2016/09/13

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LIỆU CÓ CẦN DỰA VÀO AI!

Nguyễn Chiến Thắng
Chúng ta đều biết, ngày nay Đảng chính trị đã trở thành hiện tượng phổ biến trên thế giới, có vị trị đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và là nhân tố không thể thiếu trong quá trình chính trị và đời sống chính trị của hầu hết các nước. Hiến pháp của một số nước xem việc thành lập Đảng chính trị là điều hết sức cần thiết góp phần hình thành nên các ý kiến, nguyện vọng, ý thức, ý chí chính trị của nhân dân. Hiện nay, số Đảng ở mỗi nước rất đa dạng, một số nước có nhiều Đảng chính trị như Mĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp… nhưng có những nước chỉ có một Đảng chính trị như Madagaxca, Ghine, Arập Xêút, Gana, Libi, Haiti… Ai cũng biết rằng, số lượng các Đảng chính trị không hoàn toàn nói lên điều gì về mức độ dân củ, tự do ở từng nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không tranh giành quyền lãnh đạo với bất kì ai. Trong hơn 80 năm qua, ở nước ta cũng có thời kì đa đảng, năm 1946 ngoài Đảng Cộng sản còn có Việt Quốc, Việt Cách, tuy nhiên khi Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai Đảng này cũng không còn cơ hội tồn tai ở nước ta. Có thời kì xuất hiện Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam nhưng cả hai Đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nên sau đó đã tự tuyên bố giải thể.
Có thể nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là lựa chọn của lịch sử, của toàn thể quần chúng nhân dân, vai trò lãnh đạo của Đảng là sản phẩm tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử đất nước.
Theo trang Danlambao ngày 11/9/2016, bài viết của Nguyên Thạch ĐCSVN công dã tràng!” có đoạn viết: “Khi ông chủ Tàu cộng bị sụp đổ tan tành từng mảnh thì những kẻ tôi tớ như Việt cộng sẽ không còn đứng vững được mà phải cùng chung số phận của chủ nó là điều lôgic. Từ đó, những gì mà Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng cùng ĐCSVN đã cố gắng theo đuổi để giữ vững guồng máy cai trị sẽ được xem như công dã tràng...”.
DÂN LÀM BÁO
Bài viết xuyên tạc của Nguyen Thach đăng trên Blog Dân làm báo ngày 11/9/2016, ảnh chụp màn hình
Lịch sử cho chúng ta thấy rằng trước đây khi Xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào khủng hoảng, “người anh cả” Liên Xô, Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam vẫn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì chắc chắn không thể có tư tưởng dựa vào Trung Quốc như Nguyên Thạch nói. Hơn thế nữa, quá trình hội nhập của chúng ta phải quán triệt quan điểm hợp tác là tương đối, đấu tranh là tuyệt đối. Trong hợp tác quốc tế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần quan tâm phát huy sức mạnh dân tộc, coi đó là nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định. Trong đấu tranh cách mạng, Người luôn nêu cao khẩu hiệu “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Cách mạng Việt Nam đi theo đường lối độc lập, tự chủ thì chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế phải lấy sức mạnh bên trong làm điểm tựa. Bởi, “nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”.
Bài viết của Nguyên Thạch có ý bênh vực một chế độ đã sụp đổ là Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ khi viết: “Người Mỹ đã có một phần ẩn ý nào đó nhằm chuộc lại những cư xử bất công, đáng áy náy với VNCH”. Tuy nhiên quan điểm về hợp tác quân sự, đối ngoại quân sự của ta đã nhấn mạnh: “Trong hợp tác với các nước hết sức chú ý quan hệ với nước lớn đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Với an ninh của Việt Nam thì quan hệ tốt với cả hai sẽ giữ được thế cân bằng, chủ động, độc lập, tự chủ. Không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc lợi dụng lãnh thổ địa bàn của chúng ta để làm phương hại đến láng giềng an ninh trong khu vực”. Mỹ và Trung Quốc là hai nước lớn trên thế giới với không ít những nước đồng minh nhưng vì quyền lợi của chính họ mà không ít lần hai nước này đã bán đứng đồng minh của mình trong đó có Việt Nam, hay như Philippin dù là đồng minh của Mỹ nhưng nhưng khi Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scaborough, Mỹ cũng lờ bỏ qua. Do đó, các nước lớn vì quyền lợi của mình mà có thể sẵn sàng thỏa thuận, hy sinh những nước đồng minh nếu sự đánh đổi đó hoàn toàn có lợi.
Trong tình hình hiện nay, biển Đông đang dần là một trong những điểm nóng trên thế giới khi mà Trung Quốc đang tiến hành một loạt hoạt động khiêu khích, bất chấp dư luận quốc tế, thử phản ứng trong nỗ lực thực hiện chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ và là nơi nhiều nước đang tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên chủ quyền biển đảo không thể chối cãi của chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta không kiện Trung Quốc như Philippin? Liệu có phải “nhà cầm quyền CSVN chẳng những đã không dám kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế về hành động lấn chiếm 7 đảo và phần Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam mà ngược lại còn có thái độ nhu nhược, yếm thế, nối giáo cho giặc bởi quì lạy 16 chữ vàng và 4 Tốt”?
Về điều này, TS.Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích: Chuẩn bị hồ sơ kiện không phải điều đơn giản, có thể làm trong ngày một ngày hai, Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này và một trong những biện pháp hòa bình là chuẩn bị hồ sơ để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Đây là việc sớm muộn gì cũng xảy ra. Chính phủ Việt Nam đã và đang chuẩn bị hồ sơ từ rất lâu. Tuy nhiên, việc này không phải nói là làm ngay được. Đã kiện là phải nắm chắc được phần thắng. Vì vậy, các cơ quan tham mưu phải đóng góp ý kiến, phân tích cặn kẽ mọi tình huống, đồng thời chuẩn bị hồ sơ thật đầy đủ thì mới có thể đệ đơn kiện.
Theo tính toán kỹ của giới chuyên gia, Việt Nam chưa kiện thì có lợi hơn là kiện, nhất là sau khi PCA đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines vì những lý do sau đây: Phán quyết của PCA ngoài việc bác bỏ “đường lưỡi bò” đã kết luận đích danh rằng Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường Biển Đông; phán quyết của PCA khẳng định các thực thể trên vùng biển tranh chấp không phải là “đảo” mà chỉ là đá, rặng ngầm, bãi cạn, Trung Quốc âm mưu  tạo ra các vùng biển chồng lấn với Việt Nam và các quốc gia khác càng rộng càng tốt, họ luôn muốn biến cái không có tranh chấp thành có tranh chấp để rồi sau đó dùng vũ lực cưỡng chiếm. Vì các lý do trên, chúng ta chưa nhất thiết phải kiện Trung quốc ra PCA lúc này, như TS Lê Hồng Hiệp nhận định “Việt Nam có thể sẽ chưa mở vụ kiện ngay, nhưng vị thế đàm phán của Việt Nam với Trung Quốc đã được tăng lên vì nay Việt Nam đã có sẵn một lựa chọn pháp lý hiệu quả để đối phó với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục gây hấn”.
Do đó, cần nhận thức rõ lợi ích cao nhất của đất nước ta là phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen, trên tinh thần “muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ... Những thành công trong hợp tác quốc tế đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

No comments: