2016/09/04

PHƯƠNG PHÁP HỒ CHÍ MINH VỀ TẬP HỢP LỰC LƯỢNG



Phương pháp tập hợp lực lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh việc sử dụng tài tình các phương pháp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Người trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tài sản quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam

Những di sản về tư tưởng và đạo đức, phong cách và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Phương pháp Hồ chí Minh là một cấu thành quan trọng trong di sản mà Người đã để lại cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và phong trào chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên thế giới ở thế kỷ XX. 

Với cái nhìn khái quát, có thể hiểu phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng là cách thức xác định đúng lực lượng cách mạng, vai trò, vị trí từng tầng lớp, giai cấp; xác định nguyên tắc và lựa chọn tổ chức phù hợp, gắn với phát động những phong trào hành động để tiến hành thành công trên hiện thực. Do tính thống nhất cao giữa lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo thực hiện tổ chức xây dựng, đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh, nên các hình thức tổ chức đoàn thể nhân dân và mặt trận tập hợp quần chúng thường phát huy được vị trí, vai trò của mỗi tổ chức trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Chính phủ dân chủ cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch thành lập và ra mắt quốc dân.

Phương pháp tập hợp lực lượng trong thiết kế xây dựng, tổ chức, lãnh đạo và điều hành hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mặt trận Việt Minh từ khi Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên các phương diện tuyên truyền, vận động, tổ chức và xử lý các mối quan hệ, các khác biệt, các mâu thuẫn ở các lực lượng tham gia, cũng như các lực lượng, có tầm ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất trong Mặt trận Việt Minh.

Điều đó cũng phản ánh việc sử dụng tài tình các phương pháp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh trong xây dựng và tập hợp lực lượng tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, một trong những điều kiện quyết định để thực hiện đường lối cách mạng ở Việt Nam đi đến thắng lợi bằng cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Nhớ lại thời kỳ này, trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Những ngày ở Quế Lâm, có lần Bác bàn với chúng tôi: ‘Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Hay là Việt Nam độc lập đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ’. Những ý kiến hồi đó, sau này, được thảo luận tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ tám của Đảng ở Pác Bó”.

Qua những dòng hồi ký trên, ta thấy, cách thức thành lập Mặt trận Việt Minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để đáp ứng vấn đề đoàn kết toàn dân nhằm tạo nên sức mạnh tập trung, thống nhất, mạnh mẽ nhất, đủ sức giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc khi thời cơ đến, một cách khách quan và hình thức ấy phải được bắt nguồn từ nhân dân và tên gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ, dễ tham gia.

Mặt trận Việt Minh (hoặc Việt Minh) là tên gọi tắt của Hội Việt Nam độc lập đồng minh, được thành lập tại Pác Bó (Cao Bằng), ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đó và theo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941), nhằm mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. Hội gồm những thành viên là Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội Cứu quốc như: Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Quân nhân Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Phật giáo Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc… Đây là mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và tôn giáo yêu nước, thành một một lực lượng cách mạng hùng mạnh để chống kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam lúc ấy là thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Tổ chức Mặt trận Việt Minh ra đời cùng việc công bố Chương trình Việt Minh. Tại văn kiện này, Mặt trận Việt Minh đã nêu rõ: “Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho Việt Nam. Sau khi đánh đuổi được đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ, sao vàng năm cánh làm quốc cờ. Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử lên”.

Như vậy, mục đích ra đời của Mặt trận Việt Minh, chẳng những được xác định rõ ràng là chủ trương liên hiệp hết thảy mọi tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại để chống phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam, mà còn xác định mô hình chính thể của Nhà nước Việt Nam mới là thể chế dân chủ cộng hòa, một mô hình nhà nước dân chủ điển hình và phổ thông nhất trên thế giới mà Hồ Chí Minh có điều kiện tiếp cận và giới thiệu rất đặc sắc trong tác phẩm Đường Kách mệnh nổi tiếng của mình.

Trong bản Chương trình Việt Minh này, ngoài mục đích biểu đạt tính quang minh, chính đại của Mặt trận Việt Minh là đoàn kết toàn dân để chống chủ nghĩa phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho nước nhà, còn công bố một lộ trình thiết lập tổ chức bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân mới theo đúng quy trình dân chủ. Đó là Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ do Quốc dân đại hội cử lên.

Nếu so sánh với Chính cương vắn tắt của Đảng (2/1930), sau khi cách mạng thắng lợi sẽ “dựng ra chính phủ công nông binh”, còn trong Chương trình Việt Minh, sau khi đánh đuổi được phát xít Nhật, dự kiến sẽ “lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Ở đây, đã có bước nhảy trong việc dự kiến xác lập mô hình nhà nước của Cách mạng Tháng Mười Nga sang xác định mô hình nhà nước dựa vào chính những điều kiện ở Việt Nam và các nước thuộc địa hay phụ thuộc vào các nước đế quốc thực dân có hoàn cảnh giống Việt Nam.

