2015/10/18

SAO LẠI VỘI QUÊN NHANH THẾ?

Dẫu biết rằng sau hành động đó sẽ có những yếu tố phản cảm, dư luận không hay cho chính tướng Thanh và Bộ Quốc phòng nhưng vì sự vững bền của chế độ, sự ổn định trong nước để phát triển, suy cho cùng tổn thất đó không thấm tháp vào đâu. 
Mấy hôm nay, từ sau khi xuất hiện thông tin ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm Mỹ thì đã xuất hiện những đồn đoán không hay. Rất nhiều ý kiến cho rằng chuyến đi của tướng Thanh không đơn thuần là một chuyến công du nước ngoài đơn thuần và không ngần ngại suy luận ra không ít thứ mục tiêu đi kèm. Tuy nhiên, có vẻ như sự vô căn cứ cùng lối suy diễn mang tính cảm quan đã biến tất thảy những điều tiếng mị dân, lừa bịp đó trở nên vô nghĩa và nó chỉ được sống lại, những kẻ đơm đặt chuyện chỉ có cớ để nói thêm khi xuất hiện phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh khi thông tin: “Đặc biệt trong cuộc gặp lần này Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề là dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực". 


Đại tướng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc (Nguồn: Internet). 

Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên nhiều trang tin, người chia sẻ cũng không quên đặt ra những câu hỏi kiểu như "Tuyên truyền lời của giặc, Phùng Quang Thanh là người Việt Nam hay Tàu Cộng?"... và rất nhiều câu hỏi có ý nghĩa tương tự khác! 

Về điều này tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng với một nội dung như thế thì không nên thông tin ngay cho báo chí bởi dù sao đi nữa dù nó không sai, đúng hoàn toàn đi nữa thì ít nhiều nó cũng gây nên những sự phản cảm nhất định. Và nếu xét trên phương diện "truyền thống bách chiến, bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam" thì nó còn tỏ ra sự thiếu tính toán trong phát ngôn bởi với sức mạnh từ truyền thống, quyết tâm của hiện tại thì Quân đội, người dân Việt Nam sẽ không phải sợ hãi bất cứ một điều gì, kể cả họa xâm lăng từ ngoại quốc. 
Song, ở đây chúng ta không thể cứ nhìn vấn đề theo một phương diện duy nhất, nghĩa là phát biểu đó có thể sẽ gây phản cảm nếu góc nhìn truyền thống, lòng tự tôn, tự hào của người Việt nhưng cần lưu ý rằng ở phương diện, khía cạnh khác thì có thể vấn đề sẽ khác đi, cái phản cảm đó có thể biến thành một thứ tất yếu và cần thiết phải nói ra. Sau đây là môt góc nhìn như thế! 
Nếu ai đó đã từng theo dõi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của rất nhiều người Việt Nam, nhất là học sinh, sinh viên tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh trong 2 năm 2011, 2012; đỉnh cao là đình công, bãi công trong các nhà máy, xí nghiệp của các chủ doanh nghiệp Trung Quốc tại một số khu công nghiệp lớn tại Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai)... hẳn đều thấy: Sở dĩ nó nổ ra và có xu hướng lan rộng bởi chính các chủ thể tham gia đó lo sợ rằng sự bành trướng của TQ sẽ kéo theo một hệ quả tất yếu là xâm lược Việt Nam. Chính điều này cùng với việc thiếu hiểu biết về việc Nhà nước đã chuẩn bị ra sao để đối phó với giặc ngoại xâm đã khiến rất nhiều người kêu gào và đòi hỏi Nhà nước phải có động thái thực sự thay vì vẫn giữ im lặng! Và điều đáng nói là nhân cơ hội này rất nhiều kẻ đã thay vì chửi mắng, thóa mạ các chủ thể có thể xâm lược Việt Nam như suy nghĩ của họ đã chửi Đảng, Nhà nước Việt Nam không tiếc lời. 

Nhắc lại và chỉ ra những điều trên để thấy được rằng, cái căn nguyên, cội rễ của những cuộc biểu tình đã từng xảy ra trong quá khứ xuất phát từ việc lo sợ Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam. Và xem chừng điều này không phải là một sự lí giải có tính viển vông khi ra rả trên các mặt báo, nhất là các tờ báo của Trung Quốc liên tục đăng các tin bài về việc phía Trung Quốc gia cố sức mạnh về Quốc phòng như chi đậm ngân sách cho Quốc phòng, các hợp đồng vũ khí Trung Quốc đạt được với Nga, Mỹ hay một quốc gia nào đó....

Riêng điều này, khi nhìn, chứng kiến bằng mắt thường thì không ai có thể nhận ra những hệ lụy, những hậu quả đi kèm tới xã hội, sự ổn định của đất nước nhưng nếu nhìn vào những gì đã diễn ra tại Ukraine, Libi và xa hơn là Y Rắc hay Afganistan thì hẳn sẽ không quá bất ngờ. Sự "rõ ràng" mang tính tương đối về mặt nhận thức cùng với sự lung lay về mặt niềm tin vào Nhà nước, Quân đội là nguyên nhân chính khiến người dân của một số quốc gia vừa nêu hoặc là đứng ngoài các biến động của đất nước hoặc là tiếp tay để các thế lực li khai, bên ngoài xô đổ chính nhà nước đó để thiết lập một nhà nước khác! 

Vậy nên, xin nhắc lại là có thể với phương diện truyền thống, tinh thần tự tôn của dân tộc, lực lượng Quân đội, phát biểu có tính bạch hóa trên của tướng Thanh trở nên phản cảm; song để có được sự ổn định của đất nước cũng như loại bỏ các thứ nguy cơ từ bên ngoài thì việc bạch hóa, chỉ cho người dân thấy rõ hơn về một điều khó có thể diễn ra (TQ xâm lược Việt Nam) chưa bao giờ là một hành động sai lầm, hay thiếu thận trọng của tướng Thanh.

Mọi chế độ đều có cách tự bảo vệ, phòng vệ cho mình trước những nguy cơ và đấy là cách người đứng đầu Quân đội hành động để bảo vệ cái chế độ mà vai trò của Quân đội đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Cho nên, dẫu biết rằng sau hành động đó sẽ có những yếu tố phản cảm, dư luận không hay cho chính tướng Thanh và Bộ Quốc phòng nhưng vì sự vững bền của chế độ, sự ổn định trong nước để phát triển, suy cho cùng tổn thất đó không thấm tháp vào đâu! 

An Chiến

No comments: