Chị C. bước đến chỗ chị G. nghẹn ngào “Em xin lỗi chị, một lần nữa chị đã cứu gia đình em, em mang ơn chị nhiều lắm!”.
Cuối cùng phiên tòa cũng được mở sau khi đã hoãn xử đến lần thứ ba, lý do chính không phải vì tính chất vụ án phức tạp mà vì tòa cố tình mong muốn hai bên có được tiếng nói chung, hòa giải thành với nhau nên đã kéo dài thời gian và tổ chức nhiều cuộc hòa giải nhưng mọi nỗ lực cố gắng của tòa đều không mang lại kết quả như mong muốn…
Trước khi có vụ kiện này, chị C. có một căn nhà khoảng 20 m2 vừa là nơi trú ngụ của bốn người trong gia đình chị, vừa là mặt bằng “kinh doanh” của vợ chồng chị (làm nghề vá, rửa xe máy).
Cuộc sống vốn đã khó khăn chật vật lại thêm đứa con nhỏ của chị bị bệnh tim bẩm sinh nên càng khó khăn.
Vào khoảng tháng 9-2015, quá cần tiền trị bệnh cho con nên chị kêu người bán nốt căn nhà (đang thế chấp tại ngân hàng) cho chị G. với giá 100 triệu đồng (trong đó trả ngân hàng hơn 60 triệu đồng). Chị G. đồng ý mua và làm thủ tục sang tên theo đúng quy định của pháp luật.
Vì thương gia cảnh của chị C. nên chị G. đồng ý cho chị C. thuê nhà ở lại trong vòng sáu tháng (có làm hợp đồng) và có hứa miệng rằng trong thời gian sáu tháng nếu chị C. có khả năng mua thì chị G. sẽ bán lại theo giá thỏa thuận.
Tuy nhiên, đã hết thời hạn sáu tháng, chị C. không có khả năng mua lại nhà và không trả tiền thuê nhà cho chị G. nên chị G. nhiều lần yêu cầu chị C. trả lại nhà cho mình nhưng chị C. không đồng ý, thậm chí có lần đã xảy ra xô xát giữa hai bên. Vụ việc UBND phường hòa giải không thành và chị G. kiện chị C. ra tòa yêu cầu chị C. trả lại nhà và tiền thuê nhà cho đến thời điểm xét xử.
Trong suốt quá trình giải quyết tại tòa án, chị C. có nguyện vọng xin chị G. được “chuộc” lại nhà nhưng chị G. nhất định không cho. Thấy hoàn cảnh chị C. có phần đặc biệt nên tòa vận động thuyết phục cả hai bên thương lượng lại nhưng không được.
Nghe ai đó giới thiệu, chị C. tìm đến tôi xin giúp đỡ, tôi nhận lời. Sau khi tìm hiểu và xem tất cả hồ sơ chứng cứ tại tòa, một mặt tôi giải thích cho chị C. hiểu thêm các quyền và nghĩa vụ của mình, một mặt tôi hy vọng mình sẽ thuyết phục được chi G. thông cảm sẻ chia với hoàn cảnh của chị C.
Trước lúc vào phiên tòa, tôi gặp hai bên tại hành lang, có mở lời cho chị C. xin lỗi chị G. và nói với chị G. rằng “đã thương thì thương cho trót, 9 bỏ làm 10”. Bởi căn nhà đang tranh chấp đó với chị G. có thể có có thể không, nhưng với chị C. thì không những là nơi che mưa che nắng mà còn là nơi tạo kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình… Lúc đầu chị G. giận lắm, phiền chị C. đủ chuyện sau cũng “hạ hỏa” dần nhưng đã đến giờ phải vào phiên tòa… tôi tiếp tục theo đuổi hy vọng…
Tại phiên tòa, sau phần thủ tục, vị chủ tọa hỏi hai bên có nội dung nào hòa giải được không, chị G. bảo “Không” và giữ nguyên yêu cầu. Tòa hỏi chị C., chị đưa mắt nhìn tôi, tôi gật đầu động viên chị. Chị C. đứng lên xin được hòa giải đối với nội dung yêu cầu khởi kiện của chị G., nếu không được thì chị C. chấp nhận yêu cầu của chị G. và mong tòa ghi nhận.
Tòa hỏi ý kiến chị G., bỗng nhiên chị G. nhìn tôi và chị C... Trước tiên chị xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện là tiền thuê nhà đối với chị C., còn riêng nhà thì chấp nhận cho chị C. tiếp tục lưu cư trong vòng ba tháng nữa và đặc biệt trong thời gian này, nếu chị C. có điều kiện thì chị G. đồng ý cho chị C. giữ lại căn nhà…
Chị C. bước đến chỗ chị G. nghẹn ngào “Em xin lỗi chị, một lần nữa chị đã cứu gia đình em, em mang ơn chị nhiều lắm!”.
Cả phòng xử án như bừng lên ánh sáng. Phiên tòa kết thúc trong bầu không khí chan chứa tình người.
Tôi nghe đâu đây vang lên câu hát “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”.
LS NGUYỄN THẾ TÂN
No comments:
Post a Comment