Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin, Việt Nam từng có tiền lệ Chủ tịch Đảng giữ chức Chủ tịch nước, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử nên có nhiều thay đổi.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII diễn ra tại Hà Nội từ 2 đến 6/10/2018. Một trong những nội dung quan trọng là Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Trả lời VTC News, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ủng hộ mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.
"Lúc này chính là thời cơ tốt để thực hiện từ cấp cao nhất là Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước", ông Mão nói và lưu ý nếu làm ở các cấp địa phường cần nghiên cứu bàn bạc kỹ lưỡng từng bước khi thực hiện.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão thông tin, Việt Nam từng có tiền lệ Chủ tịch Đảng giữ chức Chủ tịch nước, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử nên có nhiều thay đổi. Trước đây Bác Hồ từng là Chủ tịch Đảng và giữ chức Chủ tịch nước. Cơ cấu tổ chức của Đảng lúc đó gồm Chủ tịch Đảng và Tổng Bí thư hoặc Bí thư thứ nhất.
Tổng Bí thư hoặc Bí thư thứ nhất làm công việc của Đảng; còn Chủ tịch nước phụ trách những mặt tiêu biểu, chỉ đạo chung.
Khi Bác Hồ mất, vì hoàn cảnh và điều kiện môi trường lúc đó nên nước ta không thể thực hiện mô hình này được. Sau khi Bác qua đời, bác Tôn Đức Thắng là Chủ tịch nước, bác Lê Duẩn là Tổng Bí thư. Kế đó, bác Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bác Duẩn là Tổng Bí thư.
Sau này Đảng và Nhà nước cũng mong muốn kết hợp hai chức danh nhưng nhận thức mỗi thời khác nhau ở nhiều khía cạnh. "Thứ nhất, đã là Tổng Bí thư lại kiêm Chủ tịch nước thì lo ngại độc quyền. Thứ hai, tìm người có uy tín để vừa làm Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước lại khó quá", ông Mão phân tích.
Làm thế nào để tránh lạm quyền?
Đảng lãnh đạo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Làm được điều này, chúng ta vừa kiểm soát được quyền lực, nhưng vẫn chống được độc đoán, chuyên quyền.
Ông Vũ Mão
Ông Mão cho rằng, những lo lắng trên nằm ở vấn đề nhận thức, bởi nếu tất cả cùng nhất trí chắc chắn sẽ giải quyết được.
Về vấn đề sẽ có độc quyền nếu thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, ông Mão dẫn chứng Điều 4 của Hiến pháp từng viết, Đảng lãnh đạo đất nước và xã hội, nhưng Đảng chịu trách nhiệm với quyết định trước dân và chịu giám sát của dân.
"Đảng lãnh đạo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Làm được điều này, chúng ta vừa kiểm soát được quyền lực, nhưng vẫn chống được độc đoán, chuyên quyền”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Ông đề nghị trong Điều lệ Đảng phải bổ sung một số điểm quy định cụ thể hơn nhiệm vụ và quyền hạn Tổng Bí thư; cũng như Hiến pháp quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước (có 9 nhiệm vụ và quyền hạn) và Thủ tướng (có 8 nhiệm vụ quyền hạn).
Bên cạnh đó, mối quan hệ của Bộ chính trị với Trung ương cũng cần nêu chi tiết. Trung ương là trên, Bộ Chính trị là người trình ra Trung ương để quyết định, chứ không phải quyền lực nằm trong tay Bộ Chính trị như nhiều người cảm nhận. Điều lệ Đảng phải quy định Ban chấp hành Trung ương có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn (có 15 nhiệm vụ quyền hạn), Bộ Chính trị bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn (12 nhiệm vụ quyền hạn) và cứ thế thực hiện.
“Điều lệ Đảng hiện còn chung chung. Tôi mong tới Đại hội XIII cần có Ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng và coi đây là việc quan trọng thì tránh được độc tài, độc quyền và kiểm soát được quyền lực", ông Mão nhận định và khẳng định nếu làm được điều này thì việc thực hiện mô hình Tổng bí thư là Chủ tịch nước dễ dàng hơn.
"Tôi biết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện không muốn nhất thể hoá chức danh vì đồng chí cũng lớn tuổi, nửa nhiệm kỳ nữa cũng không dài. Nhưng việc nhất thể hoá sẽ tạo tiền đề tốt vì Việt Nam lúc này cần người tổng chỉ huy, cầm cân, nảy mực", ông Mão nói.
Minh Đức-Xuân Trường-Anh Thư (VTC News)
No comments:
Post a Comment