Tài xế xe tải Phan Văn Bắc
Lời dẫn: Qua Hộp thư điện tử của Google.tienlang, bạn đọc Trần Tuấn từ Đà Nẵng vừa gửi cho chúng tôi bài bình luận về vụ "Xe tải cứu xe khách" ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng- một chủ đề đang bàn tán sôi nổi trên báo chí lẫn trên mạng xã hội hiện nay.Xin cảm ơn anh Trần Đức và xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
“Cuộc đua” thông tin càng lúc càng nóng. Do chạy đua quá nhanh, truyền thông có cảm giác như bị đứt thắng (phanh) như chiếc xe khách đang lao dốc kia, nhưng không may là phía trước chẳng có chiếc xe tải nào đủ lớn để…cắm đầu vào !
Tháng 5/2006, cơn bão lịch sử Chanchu (bão số 1) không đổ bộ vào đất liền, mà đột ngột chuyển hướng ngay ngoài khơi, đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung Việt Nam cùng 14 tàu cá bị chìm và 4 tàu mất tích. Chỉ 20 ngư dân được tìm thấy xác.
Cả nước để tang. Ba tháng sau, tháng 8/2006 bỗng có tin trên vùng núi Quế Ninh (Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn-Quảng Nam) có một ngư dân thoát khỏi bão Chanchu đã quả cảm chống chọi thần chết, bơi trên biển ròng rã 13 ngày đêm, để về với… vợ con !
Ngày ấy chưa có mạng xã hội, facebook, “lá cải” cũng rất ít, thế nhưng chỉ với báo đài chính thống, hiện tượng “người hùng Chanchu” Nguyễn Văn Hương đã đủ tưng bừng rộn rã. Nhà báo kéo lên núi ùn ùn. Để ra đời hàng loạt “thiên phóng sự” về cuộc phiêu lưu cùng hành trình trở về “thần thánh” ngang anh hùng thần thoại Odyssey từ ngàn năm trước!
Nhưng sau đó, bà chủ tàu cá bị nạn từ Đà Nẵng lên dòm mặt “anh hùng”, bảo cả tàu 23 ngư dân chết hết, chỉ 1 người sống sót nhưng không phải… ông này !
“Anh hùng” Chanchu sau đó phải xin lỗi. Té ra hôm ấy anh chàng không theo tàu cá của Đà Nẵng, mà tót vào Phú Yên chơi với…vợ bé, rồi lang thang đánh cá ở phía Nam…Đến khi lù lù về nhà, thấy vợ vừa chỉ lên bàn thờ vừa khóc: họ tưởng ông chết rồi, người ta đã quyên góp ủng hộ cả trăm triệu đồng, lỡ nhận rồi chừ tính răng? Tiền tiêu rồi lấy đâu mà trả. Lỡ rồi, thế là trở thành…người hùng !
Tôi cũng là một trong những nhà báo đã… hòa vào dàn đồng ca hoàng tráng ấy!!! * * * *
Mười năm sau. Với câu chuyện hai chiếc xe trên đèo Bảo Lộc.
Thực ra, ngay từ những bài báo đầu tiên, tôi đã lờ mờ nhận ra sự “không bình thường” lắm trong cách trả lời của anh Bắc (Có thể từ kinh nghiệm của “vố đau” 10 năm trước). Trả lời một cách lúng túng dè dặt, thậm chí “sợ sệt”. Và với mỗi báo có những tình tiết khác, thậm chí trái ngược nhau
Đặc biệt là cách khai thác thông tin của các nhà báo. Hầu hết những bài báo sớm và quan trọng nhất có tính chất định hướng dư luận, đều được khai thác gián tiếp. Nhân vật thì gọi qua điện thoại. Góc nhìn một phía. Hiện trường thì nhà báo không tới. Nhiều hình ảnh ban đầu do anh Bắc tự selfie (ảnh tự chụp, tự sướng- Google.tienlang) rồi gửi cho báo (có thể do phóng viên nhờ!) Và lấy từ facebook của một số người trong cuộc…
Hình ảnh đầu tiên rõ nét nhất của nhân vật chính Phan Văn Bắc lại do chính tài xế này...selfie gửi cho một tờ báo !!!
Và rồi “cuộc đua” thông tin càng lúc càng nóng. Do chạy đua quá nhanh, truyền thông có cảm giác như bị đứt thắng (phanh) như chiếc xe khách đang lao dốc kia, nhưng không may là phía trước chẳng có chiếc xe tải nào đủ lớn để…cắm đầu vào!
Tuy nhiên, hiệu ứng xã hội (cho đến lúc đó) thì tuyệt vời. Do chúng ta đang sống giữa thời đại khát “anh hùng”. Khi có quá nhiều cái xấu, cái ác, sự vô cảm. Nói cách khác, xã hội đang rất thiếu những điểm sáng tích cực cần ngợi ca, tuyên truyền - như cách nói của báo chí và tuyên giáo. Báo chí đang rất “khát” những điển hình để tôn vinh. Để góp phần cân bằng trang báo cũng như xã hội. Để con người hoang mang có nơi tốt đẹp nương náu niềm tin.
Vụ “dìu xe” trên đèo Bảo Lộc bỗng nhiên đảo chiều. Khi trên một tờ báo vừa xuất hiện lời kể gây xôn xao của một ông tên là Phong – xưng là chủ chiếc xe khách chở hơn 30 người bị mất phanh được xe tải của anh Bắc dìu đi hết đoạn đèo. Ông này ngồi trên ghế đầu trong vai trò lái phụ, sau khi hai xe va chạm đã bị kẹt cứng chân trong cabin.
Theo lời ông Phong, thì anh Bắc “không chủ động” ra dấu hiệu và cứu xe của ông. Không có chuyện hành khách thò đầu ra ngoài kêu cứu. Không có chuyện xe anh Bắc từ phía sau chạy vượt lên để “đỡ” cho xe của ông, vì theo ông, tài xế xe tải “không thể biết xe khách bị mất thắng”. Tất cả là do xe khách trong tình thế bất khả kháng đã chủ động húc vào đuôi xe tải để được giảm tốc và dừng lại. Và theo lời ông chủ xe khách, nhiệm vụ của anh Bắc là “chỉ biết giữ thăng bằng khi xe khách đâm và và dừng lại”.
Đáng lưu ý nhất là chi tiết sau khi hai xe dừng lại, anh Bắc xuống xe đòi giữ nguyên hiện trường và đòi đền bù thiệt hại, mặc cho chủ xe đang bị kẹt trên cabin. Lâu sau đó anh Bắc mới chịu đánh xe của mình tách khỏi đầu xe khách để mọi người kéo ông ta ra đưa đi viện ?!!
Bài báo đang gây xôn xao của Một Thế Giới vừa dẫn ở trên cũng được phóng viên phỏng vấn qua…điện thoại !!!
Hình ảnh “anh hùng” của tài xế Phạm Văn Bắc đang lung lay dữ dội.
Nhớ trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, cuộc “luận anh hùng” giữa Thào Tháo và Lưu Bị đã trở thành kinh điển. Thế nhưng, một kẻ tham vọng đứng đầu thiên hạ như Lưu Bị, khi được Tào Tháo tán dương gọi là “anh hùng”, cũng phải rụng rời đánh rơi cả đũa.
Để thấy, anh hùng không phải trò đùa
Anh hùng, có nhiều dạng. Nung nấu ý chí trở thành anh hùng cứu nhân độ thế; anh hùng kiểu Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bằng không tha". Cũng có những "anh hùng" bất đắc dĩ khi bị đẩy vào hoàn cảnh. Những thuyền trưởng ở lại với con tàu đắm là kiểu anh hùng như vậy. Cũng như người chủ tàu chìm, vùng vẫy cứu vớt hành khách của mình lúc gặp nạn.
Ở vụ Bảo Lộc, đối chiếu lời kể hai bên, sau khi “rơi rụng” đi hàng loạt chi tiết nhiều khả năng do “tưởng tượng” của phóng viên, hoặc khi phỏng vấn qua điện thoại câu được câu mất, thì thấy cốt lõi của vụ việc cơ bản không thay đổi.
Đó là:
- Xe khách bị mất thắng đang lao dốc trong tình trạng rất nguy hiểm;
Đó là:
- Xe khách bị mất thắng đang lao dốc trong tình trạng rất nguy hiểm;
- Chiếc xe tải do anh Bắc điều khiển trở thành vật cứu sinh duy nhất cho hơn 30 mạng người trên xe khách;
- Dù không chủ động, nhưng khi bị xe khách húc từ phía sau để giảm tốc và giữ thăng bằng, anh Bắc đã tỏ ra bình tĩnh, cứng tay lái duy trì đến cùng độ an toàn cho cả hai xe.
Còn thái độ lúng túng của anh Bắc sau đó, có lẽ ngay sau khi đọc bài báo đầu tiên, anh đã nhận ra có những chi tiết không phải của mình. Nhưng anh không đủ dũng khí phủ nhận những điều đó. Hoặc do lần đầu tiên một người bình thường như anh được/bị truyền thông đổ xô truy vấn, thậm chí “mớm” lời, khiến anh bị ngợp, không đủ kinh nghiệm lẫn khôn ngoan để “thoát thân”, càng quậy càng lún.
Mà không biết rằng, chỉ riêng việc anh không hốt hoảng tìm cách quẫy ra thoát thân sau cú “dựa đuôi” không mong muốn của khối sắt thép to đùng đang lao như tên lửa phía sau, đã xứng đáng là “anh hùng” rồi !
Và nhà báo, chúng ta cũng nên biết rằng, muôn đời trên thế gian này sẽ không có những anh hùng hoàn hảo, trừ thần thoại
Anh hùng hay "siêu nhân", với Nietzsche (triết gia Đức 1844–1990) là khi con người luôn là chính mình và vượt qua chính mình. Rất đơn giản
Hơn thế, triết gia hàng đầu nhân loại còn dạy: “Sự e dè cẩn trọng đầy chất người của ta là cứ để mình bị đánh lừa… Kẻ nào giữa loài người không muốn chết khát thì phải học uống tất cả các thứ ly; kẻ nào muốn còn trong sạch giữa loài người, phải học rửa mặt bằng nước bẩn” (Nietzsche – Zarathustra đã nói như thế)
Còn vì sao tôi dẫn lại câu chuyện “anh hùng Chanchu” dù về bản chất hoàn toàn không giống “anh hùng Bảo Lộc”. Bởi tôi từng là một nhà báo trong cuộc Chanchu.
Để muốn nói rằng mỗi nhà báo chúng ta có thừa tố chất là những “họa sĩ”, thậm chí là “danh họa” với khả năng đưa thêm vào bức tranh sự thật những mảng màu tuyệt vời, lung linh. Của cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng …
Tuy nhiên, những màu mè ấy không bao giờ là sự thật.
Trần Tuấn
Trần Tuấn
No comments:
Post a Comment