2016/05/29

Vì sao 16 năm sau ông Obama mới ngấm ý tứ sâu xa của thơ ca Việt

Mõ Làng

Trong bài phát biểu được cho là "chạm tới trái tim", thính giả người Việt ai cũng hào hứng, thú vị khi nghe vị tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ diễn thuyết bằng những câu thơ được trích dẫn từ những tác giả nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng chính trị trong nền thơ ca Việt. Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Thích Nhất Hạnh, Văn Cao, Trịnh Công Sơn mỗi người một sắc màu nhưng tất cả đều tụ về một điểm hãy vì đất nước này mà mở rộng vòng tay bè bạn. Ý tứ đó đã được ông Obama dùng để kêu gọi hành động làm thay đổi tình bang giao Việt - Mỹ.
Còn nhớ, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2000 (cách nay đã 16 năm) với vai trò Tổng thống Mỹ, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để diễn tả về thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”
TT Clinton còn nói thêm: "Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này. Tôi muốn các bạn cùng tôi nâng cốc chức mừng ngài chủ tịch nước, phu nhân của ngài và nhân dân của đất nước vĩ đại này cũng như tình hữu nghị trong tương lai giữa hai nước chúng ta….”
Nay đã 16 năm, một Tổng thống khác của nước Mỹ, ông Obama lại khiến người Việt Nam xúc động khi nói lại tinh thần đó bằng cách dẫn ra 2 câu trong hai bài hát của hai nhạc sỹ được người Việt yêu thích, Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Ông nói: "Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”. "Như Trịnh Công Sơn đã viết “Nối vòng tay lớn”, người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau."

16 năm chúng ta lại bắt đầu ở điểm xuất phát "từ nay người biết thương người", liệu có quá chậm trễ và vì đâu nên nỗi.

Chậm trễ thì đã quá rõ, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ người Việt với người Mỹ mới có đủ lòng tin để "nối vòng tay lớn" bằng một lệnh bãi bỏ cấm vận vũ khí có tính biểu tượng. 20 năm qua, người Việt luôn cảm nhận thấy nguy cơ nhiều hơn là cơ hội từ phía Mỹ qua những tuyên ngôn, hành động của những nghị sỹ cực đoan và những công dân Mỹ gốc Việt di tản thâm thù cộng sản. Thậm chí là từ chính ông Obama khi mà ông ấy đã thái quá khi cổ vũ cho những tư tưởng, con người chống đối chế độ dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền.

Giới chức Mỹ, cơ quan tình báo, ngoại giao Mỹ quá biết về những con người như Huệ Chi, Quang A, Xuân Diện, Bích Phượng, Lân Thắng... không hề là đại diện cho một tổ chức "đối lập", "xã hội dân sự" nào cả. Họ chỉ là những cá nhân dùng hành động "đối đầu" để chứng tỏ sự "đối lập" mà không cần chủ thuyết nào, không cần giác ngộ ai, tập hợp ai để tạo dựng một lực lượng chính trị. Vậy nhưng họ luôn được chính giới Mỹ quan tâm, hỗ trợ vì họ có khả năng kích động chống đối, kích động bạo động. Hành xử ấy đã nới lỏng vòng tay của người Việt bấy lâu nay.

Rõ ràng, người Việt mặc dù luôn phải chịu áp lực từ những việc làm đó của phía Mỹ nhưng họ vẫn luôn mở lòng bao dung với một cựu thù. Các chính khách Việt đến Mỹ như con thoi với những thông điệp cầu thị. Những người dân Việt đón chào tổng thống Mỹ đến thăm bằng thái độ thân thiện, cởi mở hiếm có. Thế thì sự chậm trễ đến từ đâu?

Nó đến trễ do từ nhận thức và chủ ý của người Mỹ. 16 năm sau vị tổng thống của hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới hiểu ý tứ bài thơ “Nam quốc sơn hà” nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời”. Vậy mà họ đã cố công thúc đẩy một sự thay đổi theo kiểu mà họ muốn suốt 16 năm qua nhưng không thành công.
Bây giờ, vị tổng thống của hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới thừa nhận chân lý  "đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng “Muốn đối thoại, cả hai bên phải thay đổi”. Tuy nhiên, đấy là cảm nhận của ông Obama mà thôi chứ với người Việt thì ông thấy đấy "cởi mở và thân thiện", chỉ cần người Mỹ thành thật.

Chúng tôi tin những gì mà ông Tổng thống đã bộc bạch qua hai câu thơ của Nguyễn Du: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi" mặc dầu nó quá muộn phải không ông.

Ông đã tạo dựng được một hình ảnh rất đẹp trong tâm thức người Việt bằng những cử chỉ, lời nói bình dân. Và ông cũng đã cảm nhận được "Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim tôi". Mong rằng ông và người Mỹ hành xử đúng đắn vì lòng tin, vì một "vòng tay lớn".

No comments: