2015/10/17

LS VÕ AN ĐÔN ĐANG BỊ ĐỒNG NGHIỆP TẨY CHAY


LS Võ An Đôn (Nguồn: Internet). 

Quả thực so với mặt bằng mức sống của giới luật sư tại Việt Nam thì gia cảnh củaLS Võ An Đôn thuộc hàng mức dưới cùng. Nghĩa là nghèo. Và khi chứng kiến điều này thì thông thường người ta thường đổ lỗi cho năng lực của chính luật sư đó. Tuy nhiên nếu ai đó đã từng chứng kiến tay nghề của LS Võ An Đôn trong phiên tòa bào chữa cho bên bị hại trong vụ Ngô Thanh Kiều, nhất là từ lời bào chữa của LS Đôn thì Tòa án nhân dân Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đã phải xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt với các bị cáo, và nhất là khi có kiến nghị xử lý kỷ luật thì hiểu rằng sự nghèo của LS Đôn không phải đến từ hai chữ "năng lực". 
Vậy đâu là nguyên nhân khiến một vị LS có thể xem là tài năng như ông Đôn vẫn nghèo lại hoàn nghèo? 
Nổi đình, nổi đám và nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng luật sư từ vụ bào chữa cho bị hại trong vụ Ngô Thanh Kiều và như nhận định của nhiều người thì đó là "vốn" lớn đối với LS Đôn" không chỉ trong việc cải thiện thu nhập mà cả đường tiến thân. Rất nhiều luật sư đã ngỏ lời đề nghị LS Đôn cộng tác hoặc nếu không cộng tác họ sẽ giới thiệu để giúp luật sư Đôn và gia đình đảm bảo được cuộc sống. Vậy nhưng, khi mà tất cả đang tiến triển theo chiều hướng thuận lợi, LS Đôn cũng đã bước đầu nhận được những thành ý đầu tiên từ giới luật sư thì không hiểu vì lí do gì mà "khi đưa ra nhận định về nghề luật sư và giới luật sư Việt Nam, LS Đôn đã hoàn toàn phủ nhận nghề luật sư và đạo đức nghề nghiệp của các luật sư đồng nghiệp" (theo facebook Nhan Thanh). 

Và với cái nhìn có tính quy chụp, lấy hiện tượng đánh giá bản chất LS Đôn đã nhìn giới luật sư Việt Nam bằng một con mắt khinh bỉ và đương nhiên theo ông Đôn thì chỉ có mỗi ông là còn giữ được cái đạo đức của nghề luật sư. Cái hành động cứ ngỡ như tạo tiếng thơm cho mình đó không ngờ đã biến LS Đôn trở thành một người hành nghề không có đồng nghiệp. Lí giải sự thay đổi đột ngột này, có người cho rằng: "Dường như LS Đôn đã trở thành một phần của "các nhà hoạt động dân chủ". Và cái gì đến đã đến và xem chừng dù vụ án Ngô Thanh Kiều đã qua đi rất lâu nhưng tiếng tăm bay cao, bay xa kia không đủ để khiến cuộc sống anh khấm khá, no ấm hơn. 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là LS Võ An Đôn biết và hiểu về những gì đồng nghiệp giới luật sư đang đối xử với mình không? Song tôi tin chắc chúng ta sẽ có câu trả lời khi tiếp cận một bài viết ngắn của vị Luật sư này có tên "TẠI SAO TÔI KHÔNG CHẠY ÁN ĐỂ LÀM GIÀU ?" được đăng trên FB cá nhân. Trong bài viết, LS Đôn đã chỉ ra rằng: 

"Nghề luật sư là nghề hái ra tiền ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng mỗi luật sư nhận trung bình từ 3 vụ đến 10 vụ án; nếu là luật sư chân chính thì nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Nhiều luật sư chạy án giàu lên nhanh chóng, họ mua nhà lầu ở nhiều nơi và tậu xe hơi đắt tiền". 

Nếu căn cứ theo nhận thức thì LS Đôn không đến nỗi không biết được cái thân phận, hoàn cảnh có thể nói là khốn khó của bản thân. Và từ cái nhìn bối cảnh chung, ông này cũng không quên chỉ ra tại sao ông lại vẫn nghèo dù cũng là một nhân tố cấu thành nên giới luật sư, cũng được học hành bài bản và quan trọng nhất đang hành nghề luật sư: "Tôi chỉ là luật sư bào chữa cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Những vụ án thuộc diện này tôi nhận bào chữa hoàn toàn miễn phí nhưng được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ từ một triệu đến hai triệu đồng mỗi vụ, chi phí này chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng. Ngoài việc làm luật sư bào chữa tại tòa án, tôi còn phải làm ruộng, cuốc đất trồng rau, nuôi bò để cải thiện cuộc sống". 

Câu chuyện hẳn đã không động chạm ai, không làm cho ai đó phật ý nếu chỉ dừng lại từng đó. Tôi tin rằng nếu chỉ để nói về cái phổ biến vốn đang diễn ra trong giới luật sư tại Việt Nam và trả lời cho câu hỏi tại sao mình nghèo thì các cứ liệu, sự giải thích ở trên đã quá đủ và không cần nói thêm một lời nào nữa. 

LS Đôn viết tiếp: "Làm người ai cũng muốn mình giàu sang phú quý, tôi cũng muốn có nhà lầu, xe hơi nhưng làm giàu bằng cách chạy án bất chính, lấy tiền từ sự đau khổ của người khác làm giàu cho bản thân và gia đình mình thì không nên. Bản thân tôi không bao giờ thấy hạnh phúc khi mình đi xe hơi tiền tỷ mà xung quanh mình còn rất nhiều người dân nghèo lam lũ, làm cơ cực cả đời không đủ ăn". 

Ở đây, người viết không loại trừ cái tình trạng chạy án, dùng đồng tiền hòng đổi trắng thay đen của không ít người mà giới luật sư, số luật sư biến chất đã tham gia tích cực vào trong hoạt động này. Câu chuyện được LS Đôn kể ra là hoàn toàn có thật: "Nhiều gia đình nông dân quê tôi khi có việc liên quan đến kiện tụng hoặc có người thân trong gia đình lâm vào cảnh lao tù thì họ chạy vạy khắp nơi mượn tiền hoặc buộc phải bán con bò, sào ruộng là tài sản duy nhất của mỗi gia đình nhà nông để lo tiền chạy án, mong sao cho mình thắng kiện hoặc người thân của mình khỏi lâm vào chốn lao tù".Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, câu chuyện LS Đôn nói, trình bày đang được đặt trong một bối cảnh có tính cá nhân: Lí giải tại sao LS Đôn nghèo vẫn hoàn nghèo dù ở ông có tài năng và danh tiếng? Theo đó, để thoát khỏi cái sự nghèo hiện tại thì việc hành nghề một cách chân chính hoàn toàn có thể đáp ứng được. Nếu có một phép tính đơn giản thì một luật sư chân chính mỗi tháng tối thiểu họ đã có thu nhập 10 triệu đồng và tối đa có thể lên đến vài chục triệu đồng. Nói như vậy để thấy rằng chẳng có lí do gì để LS Đôn nói rằng ông nghèo là do ông không chạy án và không chạy án để làm giàu. 

Người viết cũng tin rằng dù những lời lẽ trên đây chưa ảnh hưởng nhiều, chưa gây nên sự bất bình trong giới luật sư bởi cái thói "vơ đũa cả nắm" nhưng xem chừng LS Đôn vẫn chưa thể rút ra bài học cho chính mình cho những gì đã qua. Nghĩa là ông vẫn chưa thực sự biết mình đang bị giới đồng nghiệp tẩy chay, khai trừ một cách không văn tự. Và nên nhớ rằng cũng như hoạt đồng báo chí, một LS một khi không còn sự giúp đỡ, ủng hộ của giới đồng nghiệp thì không khác gì một dòng sông cạn nguồn vậy.
Nguồn: Ở đây

No comments: