2016/05/25

NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NHỮNG ẨN Ý ĐẰNG SAU BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG B. OBAMA (Phần 1)

Tổng thống Obama (Nguồn: Internet). 
Trong chuyến thăm 03 ngày tại Việt Nam, người đứng đầu Nhà Trắng đã để lại không ít những ấn tượng cho người dân Việt Nam. Với cá nhân người viết thì đó chính là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ trước đông đảo sinh viên, trí thức Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trong đó, ngoài những ấn tượng đến từ việc bài phát biểu sử dụng khá đậm đặc các vốn văn hóa Việt Nam thì cách sử dụng sử dụng yếu tố văn hóa Việt đã khiến nhiều người bất ngờ. 
Trước khi nói tới những ẩn ý và cách hiểu đằng sau những chi tiết đậm đà phong cách Việt, xin được nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất, những nét văn hóa Việt được các nhà lãnh đạo Mỹ viện dẫn trong các bài phát biểu của mình. 
Đầu tiên phải kể đến chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam (sau năm 1975) vào tháng 11/2000. Thời điểm đó, để đánh dấu chặng đường 05 năm Việt - Mỹ chính thức tiến tới bình thường hóa quan hệ, người đứng đầu Nhà Trắng đã đọc 02 câu Kiều: "Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Và với sự dễ hiểu thường thấy trong Truyện Kiều thì không quá khó để hiểu Tổng thống Mỹ muốn nói gì qua 02 câu Kiều này. 
Cứ ngỡ rằng, sau Tổng thống Bill Clinton sẽ không có chính khách nào đến từ Mỹ tiếp tục lẩy Kiều và sử dụng Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du trong các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thì trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 07/2015, một chính khách của Mỹ là Phó Tổng thống Joe Biden đã khiến nhiều người Việt phải thán phục khi lẩy Kiều một cách tinh tế, ý nghĩa cũng với 02 câu thơ trong kiệt tác Truyện Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". 

Và hôm nay, trong cuộc nói chuyện với 4000 khách mời là sinh viên, trí thức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội, Tổng thống B. Obama tiếp tục lẩy Kiều với 02 câu thơ mà nếu xét về mặt ý nghĩa thì nó không kém với 02 câu Kiều khác đã được Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden đã từng đọc trước đó: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” để thay cho lời tạm biệt, kết thúc bài nói chuyện. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn ở tổng thống Obama là ông không chỉ cho thấy sự tinh tế trong lẩy Kiều mà ông còn hiểu về những tác phẩm văn học kinh điển trước và sau Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt và bài hát của Nhạc sỹ Văn Cao) và cái đặc sắc chính là cách sử dụng, vận dụng các tư liệu này vào bài nói chuyện. 
Và xin thưa rằng, với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ đội ngũ giúp việc của mình, đương nhiên những chi tiết hết sức thú vị trong bài phát biểu của Tổng thống Obama là vô nghĩa hay có chăng chỉ cho thấy ông am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt (Để tìm hiểu về công đoạn để có bài phát biểu của Tổng thống Mỹ xin xem thêm: Tại đây). 
1. Về hai câu thơ trong bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời". 
Có lẽ đây là điều làm nên sự đặc biệt của tổng thống đương nhiệm so với các người tiền nhiệm và các chính khách Mỹ trước đó trong mối quan hệ với Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua không ít những thăng trầm với những cuộc xâm lược triền miên của các thế lực ngoại bang bên ngoài. 1000 năm xâm lược và đô hộ của các thế lực phương Bắc có thể xem là điển hình của sự thăng trầm đó. Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam chưa bao giờ gục ngã và chấm dứt khát vọng độc lập, làm chủ chính mình. 
Trước Lý Thường Kiệt, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận không ít những cuộc khởi nghĩa chống lại ách độ hộ của các thế lực phương Bắc và không ít những cuộc khởi nghĩa đó đã thành công, khiến kẻ thù phải rút lui. Song điểm đặc biệt ở cuộc kháng chiến chống Quân Tống xâm lược của Vua - tôi nhà Lý chính là việc dù chỉ là một viên tướng thôi nhưng khi đánh thắng giặc Lý Thường Kiệt đã biết xác lập chủ quyền của dân tộc mình. Bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" của ông vì thế đã vượt qua giới hạn của một áng văn bình thường để được xem là Tuyên ngôn đầu tiên của người Việt về chủ quyền lãnh thổ mà những bản Tuyên ngôn sau đó đã kế thừa và phát triển phù hợp với bối cảnh lịch sử, xu thế của thời đại. 
Nhắc lại "Bản tuyên ngôn" đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong bài diễn văn của mình, người đứng đầu Nhà Trắng muốn nói gì? Nhiều người cho rằng, đó là một lời nhắc nhở hết sức tế nhị của người Mỹ dành cho Nhà nước, người dân Việt Nam ở bối cảnh hiện tại. Người viết cho rằng, đây cũng là một ý kiến hoàn toàn đúng trong thời điểm Biển Đông vẫn đang trong tình trạng tranh chấp giữa các quốc gia trong đó có Việt Nam; mộng bá quyền của Trung Quốc cũng chưa bao giờ có dấu hiệu giảm sút dù Philipin đã chính thức khởi kiện nước này ra Tòa án trọng tài Quốc tế tại Lahay (Hà Lan). 
Song, xem chừng hiểu như thế thì mới được một nửa trong ẩn ý muốn nói của Tổng thống B. Obama trong trường hợp này. Như trên đã chỉ ra, sở dĩ người ta ca ngợi Lý Thường Kiệt bởi ông đã biết xác lập chủ quyền khi giành thắng lợi. Và xin thưa rằng, việc xác lập chủ quyền đâu chỉ đợi đến thắng lợi mới tiến hành? Có chăng nó chỉ không xác lập được một khi thua trận hoặc bị xâm lược hoàn toàn, còn tình trạng đang tranh chấp hay giằng co thì đều có thể xác lập. 
Nói như thế để thấy rằng, cái đang thiếu trong quá trình giải quyết, khẳng định chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông hiện tại chính là việc xác lập chủ quyền chứ không phải là sử dụng vũ khí hay một phương tiện gì đó đủ sức để khuất phục và buộc Trung Quốc từ bỏ giấc mộng độc chiếm Biển Đông. Tôi tin chắc rằng sẽ có người nói rằng, việc xác lập chủ quyền đã được Việt Nam thực hiện từ lâu thông qua những gì mà các cơ quan hữu trách đã công bố qua các cuộc triển lãm, trưng bày trước đây.... song dường như đó là vấn đề của quá khứ và đối với việc giải quyết tranh chấp đang có thì xác lập trong bối cảnh hiện nay mới là điều quan trọng nhất. 
Và phải chăng việc xác lập chủ quyền trên biển Đông hiện tại là những lời đao to búa lớn của nhà chức trách thông qua những phát ngôn? Thì xin thưa rằng, đó cũng là một phần chứ chưa phải tất cả. Chủ thể thực hiện điều này cũng không đơn thuần chỉ là nhà chức trách mà phải cả người dân cùng vào cuộc. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm trong chính sách tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển vừa qua có thể xem là một sự kết hợp thực sự hoàn hảo, tuy nhiên việc thực hiện chưa nhiều, chưa phổ biến khiến cho chủ trương trên chưa thực sự phát huy cao nhất trong góp phần xác lập chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông! 
Xin được trở lại 02 nội dung ấn tượng tiếp theo trong bài phát biểu của Tổng thống B. Obama ở Entry sau!
An Chiến

No comments: