2016/06/09

Lí do Việt Nam từ chối sự giúp đỡ của Mỹ về thảm họa cá chết

Chiềng Chạ 
Nguồn tin từ Angelina Trang Huỳnh ngày 9/6/2016 cho biết: "Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC, Đại sứ Hoa Kỳ tại VN, ông Ted Osius cho biết Hoa Kỳ đã chính thức ngỏ lời giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề cá chết, nhưng Hà Nội đã từ chối. 
Trước đây phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson cũng cho biết "Nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị giúp đỡ, chúng tôi sẽ rất sẵn lòng để giúp Việt Nam trong vụ cá chết ở miền Trung. Đây là vấn đề nghiêm trọng", nhưng phía Hà Nội đã im lặng". 
Angelina Trang Huỳnh và đại sứ Mỹ Ted Osius (Nguồn: FB Angelina Trang Huỳnh). 
Ngay lập tức sau khi nguồn tin này được công bố không ít chủ FB, trang Fanpage đã đưa ra những lời bình luận kèm theo những bức ảnh minh họa. FB Huynh Ngoc Chenh (Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký báo Thanh niên) sau khi dẫn thông tin từ Angelina Trang Huỳnh đã bình loạn (chứ không phải là bình luận) thêm như sau: 
"Trong khi đó có trên 100.000 người dân VN đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu LHQ và Hoa Kỳ giúp đỡ tìm ra nguyên nhân thảm hoạ cá chết cũng như việc khắc phục hậu quả.

Đến nay đã hơn 2 tháng kể từ khi nổ ra thảm hoạ, nhà cầm quyền vẫn lúng túng lo tìm cách đối phó và bưng bít sự việc hơn là nổ lực tìm ra nguyên nhân và minh bạch thông tin đến cho người dân.

Nhiều người dân đi biểu tình ôn hoà vì môi trường đã bị bắt bớ giam cầm trái phép và bị đánh đập tàn nhẫn". 
Quả thực, theo sát những diễn biến liên quan vụ việc cá chết tại một số tỉnh miền Trung nên tôi hơi dị ứng với những thứ mà xin phép được gọi là luận điệu được Chênh nêu ra. Và có thể sẽ không có gì đáng để nói nếu những "luận điệu" kiểu này được phát ra trước thời điểm ngày 02/06 vừa qua. Nhưng với việc tiếp tục nhắc lại điều này cho thấy Huỳnh Ngọc Chênh đã bỏ ngoài tai hoặc coi như không nghe thấy lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ mà trong đó có đề cập tới vụ việc cá chết (được tổ chức hôm 2/06 tại Hà Nội). 
Xin được nhắc lại với cựu Thư ký báo Thanh niên rằng, các cơ quan chức năng, nhà khoa học Việt Nam (phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài) đã tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá chết. Có điều, việc chưa công bố ngay là để các chuyên gia, nhà khoa học độc lập khác tiến hành phản biện, đánh giá những cứ liệu khoa học cũng như các kết luận liên quan. Điều này có thể xem là câu trả lời cho việc Việt Nam có đủ khả năng trong việc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá chết hay cần phải có sự giúp sức nào từ bên ngoài? Hiểu như thế để thấy rằng, việc không nhận sự giúp đỡ của Mỹ hay Liên Hợp Quốc xuất phát từ việc bản thân đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia có thể đảm nhận được việc tìm ra nguyên nhân vụ cá chết. Sẽ không có quốc gia nào vẫn mời gọi nước ngoài vào để thực hiện một công việc gì mà trong khi mình vẫn có thể thực hiện được. 
Lí do thứ hai được nói đến để giải thích cho sự từ chối này xuất phát từ việc: Dù hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung vừa qua là một thảm họa và không dễ gì tìm ra nguyên nhân trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, dù khó khăn và có quy mô lớn thế nào thì đây cũng là vấn đề nội bộ của Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ quá khứ cũng như hiện tại cho thấy đối với những vấn đề nội bộ thì tốt hơn hết nên tự mình giải quyết thay vì trông chờ sự giúp đỡ của nước ngoài. 
Trên thực tế, với những cách thức như thế này (chủ động đề nghị giúp đỡ), người Mỹ đã biến đó trở thành những cơ hội để thực hiện không ít những ý đồ xấu hoặc các hoạt động tình báo mà mối nguy hại cho quốc gia đó không chỉ là ngày một, ngày hai. 
Mặt khác, nếu lời đề nghị đó đến từ một quốc gia nào đó, các nhà chức trách tại Việt Nam có thể sẽ lưu tâm để xem xét nhưng với Mỹ thì sự cảnh giác chưa bao giờ là thừa. Mối quan hệ song phương Việt - Mỹ đang có những tiến triển tốt đẹp, nhất là sau khi Tổng thống B. Obama có chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Tinh thần "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai" và 'hợp tác" trên nhiều mặt đang là xu thế chủ đạo chi phối quan hệ hai quốc gia từng là cựu thù này. Vậy nhưng, ở phía Mỹ có không ít người xem những tín hiệu tốt đẹp kia là cơ hội để họ trả thù lại mối hận thua trận năm xưa. Mục tiêu hạ gục Việt Nam hoặc biến Việt Nam thành "chư hầu" hoặc "đồng minh" của Mỹ là câu chuyện chưa bao giờ cũ trong mối quan hệ chưa bao giờ chân thành 100% này! 
Lí do thứ ba tôi muốn nói đến là ý đồ của nhà chức trách Việt Nam trong việc mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cùng tham dự thay vì cậy nhờ hoàn toàn vào người Mỹ hay của Liên Hợp Quốc. 
Nhiều báo cáo của các tổ chức chuyên dự báo, nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc hay một số tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa phi Chính phủ đã khuyến cáo rằng, Việt Nam là một trong số các nước chịu tổn thất nặng nề từ biến đổi khí hậu. Do đó, ngoài chuẩn bị tinh thần thì việc chủ động trong đối phó với biến đổi khí hậu là điều Việt Nam nên chuẩn bị, tập dượt nếu không muốn điều này làm đảo lộn, ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của mình. Theo đó, việc có đủ khả năng để nghiên cứu, nhận diện các hiện tượng khí hậu cực đoan cũng như thực hiện các giải pháp khắc phục được cho là nhân tố có tính tiên quyết nhất trong quá trình chuẩn bị này. 
Chính vì vậy, dẫu biết rằng, việc mời và giao khoán cho đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia theo đề nghị của Mỹ hay Liên Hợp quốc thì hiệu quả hơn rất nhiều; thời gian nhận biết đâu là nguyên nhân cũng sẽ đảm bảo hơn. Song, xét về tương lai thì việc mời các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào để cùng thực hiện sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước có thể học hỏi, tiếp thu cách làm, phương pháp từ họ để những lần sau đó không phải cậy nhờ mà có thể tự thực hiện... Và tôi tin chắc rằng, sau lần mời các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Ixraen tham gia vừa qua, đội ngũ các nhà khoa học trong nước đã tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu. 
Nói tóm lại, đối với vấn đề này, Việt Nam không chỉ có 01 nguyên nhân để từ chối lời đề nghị của Mỹ mà có tới 03 lí do để giải thích cho hành động của mình. Và tin tưởng rằng những điều được chỉ ra ở đây đủ để nói lên sự khách quan, có căn cứ của nhà chức trách Việt Nam trong vụ việc cá chết vừa qua và những luận điệu xấu bụng của Huỳnh Ngọc Chênh cũng vì thế mà bị vạch trần. 

No comments: