2015/10/24

Cần đưa bài học xử lý vụ Biển Đông vào Văn kiện Đại Hội Đảng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: Việt Dũng

Đó là ý kiến tâm huyết của chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trong phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng sáng 23-10.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số nội dung chính của bài phát biểu này.

Hai bài học lớn

Dự thảo văn kiện đã thể hiện quan điểm mà tôi rất tán thành, đó là nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước và thế giới, đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp, chỉ đạo kiên quyết, kiên trì sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Thật sự đây là một bài học quá lớn đối với đất nước ta.

Tại Đại hội XI của Đảng có những nhận định, đánh giá hết sức lạc quan, trong đó đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ không sát thực tiễn. Sau đại hội hai tháng thì Bộ Chính trị phải ra kết luận tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Vừa qua tôi đã phát biểu tại Hội nghị trung ương rằng trong nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã lắng nghe và quyết định các vấn đề một cách kịp thời.

Đây là một bài học rất quan trọng, quyết định tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ tình thế mà là chiến lược chúng ta đã đeo đẳng 4-5 năm nay.

Cá nhân nào đó nói tự hào gì đó là không chính xác, tất cả là từ định hướng chiến lược đó và chúng ta phải đúc kết bài học này.

Một bài học quan trọng nữa là về kinh nghiệm xử lý Biển Đông. Có thể có ý kiến cân nhắc có nên đưa vào văn kiện đại hội hay không, nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là bài học rất lớn và là một bài học thành công.

Khi xảy ra vấn đề Biển Đông (vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tháng 5-2014 - PV) thì trung ương đang họp, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp ngay (ông Nguyễn Văn Giàu là thành viên của Đảng đoàn Quốc hội được tham dự các phiên họp này - PV), tôi nhớ phiên thảo luận đó thì cuối cùng Tổng bí thư quyết.

Tổng bí thư đã nói là bằng mọi cách, bằng mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Đi bằng cách nào? Bằng ba trụ cột.

Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế, trụ cột thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và toàn thế giới, với Liên Hiệp Quốc để ủng hộ ta.

Trụ cột thứ ba là thực địa, kể cả mời báo chí trong nước và nước ngoài ra ngoài khu vực nóng. Sau này dư luận ca ngợi người này, người khác thì không phải như vậy, mà là trí tuệ của Bộ Chính trị và người kết luận là Tổng bí thư.

Nhiều số liệu và nhận định chưa chính xác

Thời gian tới, về dự báo tình hình, dự thảo văn kiện nêu ở trong nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước nâng lên, uy tín quốc tế của đất nước nâng cao. Nói như vậy sợ rằng người dân không hiểu.

Thế và lực như thế nào, sức mạnh tổng hợp dựa vào tiêu chí nào thì phải cụ thể hơn. Vì bây giờ bốn nguy cơ vẫn còn đe dọa như vậy (trong đó có nguy cơ tụt hậu xa hơn - PV).

Tôi được tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi nhiều chuyến công tác nước ngoài thì thấy đúng là uy tín quốc tế của đất nước nâng cao, nhưng “ở trong nước” thế và lực, sức mạnh tổng hợp được nâng lên chỗ nào?

Tôi nói ví dụ như trong năm năm qua, năng lực cạnh tranh của Philippines tăng 37 bậc, VN tăng có 3 bậc.

Trong dự thảo văn kiện có một vài số liệu và nhận định chưa chính xác. Ví dụ báo cáo đánh giá “nợ xấu giảm dần nhưng còn ở mức cao”, thì đánh giá như vậy là không chính xác.

Theo báo cáo Chính phủ, nợ xấu cuối năm 2012 còn 17,3%, bây giờ còn 2,9%, như vậy là giảm quá nhanh, giảm đến mức độ người ta nghi ngờ thì không phải là giảm dần, và cũng không còn cao vì dưới 5% là không cao.

Vậy là ở đây có vấn đề, có được “chế biến” hay đúng sự thật như vậy? Chỗ này là cả thế giới về Việt Nam học.

Dự thảo văn kiện cũng đánh giá nợ công tăng nhanh, tăng đâu được nữa mà nhanh, thời gian qua thì nói được chứ bây giờ tăng gần chạm trần rồi.

Dự thảo văn kiện nêu khắc phục cơ bản tình trạng đôla hóa, vàng hóa, tôi nghĩ đánh giá này không chính xác. Đôla hóa được quốc tế định nghĩa là số dư tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi tại ngân hàng thương mại, nghĩa là không riêng tiền đôla mà bao gồm cả tiền yen, tiền euro…

Hiện nay đôla hóa của Việt Nam tăng. Cuối năm 2010 có khoảng tương đương 44 tỉ USD, cách đây hai tháng lên đến 56 tỉ USD, như vậy là đã tăng 12 tỉ USD.

Còn vàng hóa thì quốc tế không có khái niệm đó, theo chuẩn quốc tế chỉ có vàng thỏi được coi là dự trữ ngoại hối chứ không phải ngoại tệ.

Nhiều người bây giờ vẫn nhầm lẫn đôla mua bán ngoài chợ gọi là đôla hóa thì không phải.

Đưa kỷ cương, kỷ luật lên hàng đầu

Trong 5 năm tới, theo tôi, phải lấy kỷ luật, kỷ cương lên hàng đầu, lấy thực thi pháp luật làm nhiệm vụ hàng đầu, từ đó mới lan tỏa ra những vấn đề khác. Từ những người trong bộ máy công quyền cho đến toàn xã hội phải theo pháp luật.

Ví dụ, kỷ cương pháp luật về giao thông, năm nay ở Hà Nội mới đạt 50% chấp hành tốt, năm sau phải 75% và năm sau nữa bằng được các nước. Chứ nhìn vào giao thông ở ta thì kỳ lạ lắm.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là rất quan trọng. Phải thành lập ủy ban rà soát pháp luật, loại bỏ những gì phi thị trường, muốn theo nền kinh tế thị trường đầy đủ, khách quan thì phải bỏ bớt những gì không phù hợp, không có cách nào khác.

Tái cơ cấu nền kinh tế nên làm theo LHQ, họ đã chuẩn bị vài năm để rồi đưa ra 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Chúng ta cũng không nên nói chung chung mà đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng để rồi đánh giá.

Đối với nông nghiệp, nông thôn phải có chính sách mạnh mà đầu tiên là liên quan đến tư liệu sản xuất. Hiện đất đai rất manh mún.

Một là người đi làm công chức rồi nhưng vẫn còn đất ở nông thôn, miếng nhỏ vậy thôi. Hai là bản thân người nông dân cũng sợ không có đất.

Chúng ta phải có chính sách táo bạo, khuyến khích người có đất giao cho doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và mình trở thành cổ đông, như vậy thì mới tích tụ ruộng đất được.

Nếu không tích tụ ruộng đất thì không thể nào sản xuất lớn hay nâng cao năng lực cạnh tranh được.

Lo doanh nghiệp thân hữu
“Bây giờ chúng ta thường nói lo cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng tư nhân theo kiểu gì? Tư nhân có tiềm lực hay là tư nhân dựa vào ngân hàng, dựa vào đất đai, dựa vào doanh nghiệp thân hữu?
Quen ông to này thì làm ăn khá, nhanh, lợi dụng chính sách đất đai này thì giàu to, các chuyên gia gọi là doanh nghiệp thân hữu, chứ không phải doanh nghiệp đi khởi nghiệp đàng hoàng, đi từng bước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Theo Tuổi trẻ

No comments: