Giáo sư V.N.Kolotov đón nhận Huân chương Hữu nghị cao quý của Nhà nước Việt Nam trao tặng. Trong phát biểu của mình, ông ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước và đổi mới ngày nay. Ông khẳng định sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
**********************************
Mấy ngày vừa qua, trên mạng xã hội nổi lên “cơn bão thông tin” liên quan tới một trong những câu trả lời trước các câu hỏi của giới báo chí của Tổng thống Nga V.Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) vừa kết thúc ngày 6-9-2016, liên quan tới phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ở Hague (PCA).
Nhiều bạn đọc yêu mến trên fanpage của tôi có băn khoăn là vì sao Đại tá Lê Thế Mẫu-một trong những người được coi là fan của V.Putin chưa có bình luận gì về sự kiện nay.
Để bình luận quan điểm của Tổng thống Nga V.Putin về một sự kiện cực kỳ phức tạp như vậy, tôi tự nhận thấy mình cần có thời gian suy nghĩ thấu đáo mọi khía cạnh, không thể đưa ra nhận xét vội vàng một khi chưa hiểu được hết bản chất của vấn đề và tôi sẽ đăng bài viết này trong vài ngày tới.
Người ta ví V.Putin đang chơi một “ván cờ lớn”, trong đó một mình ông phải đồng thời “chơi” đối mặt với rất nhiều cao thủ và cũng là đối thủ cũng thuộc hàng “đại kiện tướng”. Do đó, ông thường đi những nước cờ mà đối thủ không thể phán đoán trước được. Nếu không, thì làm sao ông có thể hóa giải được nhiều đòn hiểm mà gần như tất cả các cao thủ-đối thù ở Phương Tây nhào vô “đánh hội đồng” chống lại ông, để đưa nước Nga vượt qua sóng gió.
Một hiện tượng lạ trên thế gian này: khi V.Putin đưa nước Nga dấn thân vào cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt để loại bỏ nguy cơ khủng bố đang đe dọa mạng sống của người dân trên khắp thế giới thì chẳng mấy ai ủng hộ ông, thậm chí còn đưa tin và viết bài xuyên tạc cuộc đấu tranh thiêng liêng này của nước Nga.
Thế nhưng trước một câu nói mà có lẽ ít người hiểu hết ý định của ông ẩn chứa trong đó, lại vội vàng đưa ra những quy kết mà theo tôi là rất bất lợi cho chính Việt Nam chúng ta.
Trong vài ngày tới, tôi sẽ có bài viết bình luận về trả lời của Tổng thống Nga V.Putin. Trước hết, tôi chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn 100% rằng, trả lời của Tổng thống Nga V.Putin không liên quan tới quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 14-7-2016 sau phán quyết của PCA.
Nhân đây, xin khái quát lại một số vấn đề cơ bản sau.
Trước khi Tòa án Trọng tài quốc tế ở Hague (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, các phương tiện truyền thông của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có ý kiến xuyên tạc quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông.
Một vài “cây bút” ở Việt Nam có danh là “tiến sỹ”, thậm chí là “luật gia”, đã đưa ra nhận xét rằng “Nga bao che, chạy tội cho Trung Quốc trước khi PCA ra phán quyết”, “Nga sẽ đứng ngoài cuộc ở Biển Đông sau phán quyết của PCA”, thậm chí cho rằng “Nga quay lưng lại với Việt Nam” v.v và v.v.
Trong bối cảnh ấy, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov đã từng nêu rõ quan điểm của Matxcơva về tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có những nội dung cơ bản sau:
(1) Khẳng định Nga có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và Việt Nam.
(2) Nga phản đối mọi hành động quân sự hóa ở Biển Đông.
(3) Tất cả các vấn đề phát sinh trong khu vực được cần giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua đàm phán giữa các nước có tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế để tìm ra những giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận được. Một trong những cơ sở pháp lý đó là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các văn kiện đã được thảo ra giữa các nước ASEAN và Trung Quốc như Tuyên bố vầ cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
(4) Phản đối quốc tế hóa tranh chấp và sự tham gia của các bên không liên quan trực tiếp đến cuộc tranh chấp này.
I. NGA KHẲNG ĐỊNH CÓ LỢI ÍCH QUỐC GIA Ở BIỂN ĐÔNG VÀ VIỆT NAM
Khi Nga khẳng định có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và Việt Nam, thì đương nhiên Matxcơva sẽ bảo vệ những lợi ích đó. Có thể nêu 1 thí dụ: kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển trong khu vực “đường 9 đoạn” gần như bao quát toàn bộ Biển Đông, nhiều công ty khai thác dầu khí nước ngoài có ý định hợp tác với Việt Nam như của Mỹ, Anh, Ấn Độ, Pháp…rút lui để tránh va chạm với Trung Quốc. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam khai thác các mỏ dầu hiện có và tiến hành thăm dò khảo sát các mỏ dầu mới ngay trong khu vực mà Trung Quốc tự tuyên bố rằng “đường 9 đoạn” thuộc chủ quyền của họ.
Vậy, ai quay lựng lại, hay “bỏ rơi” Việt Nam? Ngoài ra, thử hỏi: quốc gia nào đang trang bị cho Quân đội Việt Nam, hoặc chuyển giao công nghệ quân sự cho Việt Nam để chế tạo các loại vũ khí hiện đại nhất nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước nguy cơ xâm lược, nếu không phải là Nga? Đương nhiên, hiện nay Nga không thể cho không VN vũ khí như LX trước đây, mà là theo nguyên tắc thương mại.
II. NGA PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG QUÂN SỰ HÓA Ở BIỂN ĐÔNG
Nga tuyên bố chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang đưa tên lửa, máy bay ra các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như việc Trung Quốc đang xây cất hạ tầng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Như vậy, có nghĩa là Nga đã gián tiếp phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Dĩ nhiên, tuyên bố này của Nga còn nhằm phản đối một số thế lực trên thế giới mượn cớ sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông để “đục nước béo cò”.
Vì lý do ngoại giao, đương nhiên Nga không bao giờ tuyên bố đích danh “phản đối Trung Quốc” quân sự hóa ở Biển Đông. Nên nhớ rằng, ngay cả Việt Nam, ASEAN, hay nhiều nước khác cũng chỉ đưa ra phản đối hành động quân sự hóa chung chung ở Biển Đông mà không nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng không vì thế mà cho rằng họ “bao che Trung Quốc”!
III. NGA ĐỂ NGHỊ CÁC BÊN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG BIỆN PHÁP HÒA BÌNH TRÊN CƠ SỞ DOC VÀ UNCLOS
Nga đề nghị các bên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán theo khuôn khổ do các bên tự xác định trên cơ sở DOC và UNCLOS.
Trong cuộc họp báo ngày 14-7-2016 của Bộ Ngoại giao Nga về phán quyết của PCA, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, bà M.V. Zakharova nói:
“Liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, công bố ngày 12-7-2016, chúng tôi muốn nêu rõ:quan điểm của Nga về tình hình ở Biển Đông là nhất quán và không thay đổi. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia có liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng sức mạnh và tiếp tục tìm kiếm các hướng giải quyết các mâu thuẫn còn tồn tại bằng biện pháp ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Các quốc gia đó cần hành động theo tinh thần các văn kiện đã ký giữa ASEAN với Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố của các bên về cách thức ứng xử ở Biển Đông ký năm 2002 (DOC) và Các nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC đã được thống nhất thông qua năm 2011. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
Nên nhớ, trong DOC có một điều khoản rất quan trọng quy định rõ là “các bên cần giữ nguyên hiện trạng”. DOC ký năm 2002, nghĩa là theo DOC thì Trung Quốc là một bên đã ký DOC, sẽ không được xây cất hạ tầng cơ sở ở Trung Quốc. Như vậy, Nga đã gián tiếp phản đối hành động xây cất hạ tầng cơ sở ở Trường Sa, vi phạm DOC.
Còn UNCLOS là cơ sở pháp lý để PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Do đó, không thể đưa ra nhận định rằng “Nga bao che, chạy tội cho Trung Quốc trước khi PCA ra phán quyết”, hoặc “Nga sẽ đứng ngoài cuộc ở Biển Đông sau phán quyết của PCA” như một vài “tiến sỹ” hay “luật gia” ở Việt Nam đã viết trên một số trang mạng.
IV. NGA PHẢN ĐỐI QUỐC TẾ HÓA TRANH CHẤP CHỦ QUYỂN Ở BIỂN ĐÔNG
Khi nghiên cứu quan điểm của Nga phản đối “quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông”, phản đối sự tham gia của các bên không có liên hệ trực tiếp đến cuộc tranh chấp, cần lưu ý sự khác biệt cốt lõi giữa nội dung này với việc “phản đối quốc tế hóa Biển Đông”.
Một số “cây viết” ở Việt Nam nhận định rằng quan điểm của Nga phản đối “quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông” có nghĩa là phủ nhận phán quyết của PCA và như vậy là “bao che, chạy tội cho Trung Quốc”.
Thì đây: sau khi PCA ra phán quyết, Philippines tuyên bố sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữ hai nước ở Trường Sa. Mỹ ủng hộ quan điểm đó.
Còn Việt Nam thì sao? Trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan tại Vientiane (Lào) ngày 26-7-2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết:
“Vấn đề thương lượng song phương là chủ trương nhất quán của Việt Nam về đối thoại và thương lượng giải quyết tranh chấp. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ tất cả các biện pháp về giải quyết hòa bình tranh chấp trong đó có biện pháp thương lượng và chúng ta cũng rất coi trọng thương lượng để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế Việt Nam đến nay thông qua thương lượng và đối thoại song phương đã giải quyết được nhiều tranh chấp, nhiều khác biệt với các nước trong và ngoài khu vực cũng như các nước láng giềng. Việc thương lượng, đối thoại được thực hiện trong kinh tế, chính trị, an ninh và kể cả lĩnh vực liên quan vấn đề lãnh sự”.
Quan điểm của Nga phản đối quốc tế hóa tranh chấp có nghĩa là Nga phản đối sự can thiệp của bên thứ 3 vào cuộc tranh chấp này, dựa trên kinh nghiệm lịch sử cay đắng của các nước nhỏ đã từng trông cậy vào các nước lớn để bảo vệ chủ quyền của mình. Hiệp định Ginevơ năm 1954 với sự tham gia của các nước lớn ngoài khu vực Đông Dương gồm Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc là một thí dụ điển hình. Tại Hội nghị này, Trung Quốc đã phản bội lợi ích của Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Còn Mỹ mượn cớ không ký vào Hiệp định này đã dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở Miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam và sau đó gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Chỉ có Hiệp định Paris trên thực tế đươc ký kết giữa 2 phía Mỹ và Việt Nam tuy rằng trên danh nghĩa là 4 bên (phía Việt Nam gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) mới giải quyết dứt điểm về việc công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhận định quan điểm của Nga về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chuyên gia nghiên cứu chính trị Nga Vladimir Kolotovbình luận:
“Việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp không thể giải quyết được vấn đề Biển Đông. Đáng tiếc, một số nước Đông Nam Á đã lãng quên những bài học của lịch sử. Hầu như tất cả các quốc gia ở đó trong quá khứ là các nước thuộc địa và họ đã trở thành thuộc địa bởi lãnh đạo của họ đã cố gắng sử dụng các cường quốc bên ngoài để giải quyết những tranh chấp và những vấn đề nội bộ, rút cuộc tất cả các nước trong khu vực, trừ Thái Lan, đã mất chủ quyền và trở thành thuộc địa”.
“Thật đáng tiếc là một số nước ASEAN đã lãng quên bài học này. Họ đang sống trong ảo tưởng rằng, có ai đó lớn và mạnh mẽ đến từ bên ngoài sẽ giải quyết những vấn đề khu vực mà họ không thể tự giải quyết được do những lý do khác nhau và họ hy vọng rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết vì lợi ích của họ.
“Nhưng, điều đó là không thể có được. Ảo tưởng này chỉ có thể mang lại một kết quả duy nhất-vấn đề sẽ được giải quyết vì lợi ích của các lực lượng bên ngoài, trong khi bỏ qua lợi ích của các nước ASEAN. Nghĩa là, theo phương pháp mà các vấn đề đã được giải quyết nhiều năm trước đây, khi gần như tất cả các nước Đông Nam Á đã trở thành thuộc địa. Quốc tế hóa cuộc tranh chấp không phải là một phương pháp để giải quyết vấn đề”./.
Đại tá Lê Thế Mẫu
No comments:
Post a Comment