2016/09/28

1 tuần nữa ngư dân sẽ được nhận đền bù do sự cố cá chết

Xung quanh vấn đề bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định chỉ 1 tuần nữa ngư dân sẽ nhận được tiền đền bù.



Theo ghi nhận của nhà báo Vũ Khánh (Báo Lao động điện tử) từ Thứ trưởng Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Xung quanh sự cố cá chết do ô  nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, các bộ, ban, ngành đã nỗ lực hỗ trợ Chính phủ để khắc phục môi trường, ổn định đời sống, việc làm cho ngư dân. Để giải quyết những vấn đề này, Bộ NNPTNT đã có nhiều giải pháp quyết liệt. 

    Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 27.9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, cho biết:

    Ngày 29.8.2016, Bộ NNPTNT có Công văn số 7268/BNN-TCTS về việc hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát ATTP và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc Miền Trung trong đó yêu cầu ngư dân không khai thác cá tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào. Ngoài việc tuyên truyền, vận động ngư dân, Bộ NNPTNT đã khuyến cáo ngư dân đang làm các nghề khai thác hải sản tầng đáy  chuyển đổi sang làm nghề khai thác hải sản tầng nổi. Ngoài ra Bộ còn huy động lực lượng Kiểm ngư phối hợp với lực lượng Thanh tra thủy sản, Bộ đội Biên phòng các địa phương để tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản vùng biển từ 20 hải lý trở vào ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Người dân đã thực hiện nghiêm các qui định không khai thác hải sản tầng đáy.  Thực tế hiện nay nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục được đáng kể, cùng với việc ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy. Vì vậy không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào, các hải sản khai thác về bến hiện nay đều là sản phẩm  an toàn. 

    Thưa ông, tại thời điểm này, hải sản đánh bắt về  vẫn cần được Bộ Y tế lấy mẫu phân tích, giám định để phát hiện các lô hải sản nhiễm độc, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế là 1 mẫu hải sản từ khi được gửi đi phân tích đến khi có kết quả phải mất đến 3 ngày. Lúc đó, dù có phát hiện ra thì số hải sản cùng lô cũng đã vào bụng người tiêu dùng, việc lấy mẫu phân tích lúc này cũng trở nên vô nghĩa. Theo ông, cần làm gì để giải quyết được nghịch lý này?



    -Theo thông báo của Bộ Y tế thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT và các địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các sản phẩm hải sản. Trong thực tế hiện nay chỉ còn sản phẩm hải sản an toàn. Riêng hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào còn chưa an toàn, nhưng người dân cũng không khai thác nên trên thị trường không có hải sản không an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu hải sản để xét nghiệm và thông báo kết quả cho cơ quan chức năng để chỉ đạo sản xuất và thông tin đầy đủ cho người dân biết, yên tâm sử dụng.

    Được biết, Chính phủ giao Bộ NNPTNT  xây dựng Đề án tổng thể “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”, đến nay đề án đó đã được thực hiện đến đâu, thưa ông? Trong việc khôi phục lại hệ sinh thái vùng biển 4 tỉnh miền Trung, khó khăn lớn nhất là gì?

    - Bộ NNPTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường” Ngày 16.8.2016, bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo (Công văn số 7228/BNN-TCTS), ngày 7.9.2016 Bộ NNPTNT đã gửi các Bộ, ngành có liên quan và UBND 4 tỉnh để xin ý kiến góp ý cho dự thảo đề án đến nay đã nhận được ý kiến góp ý 8/13 cơ quan cho đề án. Theo kế hoạch, Bộ sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trong tháng 9.2016.

    Đối với việc khôi phục hệ sinh thái biển ở khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là một nội dung trong đề án cần có quan tâm của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có kết quả điều tra ban đầu về sự phục hồi hệ sinh thái này, các loài hải sản con đã xuất hiện và các rạn san hô đã bắt đầu phục hồi, việc quản lý khai thác trong khu vực này cần đượckiểm soát, bảo vệ hệ sinh thái phục hồi.

    Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng có kế hoạch triển khai thí điểm Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển với mục đích hỗ trợ cộng đồng khôi phục và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ven biển.

    Thưa Thứ trưởng, kết quả khảo sát của Bộ NNPTNT và Bộ TNMT  cho thấy, tại một số khu vực biển miền Trung, đã xuất hiện trở lại  “sự sống” của biển: Đã xuất hiện cá con; không còn hiện tượng “thạch hóa” san hô, một số loại tảo đang hồi sinh,... Tuy nhiên, nếu ngư dân đánh bắt không theo quy hoạch theo kiểu “tận diệt”, sẽ không thể khôi phục được hệ sinh thái. Bộ NNPTNT có biện pháp gì để bảo vệ nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển tại đây? Cần thời gian bao lâu để hệ sinh thái tại các vùng biển này hồi sinh hoàn toàn?

    -Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế triển khai một số giải pháp về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản như sau: Không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy hoạt động trong khu vực này để phục hồi và phát triển hệ sinh thái biển là nơi cư trú, sinh sản của các loài sinh vật đáy. Thúc đẩy và triển khai áp dụng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ để nâng cao hiệu quả sản xuất đảm bảo khai thác hải sản bền vững và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ. Triển khai việc quy hoạch và thành lập các khu duy trì, bảo vệ nguồn giống thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam.

    Bộ cũng sẽ triển khai các giải pháp để phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Thời gian để nguồn lợi thủy sản phục hồi và phát triển còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm sinh học, sinh sản và sinh trưởng của từng loài, các điều kiện môi trường sống, khả năng tái tạo quần đàn trong tự nhiên và tác động của các hoạt động khai thác của con người. Đặc biệt đối với các rạn san hô thì thời gian phục hồi lại nguyên trạng ban đầu có thể mất nhiều năm và tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

    Được biết, ngày 22.9.2016, các Bộ: Tài chính, NNPTNT, TNMT… cùng đại diện lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã họp thống định mức thiệt hại để đền bù trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo khẳng định của Bộ NNPTNT, trong tháng 10.2016, ngư dân 4 tỉnh ven biển miền Trung sẽ được đền bù thiệt hại do sự cố biển, trong đó bao gồm cả đối tượng trực tiếp và gián tiếp. Vậy, căn cứ để bồi thường dựa trên các tiêu chí nào? Làm sao để các phương án đền bù đảm bảo công bằng, đúng người, đúng mức độ thiệt hại, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh mọi vấn đề tiêu cực? Bởi vì, nếu tính cả đối tượng gián tiếp (nghề xe ôm, bán hàng dịch vụ, hàng ăn…), phạm vi đối tượng được đền bù sẽ rất rộng.

    - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có văn bản hướng dẫn số 6851/BNN-TCTS và 7433/BNN-TCTS, trong đó đã có sự phân loại các nhóm đối tượng bị thiệt hại. Hướng dẫn, chỉ đạo qui trình tổ chức thực hiện phải dựa vào chính quyền, đoàn thể cơ sở cụ thể: Công tác kê khai, thống kê, đánh giá thiệt hại phải được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng và chính quyền; khẩn trương, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi, mức độ ảnh hưởng. Đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại ở cơ sở, trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo thôn/xóm thực hiện các bước theo quy định; thành phần tham gia Hội đồng gồm lãnh đạo chính quyền, đại diện các đoàn thể, đại diện của người dân và đại diện chức sắc tôn giáo (nếu có). Thôn/xóm tổ chức họp cộng đồng, xem xét, thống nhất và niêm yết công khai danh sách, số lượng thiệt hại theo quy chế thực hiện dân chủ cơ sở. Xác nhận số lượng thiệt hại cho từng tổ chức, cá nhân. Vì vậy phương án xác định thiệt hại để đền bù sẽ đảm bảo công bằng, đúng người, đúng mức độ thiệt hại, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh mọi vấn đề tiêu cực.

    Ngoài mong muốn được đền bù thỏa đáng do những tháng ngày phải “neo thuyền” không thể ra khơi do sự cố biển, ngư dân 4 tỉnh miền Trung mong muốn được gắn bó với ngư nghiệp, mang lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, với quy định chưa được đánh bắt trong vòng dưới 20 hải lý, thì nhiều ngư dân không đủ vốn để đóng tàu công suất lớn để ra khơi. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đối tượng này như thế nào, thưa ông?

    - Bộ NNPTNT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án tổng thể “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường” Trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng phục vụ đóng tàu để ngư dân có thể chuyển đổi ra khai thác hải sản xa bờ cụ thể: Các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức như:  Vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 15 năm, chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay. Được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 2 tỉ đồng/tàu.

    Như vậy, dự kiến đầu tháng 10 ngư dân sẽ được bồi thường thiệt hại, thưa ông?

    -Đến nay Bộ Tài chính và Bộ NNPTNT đang gấp rút hoàn thiện các phần việc liên quan để trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đầu tháng 10 tiền đền bù sẽ đến tay những người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại trực tiếp sẽ được nhận đền bù, đối tượng gián tiếp sẽ được nhận hỗ trợ, theo các mức quy định tương ứng.

    -Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

    Khánh Vũ (thực hiện)

    No comments: