Thổi phồng những hiện tượng cá biệt để xuyên tạc bản chất
Sau hơn bốn năm, tám tháng chấp hành bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế vì tội danh “hoạt động gián điệp” theo Điều 80 Bộ luật Hình sự, ngày 9-6-2007, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, Nguyễn Vũ Bình đã được ra tù trước thời hạn. Ngỡ là từ đó Nguyễn Vũ Bình sẽ rút ra bài học thiết thân cho mình, nhưng căn cứ vào một số ý kiến công bố gần đây, lại thấy dường như ông ta đang tiếp tục trở lại con đường cũ?
Sau khi ra tù, Nguyễn Vũ Bình khá im hơi lặng tiếng, nhưng tới gần đây, ông ta xuất hiện công khai trên một số vi-đê-ô tường thuật, trao đổi trên một số diễn đàn vẫn thường có thái độ thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam. Ngày 7-8-2015, Nguyễn Vũ Bình đăng tải một bài viết trên blog của RFA với nhan đề liên quan tới một phạm trù quan trọng của triết học là Bản chất và hiện tượng. Với nhan đề như vậy, những tưởng người viết phải có tri thức và trình độ am hiểu nhất định về triết học, nhưng không vậy, đọc bài chỉ thấy một giọng điệu ngụy biện, đánh tráo khái niệm, dẫn chứng xuyên tạc.
Đọc bài Bản chất và hiện tượng của Nguyễn Vũ Bình, người có am hiểu chút ít về phạm trù bản chất và hiện tượng đều có thể nhận ra người này đã cố gắng loại bỏ các hiện tượng bất lợi cho bài viết của ông ta, chỉ lựa chọn loại hiện tượng không phản ánh đúng đắn bản chất mà còn che giấu, thậm chí xuyên tạc bản chất, hoặc hiện tượng xảy ra trong quá trình xây dựng, hình thành bản chất,… để đi tới chỗ phủ nhận bản chất. Ông ta đã tảng lờ tất cả các hiện tượng liên quan tới công lao, thành quả mà Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã cùng toàn dân phấn đấu và đạt được trong 70 năm qua. Thử hỏi, nếu không có các thành quả đó, liệu có gì bảo đảm để ông ta được học hành, được đào tạo cơ bản rồi về sau quay ra phủ nhận những gì đã được thụ hưởng? Nếu không có những thành quả đó, liệu Nguyễn Vũ Bình có điều kiện, phương tiện, công cụ để gửi bài đến RFA? Không chỉ tảng lờ, Nguyễn Vũ Bình còn trơ tráo coi các thành tựu, hay các hiện tượng phản ánh đúng đắn bản chất của Nhà nước Việt Nam “là quan điểm chung của rất nhiều thành phần, từ cán bộ tuyên truyền, lực lượng báo chí quốc doanh tới các dư luận viên, và cả một phần người phản tỉnh nửa vời”!
Từ tháu cáy và bịa đặt trong cách đặt vấn đề, Nguyễn Vũ Bình đã đi đến chỗ tháu cáy, bịa đặt qua việc chỉ chọn loại hiện tượng tương ứng với “khứu giác” của ông ta. Một cách mập mờ, Nguyễn Vũ Bình bịa đặt và cấy vào đầu người nào đọc bài của ông ta câu chuyện “đảng cộng sản đã tiêu diệt rất nhiều những cá nhân, tổ chức không cùng lý tưởng cộng sản với mình” nhưng lại “chỉ điểm qua vì không còn nhiều tài liệu, và thời điểm cũng đã phảiquá xa so với hiện tại”! Không những thế, Nguyễn Vũ Bình đưa ra những dẫn chứng có tính chất xuyên tạc, mà cụ thể nhất là việc ông ta đã xuyên tạc số liệu khai thác từ công trình nghiên cứu do cố GS Đặng Phong chủ biên. Như trang 85 cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 - 2000 (tập 2, NXB Khoa học Xã hội, H.2005) cho biết có 172.008 người là “số bị quy trong cải cách ruộng đất (trong đó qua sửa sai thấy số bị quy sai là 123.266)”, nhưng khi dẫn lại, Nguyễn Vũ Bình đổi trắng thay đen thành: “Số người bị giết và tự sát trong cải cách ruộng đất, theo số liệu trong sách Lịch sử kinh tế Việt Nam của tác giả Đặng Phong là hơn 172.000 người”! Có thể ngờ rằng Nguyễn Vũ Bình chưa hề đọc bộ sách do cố GS Đặng Phong chủ biên. Nếu đã đọc, chẳng lẽ ông ta không chú ý hay cố tình bỏ qua điều GS Đặng Phong và cộng sự viết khi đánh giá cải cách ruộng đất: “điểm đặc sắc của Việt Nam là tuy những sai lầm diễn ra kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chỉ sau mấy tháng sửa sai, tình hình đã ổn định, lòng dân lại yên” (Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 - 2000, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, H.2005, tr 90). Dù có một số sai lầm và đã kịp thời chấn chỉnh, thậm chí một số cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, thì vẫn không thể phủ nhận một sự thật là cải cách ruộng đất đã mang ruộng đất cho bốn triệu nông dân nghèo, ước mơ ngàn đời của người nông dân Việt Nam đã được thực hiện, từ đó khuyến khích bà con hăng say sản xuất để xây dựng một xã hội mới, một cuộc sống mới.
Từ động cơ thiếu lương thiện nên Nguyễn Vũ Bình đã không thể nghĩ ra được điều gì hay ho, ngoài sự lỗ mỗ về lý luận. Ông ta chỉ lặp lại một cách rất sống sượng những luận điệu mà các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn ra rả trên in-tơ-nét nhiều năm nay, nào là “cưỡng chiếm miền nam Việt Nam”, “thảm sát kinh hoàng Tết Mậu Thân ở Huế”, rồi “đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị năm 1972”,… Đó là mấy sự kiện bịa đặt, được dựng lên chỉ để vu cáo, vu khống Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Nếu Nguyễn Vũ Bình có thiên lương tối thiểu của một người viết, ông ta phải tìm hiểu toàn diện để xác minh, không hùa theo kẻ xấu để truyền bá thông tin xấu. Như cái gọi là “thảm sát kinh hoàng tết Mậu thân ở Huế” chẳng hạn, trước khi viết, ông ta có đọc tiểu luận Chuyện hoang đường vụ thảm sát ở Huế 1968 (The myth of the Hue massacre 68) của Giáo sư A.N.Chomski - người “thường được xem là một trong những nhà trí thức quan trọng nhất trong nền chính trị cánh tả tại Mỹ”, vạch rõ tính chất đen tối của quá trình bịa đặt sự kiện đó như thế nào, khi ông viết: “cốt lõi của sự thật đã bị bóp méo, bị mô tả một cách sai lệch, bị thổi phồng, bị tô vẽ, với những điều bịa đặt nhằm mục đích tuyên truyền”? Nhưng có lẽ đó là câu hỏi thừa, vì Nguyễn Vũ Bình viết Bản chất và hiện tượng không phải từ sự lương thiện, không phải vì sự thật, vì lẽ tốt đẹp.
Năm 1941, nghĩa là trước Cách mạng Tháng Tám bốn năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy” (Văn kiện Đảng - Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.114); và cách đây hơn nửa thế kỷ, giữa những ngày khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.232) - đó là các mệnh đề khẳng định bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, và lịch sử dân tộc trong 70 năm qua cho thấy rất rõ điều đó. Bản chất và tính chất ưu việt của chế độ xã hội XHCN ở Việt Nam vừa được biểu thị qua cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân, lại vừa được biểu thị qua một đất nước thanh bình, ổn định, ngày càng phát triển và nhận được sự trân trọng của cộng đồng quốc tế. Bất kỳ ai đó cố tình bịa đặt, xuyên tạc sự thật này thì trước sau cũng chỉ bộc lộ thêm bản chất đen tối của họ mà thôi. Vì thế thiết nghĩ, Nguyễn Vũ Bình nên xem xét lại mình để không nối dài những việc làm mà vì chúng, chính ông đã phải trả giá trước pháp luật; và cũng thiết nghĩ, ông nên hành xử như thế nào đó để chứng minh ông đã rất thành thực khi viết “đơn đề nghị, cam kết sau khi được đặc xá tha tù trước thời hạn về đoàn tụ cùng gia đình và vợ con, sẽ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân” như một số bản tin công bố năm 2007 nay vẫn còn lưu trên in-tơ-nét.
QUANG HÀ, VIỆT QUANG
No comments:
Post a Comment