Ngày 2/9, tự nhiên nghĩ về Quốc ca, lần cuối nghe Quốc ca là xem phát lại trên YouTube đoạn kéo cờ phát huy chương vàng cho anh Hoàng Xuân Vinh, từ đấy đến giờ chưa có dịp nghe tiếp vì bận. Mà đang bình thường tự nhiên mở Quốc ca lên nghe thì chắc nửa thiên hạ nhìn mình há hốc mồm, nửa còn lại nhìn quanh tìm chỗ giấu đĩa bay. Yêu nước, cũng phải có dịp.
Mùa Olympic Bắc Kinh 2008 mình chứng kiến một sự vụ khi đi du lịch Hàn Quốc, một nhóm du học sinh người Trung Quốc vẫy cờ, hát quốc ca ầm ĩ để gây sự chú ý nhằm cổ vũ cho Thế Vận Hội ở nước nhà, khiến người bản xứ cảm thấy khó chịu, và đã có cãi nhau khá to với một bên là nhóm du học sinh, bên còn lại nhóm người Hàn và du khách. Đen cho nhóm sinh viên Trung Quốc, trong "phe địch" có một giáo sư của trường đại học họ đang theo học, và nghe đồn, sau đó vài đồng chí to mồm nhất đã được cấp vé hồi hương dài hạn vì dám hỗn với bậc trưởng thượng.
Người Hàn rất hiếu khách, nhưng mọi hành động làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc của họ đều không được dung thứ. Khi quốc ca của một dân tộc được cất lên ngoài ranh giới Đại sứ quán ở một đất nước xa lạ, nó bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa. Nếu một nhóm người Nhật hát quốc ca nước họ ở bờ hồ Hoàn Kiếm chắc chắn sẽ không sao cả, nhưng nếu là người Trung Quốc, thì sẽ rất nhiều sao và có thể là cả răng rơi trên vỉa hè.
Muốn thử sức mạnh mềm của đất nước mình đối với nước khác? Hãy mặc áo in hình quốc kỳ và hát dõng dạc quốc ca ở khu vực đông người qua lại nhất.
Bỏ qua mọi yếu tố chính trị thì có lẽ bản Quốc ca được yêu thích nhất mọi thời đại trên toàn thế giới là Quốc ca thứ 2 và cũng là cuối cùng của Liên Xô, về mặt âm nhạc đơn thuần, thì có lẽ không có đối thủ. Nó vừa du dương, vừa hùng tráng, gần như mê hoặc người nghe, đến mức khối ASEAN - từng một thời là tiền đồn chống cộng thời chiến tranh lạnh, quyết định chôm tầm 90% giai điệu để làm quốc ca của khối. Nước Nga đầy biến động qua gần 3 thập niên, 2 chế độ, người ta kéo đổ tượng lãnh tụ, đập phá di sản Xô Viết nhưng riêng nhạc Quốc ca thì vẫn được trân trọng giữ gìn. Âm nhạc không phân biệt biên giới hay ý thức hệ, những giai điệu được viết bằng máu của chiến tranh Vệ Quốc vẫn vang lên mỗi lần duyệt binh ở Quảng Trường Đỏ, như một minh chứng cho việc người Nga không nhổ bọt vào lịch sử.
Về nguồn gốc của các bài Quốc ca trên thế giới thì có rất nhiều chuyện buồn cười, Quốc Ca Anh được sáng tác bởi một ông người Pháp, còn Quốc ca Mỹ là từ một bài nhạc chế của dân bợm nhậu Anh. Nhưng dù bất kể thế nào, thì cảm xúc của mọi tầng lớp nhân dân dành cho Quốc ca nước mình là mãnh liệt như nhau. Mới đây thôi người ta còn tranh cãi về việc thu phí bản quyền bài Tiến Quân Ca, người thì nói đây là bảo hộ sở hữu trí tuệ theo xu hướng văn minh, kẻ thì bảo đó là hành động BOT cả lịch sử, phe nào cũng có lý, nên chả biết đâu mà lần.
Viettel's Journeys: "Tự hào khi được hát Quốc ca Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới". Chúng tôi tin đó là tình yêu Tổ quốc tự nhiên trong mỗi người Việt Nam dù họ đang sống và làm việc ở đâu trên trái đất này.
Nhưng có một điều 2 phe đều nhất trí cao, đó là Tiến Quân Ca là một ca khúc bất hủ, hay và ý nghĩa. Cho tới hiện tại, chưa có một ca khúc nào thay thế được. Những người lính - nhân vật chính làm nên lời ca của bài hát ngày nay vẫn hăm hở trên chiến trường kinh tế không quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Vẫn có hy sinh mất mát và cả chiến công, họ đang ngày đêm cống hiến trong một cuộc chiến không có kẻ thù - cuộc chiến xây dựng đất nước và mang tầm vóc, trí tuệ Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Một cuộc chiến win-win.
Link để các bạn thưởng thức giai điệu Quốc ca nhân dịp 2/9, thêm tí cảm xúc cho Tết Độc Lập.
https://www.facebook.com/vietteljourney/videos/295286320845548/
No comments:
Post a Comment