Bước chuyển sáng tạo của Đảng

Thực tiễn lịch sử của Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã hiện thực hóa những tiến triển trên lộ trình hình thành nhà nước Việt Nam mới bằng việc tổ chức thành công Quốc dân Đại hội Tân Trào (một hình thức tiền Quốc hội) và Quốc dân Đại hội đã bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (một hình thức tiền Chính phủ lâm thời).

Sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam độc lập đồng minh và Chương trình Việt Minh được công bố đã đánh dấu bước chuyển biến chiến lược của cách mạng Việt Nam trên cả hai phương diện, chủ trương, đường lối cách mạng và hệ thống cơ cấu tổ chức của Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Việt Nam từ đây đã tự nguyện và cương quyết đứng vào phe Đồng Minh trên Thế chiến IIi, chống phát xít Nhật để giải phóng dân tộc và xây nền dân chủ nhân dân, sau khi thắng lợi.

Ngay sau việc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám và Mặt trận Việt Minh ra đời, ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc đã viết kính cáo đồng bào gửi toàn thể dân chúng. Ở bức tâm thư này, dân ta thấy một nhà cách mạng Việt Nam đầy lòng tâm huyết trước vận mệnh nước nhà đang trong cảnh “một cổ đôi tròng” trước họa phát xít, thực dân. Dân ta thấy một quyết tâm lớn lao cùng đồng bào đoàn kết lại để phá bỏ gông cùm thoát đời nô lệ.

Và hơn nữa, chúng ta thấy, Nguyễn Ái Quốc - tác giả bức thư Kính cáo đồng bào là người không chỉ mẫn tiệp về thời cuộc, mà còn nhà có phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng với quan điểm “lấy dân làm gốc” và “lấy quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy” để đoàn kết toàn dân tạo một sức mạnh to lớn của người Việt để đánh đuổi Pháp, Nhật, giành lại non sông đất nước tươi đẹp mà tổ tiên để lại.

Mở đầu tâm thư, Người kêu gọi:

“Hỡi các bậc phụ huynh!
Hỡi các bậc hiền nhân, chí sĩ!
Hỡi các bạn, sĩ, nông, công, thương!

Pháp đã mất nước cho Đức. Thế và lực của chúng ở ta đã điêu tàn. Song đối với chúng ta, chúng tăng sưu, tăng thuế để vơ vét tài sản. Chúng khủng bố trắng để giết hại nhân dân. Đối với ngoài, chúng im hơi lặng tiếng, cắt đất cho Xiêm, chúng quỳ gối chắp tay đầu hàng Nhật Bản. Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật.

Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không?

Không, quyết không! Hơn 20 mươi triệu con Lạc cháu Hồng không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!”.

Là người bôn ba tìm đường cứu nước ròng rã 30 năm trời ở khắp các xứ người, nhưng ngay khi về nước, đối tượng nhân dân mà tác giả Nguyễn Ái Quốc kêu gọi lại là các bậc phụ huynh, các bậc hiền nhân, chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương. Điều này cho thấy, chắc chắn, tác giả của Kính cáo đồng bào không chỉ là nhà cách mạng vô sản đơn thuần với lý luận đấu tranh giai cấp biết quan tâm đến các giai tầng để tranh thủ lực lượng cho cuộc đấu tranh một mất một còn với chủ nghĩa tư bản.

Xét về mặt nội dung, Kính cáo đồng bào không chỉ là một bức thư tâm huyết có tính chất cá nhân Nguyễn Ái Quốc bá cáo trước đồng bào về tình hình đất nước trước thời cơ giải phóng dân tộc đang tới, mà còn là văn bản mang tính tuyên ngôn tập hợp lực lượng của Mặt trận Việt Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 sau này.

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh và Chương trình Việt Minh gắn liền với sự chỉ đạo trực tiếp ở trong nước của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đánh dấu bước chuyển quan trọng của cách mạng Việt Nam ở thời kỳ chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ cách mạng, khởi nghĩa võ trang, xây dựng chính quyền cách mạng ở những địa phương có điều kiện thuận lợi để chuyển sang tổng khởi nghĩa trên toàn quốc khi thời cơ chín muồi để giành chính quyền trong toàn quốc.

Tìm hiểu phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng trong cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng, giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của phương pháp này là phải nắm vững và dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, phải có chiến lược đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là việc Mặt trận Tổ quốc phải biết phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí của toàn dân trong đấu tranh giành độc lập và cả trong xây dựng chế độ mới, với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(*) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Trần Phương (*)

No comments: