranh luận vĩ mô đối với siêu dự án Sân Bay Long Thành.

Và nay ông là tâm điểm của thế giới vì ông trở thành Ủy Viên Bộ Chính Trị và Tân Bí Thư của Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ông ở tâm điểm nên ông vẫn điềm nhiên dấn bước tiến lên và tiến xa lan tỏa chứ không phải ở vị trí mép rìa để tiến vào chỗ hẹp châu chụm của hồng tâm.

Ông là tâm điểm, chính vì ông mới đúng là người đất nước này cần nhưng xã hội chưa thể cung cấp đủ đầy: biết rõ trách nhiệm và bổn phận để nghiêm khắc thực thi thực quyền, nghiêm túc thể hiện thực uy, nghiêm chỉnh thi thố thực tài, và nghiêm minh trong chịu trách nhiệm đối với các quyết định từ thực quyền thực uy của ông.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, ông là tâm điểm vì ba lý do sau:

1) Thành phố Hồ Chí Minh quá lớn, quá phát triển, nên càng lộ rõ những trì trệ đang níu kéo làm chậm bước lao tới trước của nó, như qua (a) các vụ khiếu kiện kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Quốc Hội, nhiều nhiệm kỳ Thành Ủy, nhiều nhiệm kỳ Hội Đồng Nhân Dân & Ủy Ban Nhân Dân vẫn vô phương xử lý do sự đùn đẩy trách nhiệm một cách đầy tỉnh táo, không chút hối hả; qua (b) thực tế khi chiến tranh thì hợp đồng tác chiến là tính ưu việt bậc nhất của hệ thống lãnh đạo, phối hợp, và giám sát, còn trong thời bình thì tính cách “sứ quân cát cứ” mạnh ai nấy phá là sự nhức nhối trơ gan cùng tuế nguyệt khi công ty cầu đường đầu tư nâng cấp mặt đường tráng nhựa mới tinh xong thì công ty điện lực đào đường mới ấy lên để đặt cáp xong tráng nhựa lại, rồi đến phiên công ty cấp nước đổ quân đến hăng hái đào đường đã được điện lực vá víu để thay ống nước mới và tráng nhựa lại tiếp, khiến tỷ tỷ tiền thuế của dân đã đổ ra chỉ để có con đường mới tinh vá víu mấp mô chờ năm tài khóa tiếp theo để các sứ quân lại xuất chiêu mạnh ai nấy đào để xài cho kỳ hết tiền rót từ ngân sách; và qua (c) thực tế hệ thống chính quyền địa phương toàn là đảng viên nhưng trong công tác tại cơ quan trong giờ hành chính phục vụ nhân dân vẫn gọi nhau là Anh Ba, Anh Tư, Anh Năm, một cách dân dã, phe nhóm, không chuyên nghiệp, chẳng nghiêm túc.

2) Thành phố Hồ Chí Minh quá lớn, quá phát triển, nên càng cần phải có sự thay đổi căn cơ nhằm thay đổi vĩnh viễn lề lối suy nghĩ địa phương cục bộ rằng vị trí lãnh đạo Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh phải do các chức sắc của Thành phố Hồ Chí Minh hay từ các tỉnh phía Nam đảm trách, để từ nay người dân hiểu rõ rằng chỉ có người tài giỏi có tính cả quyết, có năng lực thống soái, có thần uy mới được Đảng giao nhiệm vụ trấn nhậm, quản lý.

3) Thành phố Hồ Chí Minh quá lớn, quá phát triển, nên càng cần phải có nhà lãnh đạo có hành động quyết liệt, cứng rắn, để chấm dứt vĩnh viễn lề lối làm việc chỉ dựa trên thuật nói chuyện hoặc hòa hoãn hoặc hùng hồn mà chung quy chỉ để xoa dịu quần chúng, trấn an người dân.

Ông Đinh La Thăng là nhân vật được kỳ vọng lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh thực sự phát triển lành mạnh vì trên thực tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện không có bất kỳ ai có khả năng làm Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi tích cực và tốt đẹp hùng mạnh thực chất hơn.

Ông Đinh La Thăng là nhân vật được kỳ vọng lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh thực sự phát triển lành mạnh vì trên thực tế Thành phố Hồ Chí Minh quá nhiều năm nay vẫn không có bất kỳ ai có (hoặc dám hành xử) quyền uy “trảm tướng” khiến các quan chức vẫn an nhiên tồn tại suốt nhiệm kỳ dù tình hình cải cách hành chính vẫn không khá hơn, và các khiếu kiện kéo dài của người dân vẫn tiếp tục tồn tại một cách quái gở.

Là công dân Thành phố Hồ Chí Minh, tôi kỳ vọng rằng với vai trò Bí Thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ông Đinh La Thăng sẽ giúp đưa Thành phố vào khuôn phép để trở thành một thành phố an toàn an ninh thịnh vượng; đưa các quan chức vào đúng vai trò quản lý nhà nước và công bộc của dân, không “giỡn mặt” với vị thống soái như ông; đưa hệ thống hành chính công quyền vào bước đường chuyên nghiệp hóa đúng nghĩa, văn minh thiệt, hiện đại thực, mà trước hết là ông cần phải ra lịnh cho tất cả các đảng viên phải gọi ông là “Bí Thư” cũng như không được gọi nhau bằng kiểu “Anh Hai”, hay “Chị Sáu” bên trong cơ quan Đảng và cơ quan hành chính công quyền trong giờ công tác chính thức; và chính thức xác lập thực quyền và thực uy của Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với các quan chức các Sở và các Ủy Ban Nhân Dân của Thành phố Hồ Chí Minh.

Là người ủng hộ ông ngay từ buổi đầu tiên bước vào Quốc Hội, tôi đã viết bài sau đăng trên Emotino ngày 22-10-2011 khi ông bị báo chí thi nhau đăng bài nói ông sai, dựa theo tuyên bố bá láp của Cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật Lê Hồng Sơn:

Bộ Trưởng Đinh La Thăng
Mấy ngày nay có các tin về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng cấm cán bộ lãnh đạo ngành giao thông vận tải chơi golf, và Cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật Lê Hồng Sơn tuyên bố Ông Đinh La Thăng đã ra văn bản sai thẩm quyền, vi phạm quyền của cán bộ, công chức. Là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm về cái gọi là “thẩm quyền”, tôi xin có nhận xét như sau.

Thật nhiều năm trước đây, ai vào làm cho BP ở Việt nam đều khoe là họ tự hào tuân thủ quy định rằng tất cả nhân viên BP bước lên ô-tô là phải cài dây đai an toàn ngay lập tức, và biết sự chế tài sẽ ra sao nếu ai đó dám vi phạm. Ông Lê Hồng Sơn nếu đã có mặt tại BP ắt sẽ tuyên bố quy định ấy vi phạm quyền tự do của công dân Việt Nam do pháp luật Việt Nam không buộc thế. Nhưng Ông Lê Hồng Sơn sẽ sai vì đó chẳng dính dáng gì đến luật pháp Việt Nam để phải viện dẫn luật Việt Nam, vì người tìm việc sau khi đọc nội quy công ty có quyền tự do nhận việc với lương cao, tự do nhận phúc lợi thật cao, tự do nhận thăng tiến thật công bằng, hay tự do vất tờ “job offer” vào sọt rác để từ chối nhận việc. Công ty ấy không dám và không có quyền ép buộc.

Thật nhiều năm trước đây, khi còn ở một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tôi đã cấp mũ bảo hiểm (mệnh giá thời xưa ấy đã là 200.000 đồng/chiếc, tức giá cao nhất trên thị trường đối với mũ ngoại nhập từ Taiwan, vào thời điểm chưa có quy định của nhà nước bắt phải đội mũ bảo hiểm) cho bất kỳ ai vào làm việc và yêu cầu họ phải đội mũ bảo hiểm khi đi đường bằng xe máy, và họ biết sự chế tài sẽ ra sao nếu ai đó bị tôi bắt gặp không đội mũ bảo hiểm. Tôi còn cấm nhiều nội dung khác, chẳng hạn tuy tôi phá quy định của công ty “mẹ” để nhân viên được lấy nhau hoặc được giới thiệu người nhà giỏi giang vào làm việc tại công ty tôi vẫn không cho nhân viên được công tác chung phòng ban với vợ/chồng/thân nhân, tức duy trì kiểu Tây nhằm đến sự công bằng, tránh thiên vị và xung đột quyền lợi; trong khi tại các cơ quan Nhà nước thì ai cũng “có quyền vô tư” đưa thân nhân vào làm việc. Ông Lê Hồng Sơn nếu đã có mặt tại công ty ấy ắt sẽ tuyên bố quy định đó vi phạm quyền tự do của công dân Việt Nam do pháp luật Việt Nam không quy định như vậy. Nhưng Ông Lê Hồng Sơn sẽ sai vì đó chẳng dính dáng gì đến luật pháp Việt Nam để phải viện dẫn luật Việt Nam, vì người tìm việc sau khi đọc nội quy có quyền tự do nhận việc với lương cao, phúc lợi thật cao, thăng tiến thật công bằng, hay tự do vất tờ “job offer” vào sọt rác để từ chối nhận việc. Công ty ấy không dám và không có quyền ép buộc.

Ông Lê Hồng Sơn quên rằng người chiến sĩ bảo vệ đất nước để người dân lao động được hưởng chế độ mỗi năm đi du lịch một chuyến và có lương tháng 13, 14, thậm chí 15 hay 16, chứ bản thân người chiến sĩ không hưởng y quyền lợi như vậy. Đầy tớ của dân phải thuộc Luật để bảo vệ dân, bảo vệ quyền lợi của dân, đừng xâm hại vào quyền lợi của dân. Đầy tớ của dân không được hưởng quyền lợi tương tự dân. Vào thời điểm nhạy cảm khi vô số cử tri cực kỳ bức xúc, cực kỳ tức giận trước sự bất lực của cơ quan chức năng không giải quyết được trật tự giao thông, đào bới đường sá, và hủy phá ruộng đồng thu hẹp đất trồng lúa cho mấy cái sân golf vớ vẩn, sự cứng rắn của Ông Đinh La Thăng là có thể hiểu được, có thể đồng cảm được, và mọi lãnh đạo thuộc quyền của Ông sẽ phải cảm ơn Ông rồi vui vẻ tuân theo. Chơi golf để bàn chuyện đại sự với các đại gia tư bản, để xem nên đào xới tung đường sá lên ở những phố nào và mức hoa hồng sẽ như thế nào sao?

Ông Lê Hồng Sơn quên rằng người làm cha mẹ có quyền đối với con cái vì cónghĩa vụ và bổn phận nuôi dưỡng con cái nên người cho xã hội. Con tôi là công dân, được pháp luật bảo vệ, và tôi cấm nó không được tham gia lao động vệ sinh trường lớp từ thời tiểu học cho đến đại học, mặc cho điểm lao động có là zero đi nửa, vì tôi xem lao động như vậy là mị dân (quét rác mà là làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa sao, và tại sao làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa chỉ gồm lao động chân tay, và tại sao làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa không bao gồm việc được làm chủ số tiền khổng lồ lạm thu của ban giám hiệu nhà trường, v.v.?), hủy phá nhân cách trẻ thơ, và phơi bày bản thân trước bụi bẩn vi trùng dịch bệnh. Ông Sơn không có quyền tự do nói động đến quyền tự do của tôi đối với quyền tự do của con tôi. Tôi không cho phép Ông Sơn có quyền tự do ấy, bất kể Ông có là chức sắc giám sát cao đến đâu đi nửa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ông Lê Hồng Sơn quên rằng người sử dụng lao động có quyền đối với người lao động (đối với những quy định nghiêm ngặt làm cho môi trường hoạt động riêng của doanh nghiệp được tốt hơn, an toàn hơn, văn minh hơn, thực tế hơn) vì có nghĩa vụ và bổn phận đối với công ăn việc làm, phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đào tạo bồi dưỡng họ, giúp họ tự hào có đặc quyền được đóng thuế thu nhập cho Nhà nước và giúp danh sách thất nghiệp của Nhà nước bớt dài hơn. Ông Sơn không có quyền tự do nói động đến quyền tự do của người sử dụng lao động (Ông Đinh La Thăng) đối với quyền tự do của người lao động của ngưới sử dụng lao động ấy, trừ phi Ông Sơn muốn mị dân, muốn tạo điều kiện dễ dàng hủy phá nhân cách công chức cao cấp, phơi bày thân thể của họ trước sự công kích của dân chúng. Tôi nghĩ Ông Thăng không cho phép Ông Sơn có quyền tự do ấy, bất kể Ông Sơn có là chức sắc giám sát cao đến đâu đi nửa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Muốn Tự Do Thì Đừng Làm Lãnh Đạo” là câu nói đẳng cấp của đạo lý, của sự thật, và của quy tắc mang tính chân lý của muôn đời, vì rằng ngay cả vị hoàng đế của thời phong kiến cũng không được tự do, chẳng hạn bị trói buộc vào lời răn “thiên tử bất hý ngôn” tức thiên tử không được phép nói giỡn chơi”, v.v. Từ câu nói của Ông Thăng, tôi muốn viết thêm vào bài viết “Thế Nào Là Đẳng Cấp”[1] rằngmuốn tự do đi giao lưu riêng với người mẫu thì đừng làm lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Thăng nếu là người mềm mỏng có thể trước tiên sẽ ra khuyến nghị nội bộ khuyên các vị phó của Ông (ắt đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay đủ ngón) nên tránh xa mấy sân golf trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm này; và nếu có ai đó chống lại, nhởn nhơ đi chơi, Ông có thể xét kỹ luật hay chuyển công tác hoặc sa thải khỏi ngành, tùy theo quyền hạn của Ông. Song, ngay cả khi Ông nóng nảy không nghĩ đến bước “khuyến nghị”, thì Ông vẫn không sai vì Ông đâu cấm cán bộ nhân viên mà chỉ cấm các vị lãnh đạo ngành của Ông có khi với mong muốn bảo vệ họ – và…bảo vệ chính Ông – trước búa rìu của công luận nếu vô phúc trong ngày Chủ Nhật xui xẻo nào đó có xảy ra đại họa liên quan đến giao thông-vận tải mà các quan lại bận chơi golf ở chốn non Bồng xa xôi nào đó.

Suy cho cùng thì Ông và các vị lãnh đạo ấy đều là đầy tớ của nhân dân, nên không lý gì Ông và các vị lãnh đạo ấy lôi Luật Lao Động ra như phao cứu sinh để đòi hưởng quyền tự do y như người … chủ trong khi hàng chục triệu người dân làm chủ nhưng nào dám dù chỉ một lần trong suốt cuộc đời làm chủ đòi hưởng chế độ đi xe ô-tô nhà nước y như … các vị đầy tớ để đến sân golf xem cỏ màu gì. Ông Thăng chẳng đụng đến người dân; Ông chỉ đụng đến vài ba vị đầy tớ sang trọng ngang hàng với Ông Thăng nên Ông Thăng không sai. Và tôi tin ắt nhiều người dân cũng không cho là Ông sai.

Ông Đinh La Thăng có đúng không? Không biết.

Ông Đinh La Thăng có sai không? Không sai.

Là doanh nhân có nhiều kinh nghiệm với doanh nhân nước ngoài hơn 30 năm nay, từ thời điểm chưa có người Việt nào khác làm việc tương tự, tôi có thể nói rằng tôi rất ngạc nhiên khi mãi đến tháng 10 năm 2011 này tôi mới được nghe lời cấm đoán được thốt lên bởi một người… Việt khác ngoài tôi.

*********
Ghi chú:

[1] Hoàng Hữu Phước. 11-10-2011. Thế Nào Là Đẳng Cấp: Trò Chuyện Cùng Bạn Trẻ. http://www.emotino.com/bai-viet/19332/the-nao-la-dang-cap-tro-chuyen-cung-ban-tre. Sẽ sớm được đăng lại trên WordPress.





No comments: