Chờ đợi gì từ Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ?
TT - Hoa Kỳ cần ASEAN và ASEAN cần Hoa Kỳ. Mối quan hệ về kinh tế giữa hai bên có vẻ rõ ràng hơn mối quan hệ về chính trị.
Đoàn nhà báo ASEAN tìm hiểu về hoạt động của máy bay vận tải C-17 tại căn cứ không quân Hickam Field ở Hawaii ngày 12-2. Đây là một hoạt động do Bộ Ngoại giao Mỹ thiết kế nhằm giúp hiểu hơn về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và ASEAN - Ảnh: Quỳnh Trung
Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes đã xác nhận hội nghị cấp cao lần này sẽ gồm hai nội dung chính. Phiên làm việc đầu tiên sẽ tập trung vào kinh tế, đặc biệt là phát triển sự thịnh vượng trong khu vực thông qua đổi mới và các doanh nghiệp.
Phiên toàn thể sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh, cụ thể là bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.
TPP cho phép Hoa Kỳ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, thiết lập các quy tắc của lộ trình trong thế kỷ 21. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một khu vực năng động như châu Á - Thái Bình DươngTổng thống Barack Obama
Chân đứng kinh tế
Lợi ích kinh tế từ ASEAN mang đến cho Hoa Kỳ là khá rõ ràng. Ông Ben Rhodes nhấn mạnh ASEAN là một khu vực ưu tiên trong chính sách kinh tế của Tổng thống Obama bởi đây là khu vực tăng trưởng nhanh và sẽ đóng vai trò trọng tâm đối với tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho Hoa Kỳ trong tương lai.
Theo số liệu do Trung tâm Đông Tây (EWC) có trụ sở ở Hawaii cung cấp, ASEAN có tổng GDP 2.400 tỉ USD và là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc, trong 10 năm trở lại đây.
ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của Hoa Kỳ (trị giá gần 100 tỉ USD) chỉ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu sang ASEAN cũng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 560.000 người tại Hoa Kỳ.
Về giáo dục, hiện có khoảng 4.600 sinh viên ASEAN đang học tập ở Hoa Kỳ và mỗi năm các sinh viên này đem đến 1,4 tỉ USD cho nền kinh tế nước này.
Cũng không thể không nhắc đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có 4/10 quốc gia ASEAN là thành viên của TPP bao gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei, và ba thành viên khác bày tỏ quan tâm tham gia TPP trong thời gian sắp tới là Indonesia, Philippines và Thái Lan.
TPP được xem là dấu ấn lớn nhất trong khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama vì nó giúp Washington có sự gắn kết lâu dài, khắc phục điểm yếu cạnh tranh và tăng cường hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực, như là đối trọng với Bắc Kinh.
Ngay sau hội nghị Sunnylands, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN còn tổ chức một hội thảo tại San Francisco nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á.
Thông điệp cứng rắn
Ông Ben Rhodes cũng xác nhận vấn đề an ninh hàng hải, trong đó có vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, sẽ được thảo luận tại Sunnylands và đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị thảo luận các sự kiện gần đây, trong đó có các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập.
Các thông tin cho biết ông Obama sẽ gửi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo thông lệ và luật pháp quốc tế, chứ không phải theo kiểu nước lớn bắt nạt nước nhỏ và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm tự do lưu thông hàng hải cả trên mặt nước và trên không, phòng ngừa các hành động quân sự “sơ suất và không cần thiết” ở Biển Đông.
Trong cuộc trao đổi với đoàn nhà báo ASEAN tại Hawaii, ông Charles E. Morrison, chủ tịch EWC, cho rằng dù vấn đề Biển Đông và Hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ ở Biển Đông sẽ được thảo luận tại Sunnylands nhưng đó không phải là một diễn đàn để chống lại Trung Quốc.
“Những gì Hoa Kỳ đang làm là xây dựng một sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, trong đó bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền phải được tôn trọng” - ông Morrison giải thích.
Điều đó cho thấy có thể ông Obama sẽ ra thông điệp cứng rắn liên quan những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng khó có khả năng Washington sẽ thay đổi quan điểm và chính sách của mình về tranh chấp Biển Đông trong hội nghị lần này.
Dù các hoạt động tuần tra FONOPs của Mỹ ở Biển Đông nhận được sự ủng hộ của nhiều nước nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
Đơn cử như dù Hoa Kỳ tuần tra bao nhiêu lần chăng nữa, Trung Quốc vẫn tiến hành bồi đắp trái phép tạo ra các thực thể đảo nhân tạo to hơn, vẫn thực hiện những chuyến bay thử nghiệm đến các đảo mà nước này tôn tạo hoặc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn bị tàu Trung Quốc tấn công...
Thủ tướng
lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ từ ngày 15 đến 16-2.
Tháp tùng Thủ tướng có Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ...
Dự kiến hội nghị có hai phiên thảo luận về kinh tế - thương mại và chính trị - an ninh. Nhân dịp này, Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ cũng tổ chức hội nghị về Cộng đồng kinh tế ASEAN tại San Francisco, California vào ngày 17-2.
Theo Chinhphu.vn
Quỳnh Trung (từ California)
No comments:
Post a Comment