2016/05/11

Nhìn nhận thế nào qua vụ Mỹ Uyên "bị đánh"

Mõ Làng


Cộng đồng mạng lại bị lôi cuốn vào vụ "Mỹ Uyên bị công an đánh" với hai tuyến đối lập. 

Một phía cho rằng Mỹ Uyên là người tử tế và đang thực hiện quyền công dân chính đáng nhưng cô ấy bị người của công an đánh, đấy là hành động bạo quyền, đàn áp dân chủ.

Một phía thì cho rằng Mỹ Uyên không hề tử tế như người ta tưởng, cô ấy đã lạm dụng quyền công dân, chẳng ai đánh cô ấy cả mà do chen lấn, xô đẩy gây nên, cô ấy đã bị ai đó lợi dụng, dàn dựng để vu cáo chính quyền.

Cả hai bên đều đưa ra bằng chứng của mình về phẩm chất đạo đức, lối sống trong quá khứ và hện tại cùng clip tại chỗ của cuộc biểu tình dẫn đến thương tích. Cứ xem và nghe một phía thì quả thật rất dễ đồng quan điểm với bên này hay bên kia. Vậy nên cuộc khẩu chiến dường như không thể dừng lại.

Người ta nói, cộng đồng mạng "vừa ngây thơ vừa mất dạy" quả không oan qua những phân tích sau đây:

Thứ nhất, quá khứ của Mỹ Uyên có tử tế hay không có gì là quan trọng khi cô ấy đang thực hiện hành động biểu thị thái độ của mình đối với môi trường (cá chết). Nếu như quá khứ cô ấy có con ngoài giá thú với ai, có làm từ thiện bằng biếu không bánh mỳ cho ai chắc không phải là động lực cho sự phản kháng hôm nay. Soi mói hoặc kể lể quá khứ để suy đoán hành vị trực tiếp hôm nay chẳng vô tư tí nào.

Thứ hai, nhìn cái ảnh Mỹ Uyên bị thương tích, ôm con mếu máo giữa đám đông mà khẳng định bị Công an đánh, trong lúc các clip quay trực tiếp và ảnh chụp của cả hai bên đều không mô tả được sự thật đó thì đó chỉ là suy đoán, nó không phải là thông tin sự thật nên biểu thị cảm xúc qua suy đoán là "ngây thơ và mất dạy". Chúng ta, những người tử tế, có trách nhiệm không thể và không nên có lối hành động như vậy.

Thứ ba, biểu thị thái độ của mình về một vấn đề nào đó của đất nước bằng biểu tình là hành vi chính đáng, được Hiến Pháp công nhận là một trong những quyền của công dân. Tuy nhiên, cách thức biểu thị phải thượng tôn pháp luật, phải văn minh.

Pháp luật hiện tại tuy chưa có riêng Luật về Biểu tình nhưng trong Hiến Pháp bên cạnh công nhận quyền công dân còn có quy định những nghĩa vụ phải tôn trọng khi thực hiện các quyền đó. Không được lạm quyền cá nhân mà làm cản trở, ảnh hưởng đến các quyền khác của cộng đồng. Nghị định 38 của Chính phủ là văn bản pháp luật dùng để điều chỉnh hoạt động "tụ tập đông người". Biểu tình hay tuần hành không thể nói là không có tụ tập đông người nên không thể không tôn trọng những quy định trong Nghị định 38.

Thứ tư, thực tế các cuộc biểu tình, tuần hành trong những năm qua và trong vụ "cá chết" vừa rồi đều không tuân thủ, tôn trọng luật pháp bởi chẳng ai xin phép. Khi cuộc tụ tập diễn ra đều có chuyện vi phạm những quy định về trật tự công cộng, chẳng hạn như gây cản trở giao thông, tùy tiện trong định địa điểm. Không báo trước về nội dung, mục đích và thường có nhiều nội dung, mục đích trong mỗi lần xuống đường. "Trường Sa, Hoàng Sa, dân oan, cây xanh, tù nhân lương tâm, cá chết, tôn giáo..." cứ loạn hết lên như một mớ tạp pí lù, chẳng rõ cái nào là nguyện vọng của ai, đề đạt với ai, chẳng giống ai. Cuối cùng chỉ làm cho chính quyền cảm nhận thấy đó là những cái cớ cho một mục đích làm rối loạn xã hội nên phải huy động lực lượng để phòng ngừa.

Những người tham gia các cuộc tụ tập, tuần hành đều ngụy biện rằng, "có xin phép thì cũng chẳng ai cho" nên họ không làm. Chưa làm nhưng lại nói là không ai cho thì đấy là không trung thực, vu cáo, lại còn thổi phồng vấn đề lên là kích động.

Thứ năm, mỗi khi tụ tập, tuần hành tự phát là không có ai làm chủ, điều khiển đám đông nên thường vi phạm những cấm kị dẫn đến xung đột với lực lượng đảm bảo an ninh trật tự do có những hành vi quá khích, quá giới hạn quyền công dân. Đám đông có thể mất kiểm soát, bất tuân luật pháp dẫn đến va chạm, xô xát, bạo lực. Chuyện bị thương là không tránh khỏi và không thể coi đó là cố tình đàn áp, sử dụng bạo lực được.

Nếu như cuộc tụ tập, tuần hành được báo trước, được quy định địa điểm tụ tập, giới hạn tuần hành, nội dung biểu thị thì chắc hẳn sẽ không có xung đột, thậm chí những người biểu tình sẽ còn được trợ giúp, hướng dẫn từ phía chính quyền. Vì thế cả hai phía đều thực hiện được mục đích mà không phải "vất vả đối phó".

Trở lại chuyện cô Mỹ Uyên, nếu hôm đó các bạn tôn trọng những điều nói trên chắc sẽ không có những xô đẩy như trong các clip mà cả hai phía đưa ra. Cô Mỹ Uyên có thể diện áo đẹp, công kênh con trẻ trên vai, dương cao biểu ngữ như người đẹp này mà không bị ai làm mình bị thương cả.

Còn cư dân mạng cứ gào lên vào hùa với những luận điểm vô căn cứ rồi bị kích động thì đó là "vừa ngây thơ vừa mất dạy".

No comments: