TTCT - “Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác” (Franz Schönthan von Pernwaldt).
Ném đá
Hai
bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý bị tòa tuyên án 3 năm
tù giam vì tội bạo hành trẻ em (ngày 20-1-2014), trước Tết Nguyên đán
đúng 11 ngày. Đọc những phản ứng của cư dân mạng sau khi phiên tòa xảy
ra, một loại bình luận làm tôi chú ý, bởi chúng có điểm khác. Ví dụ,
bình luận này được 15.000 likes: “Lý cho rằng không biết hành vi của
mình là phạm tội mà chỉ muốn các cháu bé được ăn uống đầy đủ, ngoan
ngoãn :)) anh cũng muốn hai em được ngoan”.
Một người khác phụ họa: “Giao hai cô này để mình trông giúp cho”.
Bình luận này cũng được 5.000 likes: “Ăn tết vui vẻ sau song sắt nhé hai em:)”.
Hai
bảo mẫu Phương và Lý đã trở thành Internet meme, những tấm hình chèn
chữ được cho là “vui nhộn” lan tỏa trên mạng như virút. Trở thành meme
là minh chứng chắc chắn nhất cho sức hấp dẫn của một sự việc - nó chinh
phục được cộng đồng mạng, làm họ thích thú và hào hứng để trình diễn sự
“sáng tạo” của mình. Chế ảnh về hai cô bảo mẫu trở thành thời thượng, nó
đóng góp cho “kho tàng văn hóa” mạng. Ai muốn sành điệu, người đó tham
gia.
Các
ảnh chế được một số tờ báo đăng lại một cách vô tư. Có tờ chạy một bài
dài với các ảnh “xuất sắc” nhất. Trong một ảnh, một người đàn ông tóc
tai bù xù giơ hai tay phát biểu: “Cô bảo mẫu này lên hình như thế, vậy
là suốt đời sẽ không lấy được chồng nữa đâu nhỉ”. Tác giả bài báo xác
nhận: “Câu nói đùa của dân mạng nhưng cũng là sự thật: vết nhơ này sẽ
theo suốt cuộc đời của các bảo mẫu”.
Trong
một ảnh chế khác, vẽ hình hai cô bảo mẫu đầu cúi gằm, đứng trước tường,
bên trên là dòng chữ: “Là người Việt Nam lương thiện, tôi muốn pháp
luật trả tự do cho đôi này”, và bên dưới là dòng chữ: “Từ độ cao
1.000m”.
Cứ như thể có thể nghe được tiếng cười khoái trá của đám đông vọng ra.
Những niềm vui thiệt hại
Chúng
ta nhìn thấy điều gì ở đây? Một sự hài lòng, sung sướng, hả hê trước số
phận của hai bảo mẫu. Người Đức dùng chữ Schadenfreude để chỉ cảm xúc
này, kết hợp hai chữ Schaden (thiệt hại) và Freude (niềm vui). Niềm vui
về cái bất hạnh, cái không may, cái tai họa, người ta vui chính vì cái
tai họa đó rơi vào đầu người khác.
Có
thể gọi đó là một niềm vui độc địa. Nó có thể kín đáo (ta thầm khoái
trá khi thấy tay hàng xóm bị đâm móp chiếc ôtô mới tậu), hoặc có thể
được phô trương không ngần ngại, trở thành giễu cợt, chế nhạo, châm
biếm, được thông báo thẳng cho đối phương mà không cần che giấu. Triết
gia Arthur Shopenhauer cho rằng niềm vui này là cảm xúc ma quỷ nhất mà
người ta có thể có: “Ghen tị là một phần của con người, nhưng thưởng
thức niềm vui trên nỗi đau của người khác thì là ma quỷ”.
Những
bình luận “vui vẻ” về hai bảo mẫu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm
khổng lồ. Vui khi người khác bị nhục và vui khi làm nhục người khác, đó
là hai mặt của một đồng xu. Hiện tượng này phổ biến trong xã hội hơn là
chúng ta tưởng và nhiều khi chúng ta tham dự vào nó một cách vô thức. Nó
được thể hiện rõ nhất, công khai nhất, rộng khắp nhất, yêu thích nhất
qua các chương trình truyền hình thực tế, khi nhiều thí sinh tối tối trở
thành những chú hề bất đắc dĩ, thành trò cười cho hàng chục triệu người
khắp cả nước.
Ngay
từ năm 2002, thời truyền hình thực tế trên thế giới còn mới trứng nước,
so với mức độ thô thiển của bây giờ thì một trời một vực, hai nhà
nghiên cứu Brad Waite và Sara Booker đã đưa ra khái niệm humilitainment.
Chữ này được cấu thành bởi hai chữ humilitation (làm nhục) và
entertainment (giải trí), trong tiếng Việt ta có thể gọi là “làm nhục
mua vui”. “Làm nhục mua vui” trên truyền thông là một xu hướng của văn
hóa đại chúng, nó tạo ra những đấu trường La Mã của thời hiện đại, tái
tạo những triển lãm đầu thế kỷ 20 đưa người lùn và người dị tật để đám
đông thưởng ngoạn như trong sở thú. “Làm nhục mua vui” kiếm tiền bằng
cách khuyến khích người khác biểu diễn những trò lố bịch, hoặc đặt họ
vào những tình huống đáng xấu hổ.
Và
nhiều người sẵn sàng trả tiền để xem. Báo chí thường xuyên đăng tải tỉ
mỉ các “tiết mục thảm họa”, các pha “dở khóc dở cười”, các màn “khó đỡ”
của các chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, các tiết mục này trở
thành một vũ khí lợi hại của một số sô, cả nhà sản xuất, người xem và
truyền thông đều rất ý thức được điều này. Năm qua, VTC News xác nhận:
“Những màn trình diễn thảm họa luôn là “đặc sản” của Vietnam Idol qua
các mùa” và bình luận tiếp: “Khán giả đã được... “cười thả ga” với những
tiết mục “thảm họa” và những khoảnh khắc thú vị của ban giám khảo...”.
Lưu
ý là chỉ ba năm trước, cũng trang này còn băn khoăn: “Got Talent: Câu
khách bằng cách xúc phạm thí sinh?” và lên án chương trình “cố tình chọn
các tiết mục làm trò cười cho khán giả”. Đây là một trích đoạn từ một
bài báo năm 2012: “...yếu tố câu khách đã khiến đạo diễn chương trình
Vietnam’s Got Talent trở nên coi thường thí sinh và gia đình họ khi
khoét quá sâu vào những ngây ngô của gia đình thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh
Anh khiến họ trở nên lố bịch trước hàng triệu khán giả truyền hình. Hẳn
sau này thí sinh 15 tuổi này sẽ còn phải đối mặt với nhiều những lời bàn
tán dị nghị về cách cư xử của mình cũng như của gia đình. Có cần hay
không khi phải gây tổn thương với thí sinh và người nhà thí sinh như thế
để câu khách?”.
Giờ
đây, những băn khoăn trên đã không còn, nhường chỗ cho những “trận cười
thả phanh”, những “phút giây thư giãn”. Những phản ứng và nhận xét “vô
cùng hài hước” của các giám khảo, được thảy vào mặt thí sinh và được mọi
người tán thưởng, thì như thế này: “Em hát nghiến răng rất là ghê và
cách hát của em cứ như đang đay nghiến ai đó” (giám khảo Quốc
Trung),“Hình tượng của em là Thỏ mà sao em hát như Cáo vậy!?” (giám khảo
Quang Dũng, với thí sinh đeo nơ to như tai thỏ).
Vui vì “so sánh xuống”
Đằng sau niềm vui độc địa là diễn biến tâm lý gì? Vì sao người ta thích xem người khác bị làm nhục?
Một
lý giải tới từ thuyết so sánh xã hội, được xây dựng từ những năm 1950
bởi nhà tâm lý học Leon Festinger. Theo thuyết này, ta hay có xu hướng
đánh giá bản thân không qua những chuẩn khách quan, mà qua việc so sánh
mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người
khác vấp ngã. Đó cũng là lý do những người thiếu tự tin thì hay có cái
niềm vui độc địa này hơn những người khác. Một học sinh giỏi có thể sẽ
thương cảm cậu bạn bị điểm kém, còn tay học kém sẽ khoái trá khi thằng
bàn trên còn bị điểm thấp hơn mình và cảm thấy bản thân mình cũng “không
đến nỗi”. Người thiếu tự tin thường xấu hổ và ghen tị khi thấy mình kém
cỏi hơn, khinh khỉnh và kiêu ngạo khi cho rằng mình hơn người khác.
Và
giống như những người nghiện, hằng ngày họ đi tìm lỗi của người khác để
được sống trong cảm giác của người đứng bên trên. Richard Smith, tác
giả cuốn Niềm vui từ nỗi đau, viết rằng chúng ta thích xem những “pha
khó đỡ” trên truyền hình thực tế vì chúng làm ta thấy rằng cuộc đời của
mình cũng không đến nỗi tệ. “Nhìn xuống”, như người ta vẫn nói, sẽ làm
ta nhẹ nhõm hơn, vì ta thấy “không ai bằng mình”. Thuật ngữ chuyên môn ở
đây là “so sánh xuống” và theo Richard Smith, nó đem lại một niềm vui
khoái trá.
Niềm
vui độc địa có một người chị ruột: ghen tị. Ghen tị là nỗi đau khi
người ta thấy người khác thành công hay gặp may, niềm vui độc địa là
niềm vui khi người khác vấp ngã. Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti.
Càng tự ti thì càng hay ghen tị, càng hay ghen tị thì càng hay cười trên
nỗi đau của người khác. Nhà văn Pháp thế kỷ 17 François de la
Rochefoucauld viết: “Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết
thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm
khuyết của người khác”. Nhà văn Mỹ Gore Vidal có một câu tự châm biếm
nổi tiếng: “Mỗi lần một người bạn thành công, tôi lại chết ở trong lòng
một ít”. Một câu khác, được cho là của nhà văn Somerset Maugham thì như
thế này: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất
bại nữa cơ”.
Đó
cũng là lý do chúng ta dễ đồng cảm và yêu thương những người đã trải
qua hoạn nạn hơn, chúng ta không ghen tị với họ. Họ không thể hơn ta
được. Ngược lại, có điều gì không may xảy ra với người mà trước đó ta đã
ghen tị với họ, ta sẽ thấy hả hê hơn.
Trong
trường hợp của các bảo mẫu hay là hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ,
người ta còn hả hê vì cho rằng những người này xứng đáng bị như vậy. Lúc
này, người ta có thể công khai trưng bày niềm vui độc địa của mình ra
mà không phải che giấu nó hay xấu hổ về nó. Cảm xúc độc địa được khoác
một cái áo là ủng hộ lẽ phải và công lý. Trong thực tế, tất nhiên, nó
không liên quan gì tới công lý cả. Hãy hình dung một người bạn thân của
bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể buồn, đau xót, bạn có
thể thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã
được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.
Liều thuốc tăng đô
Nếu
niềm vui độc địa xảy ra khi chứng kiến kẻ khác gặp nạn, dù không nhất
thiết góp tay tạo ra cái hoạn nạn đấy thì với nhiều người, điều đó không
đủ. Họ cần một liều thuốc mạnh hơn, họ tàn nhẫn để giải khuây.
Trong
số những clip bắt trộm, đánh trộm trên YouTube, một cái làm tôi chú ý.
Khác những clip khác, ở đây người mất trộm - một thanh niên thấp và vạm
vỡ - không đánh đập, không chửi bới, mà nhốt kẻ trộm trong một cái lồng
gà lớn, nói một bài giáo huấn dài, rồi bắt anh ta hát hai bài. Kẻ trộm
ngồi xổm trong lồng gà, đầu gối quá mang tai, vừa thút thít không ngừng
vừa lí nhí và run run hát “anh yêu bình minh...”. Cậu thanh niên ngồi
trên chiếc ghế nhựa đỏ bên cạnh, đánh nhịp một cách cường điệu. Clip kéo
dài 4 phút và được hơn 600.000 lượt xem.
Phản
ứng đầu tiên của tôi là bật cười, thậm chí còn khen thầm kẻ bắt trộm là
sáng tạo. Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi. Một người xem bình
luận:“Rất khâm phục anh. Một đức tính nhân từ và vị tha và bản lĩnh”.
Nhưng ngay sau đó tôi tự hỏi, liệu bắt nạn nhân phải hát hay múa, trong
một trạng thái hoảng sợ, ở một tư thế quái đản, có phải là làm nhục
không? Cái kỹ thuật này có phổ biến không, nó có kinh điển không? Tìm
hiểu thêm, tôi phát hiện ra hành động của người bắt trộm này nằm trong
một truyền thống lâu đời từ Đông sang Tây: dùng âm nhạc để làm nhục.
Thật ra, nó được coi là một biện pháp tra tấn. (Tra tấn: theo định nghĩa
của Tổ chức Ân xá quốc tế, được hiểu là hành vi cố tình và có hệ thống
đem lại sự đau đớn về thể xác hay tâm lý trong một thời gian nhất định
cho nạn nhân).
Cuốn
Mặt tối của giai điệu: nhạc pop và bạo lực của hai tác giả Bruce
Johnson và Martin Cloonan kể ra một loạt ví dụ. Trong cuộc nội chiến ở
Nam Tư cũ, các tù binh người Croatia bị quân Serbs bắt hát quốc ca của
Nam Tư hai lần trong ngày và bị đánh nếu họ không hát đủ lớn. Năm 2002, ở
Zimbabwe, để trừng phạt việc bố một cô bé 12 tuổi tham gia phong trào
dân chủ chống lại chính quyền, cô bé bị hiếp tập thể trong khi mẹ và các
em cô chứng kiến và bị bắt hát các bài hát ca ngợi tổng thống Mugabe.
Năm 2004, một sĩ quan Israel tại một trạm kiểm soát bắt một nhạc công Ả
Rập chơi“nhạc gì đó buồn” trong khi những người lính khác đứng xung
quanh chế nhạo, rồi mới cho anh ta đi qua.
Có
hệ thống nhất là phát xít Đức, họ chọn ra các tù nhân biết chơi nhạc và
lập ra các dàn nhạc ở các trại tập trung. Riêng trại khét tiếng
Auschwitz có tới sáu dàn nhạc, mỗi dàn nhạc có tới hơn 100 nhạc công.
Các nhạc công được hưởng một chế độ ăn uống tốt hơn, được tắm rửa hằng
ngày và chừng nào họ còn chơi được nhạc thì không bị cái chết đe dọa.
Một trong những nhiệm vụ của các dàn nhạc là chơi thể loại nhạc du dương
hoặc quân nhạc trong khi những tù nhân khác bị dẫn vào lò thiêu. Trong
cuốn sách Chơi nhạc câu giờ (Playing for time), bà Fania Fénelon, một
nhạc công ở trại Auschwitz, kể lại trải nghiệm cá nhân: “Chúng tôi phải
chơi nhạc liên tục hàng giờ liền và trong thời gian đó, mắt chúng tôi
dõi theo hàng ngàn người xếp hàng bước đều vào các lò thiêu và phòng hơi
ngạt”. Tỉ lệ tự tử của các nhạc công cao hơn của tất cả các nhóm tù
nhân khác trong trại.
Tác
giả M.J. Grant cho rằng bắt nạn nhân hát hay múa là cách khẳng định
tuyệt đối nhất, đắc thắng nhất quyền lực và vị trí thượng đẳng của kẻ
tra tấn. Hơn bất cứ cú đấm đá nào, sự làm nhục này bẻ gãy lòng tự trọng,
cái tôi và nhân phẩm của người kia. Hơn tất cả các bạo lực vật lý, sự
làm nhục này chạm tới cái cơ bản nhất của cá nhân người kia. Khi người
ta không còn được kiểm soát những âm thanh mình phát ra, phải đóng giả
vui vẻ trong một trạng thái hoảng loạn, sự quy hàng là tuyệt đối. Bị
chiếm đoạt giọng nói, phải nói giọng của người khác còn kinh khủng hơn
là bị ra lệnh câm mồm. Nó tương đương việc lính Mỹ bắt các tù nhân Iraq
trong trại Abu Ghraib thủ dâm để họ xem. Hay việc người theo đạo Hồi bị
bắt phải tiểu tiện bên trong nhà thờ Hồi giáo của mình, như đã xảy ra
trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ. Nó bắt người ta tự tay xóa sổ danh dự
của mình.
Chết cũng không thoát
Không
phải ai cũng “may mắn” tóm được trộm trong nhà để có thể quay một clip
có hơn nửa triệu người xem. Nhiều người bằng lòng với những cái khiêm
tốn hơn. Hàng tháng trời, Nhâm Thị Hồng Phương, một trong hai người ăn
cắp kính ở Thụy Sĩ, bị khủng bố điện thoại. “Cứ từ chiều, khi họ bắt đầu
uống vào, họ gọi tới chửi bới, hay nhắn tin đe dọa, kéo dài tới tận
đêm”. “Họ độc ác lắm anh ạ” - Phương nói với tôi trong một cuộc phỏng
vấn qua điện thoại.
Cái
ta nhìn thấy ở đây là sự tàn nhẫn khi người ta nhàn hạ: buổi chiều tan
việc, ta tụ tập làm cốc bia và hành hạ người khác chơi. Ở trên mạng, tàn
nhẫn giải khuây lại càng dễ. Nhiều khi nó chỉ mang hình dạng của nút
share. Giữa tháng 6-2015, nữ sinh T., 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai
tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem,
18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa
cợt nhả. “Hàng ngon thế!” và “Đẹp mặt chưa bé gái!” và “Bị tung clip là
đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha
cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang
Facebook của T. và bạn trai. Hàng ngàn người follow T., chuyền nhau các
ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., gọi cô là bán dâm chuyên
nghiệp, và rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”.
Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Sau
cái chết của T., người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì
bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”. Người chết thì
không nghe được, nên họ quay ra lăng nhục bạn trai cô: “Đ.M thằng chó...
hên cho mày là đéo gặp tao... gặp là mày chết mẹ mày với tao rồi” và
“Loại này chết đi là vừa, sống chi cho chật đất”.
Một
động tác đưa cái clip lên mạng chưa làm T. chết, nó chỉ buộc cô vào một
cái cọc, nhưng hàng chục ngàn người xem và chuyền tay nhau, mỗi người
đã góp một viên đá để ném cô tới chết.
Tôi
cố gắng đi qua hàng trăm bình luận trên mạng, một công việc khó khăn.
Xen lẫn giữa các câu lăng mạ kiểu “kiếp sau cho nó thành chó thiến” là
trùng trùng những câu hỏi nhớn nhác “ai có clip hk cho xem với”. Trong
nửa sau của tháng 6-2015, “nữ sinh 2000” là từ khóa được tìm nhiều nhất.
Khác với các trường hợp bảo mẫu hành hạ trẻ, hai người ăn cắp kính, Hồ
Ngọc Hà hay Dương Tường, ở đây họ tàn nhẫn không phải vì căm ghét mà để
tiêu khiển.
Tàn
nhẫn giải khuây không chỉ giới hạn ở cư dân mạng Việt Nam. Hiện tượng
trolling, tạm gọi là đầu gấu trên mạng, lên mạng chỉ với mục tiêu làm
nhục, miệt thị, quấy rối, khiêu khích người khác, đã trở thành nỗi đau
đầu của nhiều quốc gia. Cuối tháng 3-2015, một phi công của Hãng hàng
không Germanwings trong khi bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới
Dusseldorf (Đức) đã đâm máy bay vào vách núi tự sát, kéo theo cái chết
của 150 hành khách, trong đó có nhiều người vùng Catalan của Tây Ban
Nha, vốn có truyền thống đòi tự trị. Ngày hôm sau, trên Twitter đầy
những tin ăn mừng. “Nếu có tụi Catalan trên đó thì vụ này hay đấy” và
“Một máy bay đầy dân Catalan và Đức rơi ở Pháp. Ba lần thắng lớn!” và
“Từ từ nào, có gì kinh khủng đâu. Tụi Catalan trên máy bay ấy mà, không
phải người đâu”.
Một
trò được các troll - đầu gấu mạng - ưa thích là vào các trang tưởng
niệm người quá cố trên Facebook, lăng mạ gia đình người chết hay khách
viếng thăm trang đó. Hiện tượng này được nhà nghiên cứu Whitney Phillips
đặt tên là “RIP trolling”. Các troll không cần tiền, mục tiêu của họ là
tiếng cười khoái trá, thu hoạch được từ những phản ứng của người bị làm
nhục.
Tình
hình tệ tới mức năm 2015, cả New Zealand và Anh đều ra một đạo luật
chống troll, với mức án tới 2 năm tù giam. Bộ trưởng Tư pháp Anh Chris
Grayling phát biểu: “Đây là những kẻ hèn nhát, chúng đầu độc cuộc sống
của quốc gia. Điều luật này nhằm chống lại sự độc ác, nó đánh dấu quyết
tâm của chúng ta ngăn chặn những kẻ du côn trên mạng”.
Theo
tờ Telegraph của Anh, năm 2015, trong khuôn khổ Luật giao tiếp ác ý
(Malicious Communications Act) của nước này, trung bình cứ mỗi ngày có
năm người bị kết án vì đã gửi tin nhắn, email...với mục đích lăng nhục,
khủng bố người khác, một con số cao gấp 10 lần so với thập kỷ trước.
Phải
chăng chúng ta đang sống trong một văn hóa của căm ghét và làm nhục? Và
nếu phải, những yếu tố gì tạo ra nó, tưới tắm để nó nảy nở?
Đặng Hoàng Giang/ Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment