2019/06/19

VỀ KHU ĐẤT TRƯỚC CỔNG NHÀ THỜ THÁI HÀ

Đắc Chí
Mới đây, ngày 19/6/2019, kênh FB “Truyền thông Thái Hà” và FB Nguyễn Ngọc Nam Phong đã đăng tải bài viết trong đó lớn tiếng yêu cầu chính quyền phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội phải dừng dự án xây nhà cao tầng thay thế cho “Trụ Sở Ban Bảo Vệ” trước cổng nhà thờ Thái Hà với lý do cực kỳ mơ hồ rằng, công trình này “đối diện và ngay sát Nhà thờ”. Chưa dừng lại, kênh FB “Truyền thông Thái Hà” và FB Nguyễn Ngọc Nam Phong còn cố tình lập lờ đánh lận con đen rằng, “đó là đất Nhà thờ”, qua đó kêu gọi, kích động các chức sắc và giáo dân thực hiện các hoạt động phản đối chính quyền thông qua chiêu bài quen thuộc là “cầu nguyện” và “hiệp thông”. 
Thực chất, khu đất mà chính quyền triển khai dự án xây nhà cao tầng thay thế cho “Trụ Sở Ban Bảo Vệ” trước cổng nhà thờ Thái Hà này nằm trong diện tích 61.455 m2 mà Linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao sang cho Nhà nước quản lý từ ngày 24/10/1961. Đáng chú ý, đây mới chỉ là lần bàn giao diện tích đất trên sổ sách chưa bao gồm các cơ sở thờ tự trên đất đó. Đến ngày 27/5/1963, linh mục Vũ Ngọc Bích lại có đơn xin bàn giao đất và nhà trên đất cho chính quyền quản lý, kèm theo bản kê khai ruộng đất, hồ ao và bất động sản trên đất cho Hợp tác xã dệt thảm Đống Đa sử dụng. Giáo xứ đã nhận 40 triệu đồng bồi thường của Hợp tác xã dệt thảm Đống Đa. Chính quyền còn lưu giữ tất cả các văn bản này.
Được biết, đây không phải lần đầu Nhà Thờ Thái Hà có đòi hỏi phi lý như thế này. Trước đó, năm 2009, linh mục Vũ Khởi Phụng đã đại diện nhà thờ Thái Hà có đơn đề nghị trả lại đất cho Giáo xứ Thái Hà và UBND quận Đống Đa đã xem xét giải quyết có kết luận số 635/KL-UBND ngày 28/9/09 và thông báo trả lời tại văn bản số 193/TB-UBND ngày 15/10/09. Tuy nhiên, ông Vũ Khởi Phụng không đồng ý và có đơn khiếu nại lên UBND thành phố. 
Điều 1, Điều 2 Nghị quyết số 23/2003/QH11, ngày 26/11/2003 về “Nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991” của Quốc hội đã nêu rõ: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất; Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo nhà, đất cho thuê; Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; Quản lý nhà đất vắng chủ; Quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định về nhà, đất của đoàn hội, tôn giáo; Quản lý nhà đất của những người di tản, chuyển vùng ra nước ngoài”. 
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 cũng quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. 
Như vậy, dù dưới góc độ lịch sử hay pháp lý thì mảnh đất mà kênh FB “Truyền thông Thái Hà” và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nhắc đến cũng thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước quản lý, và nó tuyệt nhiên chưa từng và không thể thuộc quyền quản lý của Giáo xứ Thái Hà kể từ khi Linh mục Vũ Ngọc Bích bàn giao cho chính quyền quản lý từ ngày 27/5/1963.
Rõ ràng, nhà thờ Thái Hà và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong không có quyền yêu cầu chính quyền dừng việc triển khai một dự án đã được phê duyệt trên cơ sở nhu cầu của người dân về nơi ở, nơi làm việc và các căn cứ pháp lý. Và hơn nữa, nhà thờ Thái Hà và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong cũng không nên và không được phép kích động giáo dân chống lại các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Điều này không chỉ vi phạm giáo luật mà còn vi phạm pháp luật./.

2 comments:

Loa phóng said...

Bài viết rất hay, tôi hoàn toàn ủng hộ

Micro hội thảo said...

Trong vụ việc này thì ông Phong đã sai; ông không có quyền dừng một dự án đã được phê duyệt; thiết nghĩ ông Phong nên xem xét lại hành vi của ông