Trước Nhà hát lớn Hà Nội
Sau
hôm xuống đường tự phát với chủ đề "cá chết" vào ngày 1/5 ở hai đầu đất
nước Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngày hôm nay (8/5) ở TP Hồ Chí Minh lại
tái diễn tụ tập, diễu hành về chủ đề đó. Và xem ra nó chưa dừng lại qua
những gì được cảm nhận trên mạng xã hội.
Thực
ra, những gì diễn ra cho thấy số lượng người tham gia tụ tập, tuần hành
là không nhiều và với những gương mặt quá quen thuộc. Đám đông thì lớn
nhưng người tò mò dừng lại xem, người bị tắc đường, người giữ trật tự
đông gấp bội. Đã có một vài xô xát, xung đột chẳng rõ nguyên nhân và ai
là người khơi mào nhưng thấy máu chảy là "rơi lệ".
Nhìn
sự vất vả của lực lượng đảm bảo ANTT và sự hung hăng của những người có
chủ đích gây rối mà chúng tôi ước có một Luật Biểu tình.
Cách
đây 2 năm, trong buổi thảo luận ở tổ chiều ngày 24/5/2014 của đoàn đại
biểu TP Hồ Chí Minh, ông Trương Trọng Nghĩa đã nói: “Tôi đề nghị đưa
Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình xây dựng luật và
pháp lệnh năm 2014. Vấn đề biểu tình đã được đề cập từ Hiến pháp năm
1946 và Hiến pháp 1992". Hiến Pháp năm 2015 cũng đã khẳng định lại quyền
biểu tình của công dân. Chương trình làm luật của Quốc Hội khóa XII
cũng đã đưa Luật Biểu tình vào nội dung nghị sự, nhưng rồi lại lỡ nhịp.
Đúng
như vậy “Vấn đề biểu tình đã được đề cập từ Hiến pháp năm 1946”. Ngay
sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh
đã kí Sắc lệnh 31 ngày 13/9/1945, trong đó quy định "Điều thứ 1: Những
cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban
nhân dân sở tại". Sắc lệnh này ra đời chỉ sau ngày khai sinh nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có 11 ngày, trong bối cảnh tình hình lúc đó còn
rất rối ren.
Chưa
có Luật Biểu tình để định rõ từ khái niệm, phạm vi điều chỉnh và chế
tài... nên thực tế xử lí vấn đề này thời gian qua là khá lúng túng. Tiếp
xúc với những lực lượng đảm bảo ANTT trong các cuộc tụ tập đông người
gần đây thấy rõ một vấn đề là, chính lực lượng này mong muốn có một luật
biểu tình để chủ động, tự tin hơn trong thực thi nhiệm vụ.
Hiện
nay, xử lí vấn đề tụ tập đông người vẫn dựa vào Nghị định 38/2005/NĐ-CP
có từ năm 2005. Tuy nhiên, trong Nghị định 38 không có định nghĩa từ
ngữ về “biểu tình”. Nghị định 38 chỉ quy định về việc xử lí hành vi "tụ
tập đông người", trong lúc các hình thức, mục đích tụ tập đông người rất
đa dạng như: mít tin, bãi công đòi quyền lợi, thi thể thao, biểu diễn
nghệ thuật, cho đến tụ tập đua xe, dã ngoại tập thể...
Khái
niệm biểu tình được từ điển định nghĩa là “Hình thức đấu tranh của quần
chúng tụ họp lại ở một nơi hoặc đi diễu ngoài đường để biểu dương lực
lượng hay để bày tỏ một ý muốn nào đó". Biểu tình thường gắn với vấn đề
chính trị.
Nhìn
vào thực tế những năm qua, vấn đề biểu tình đang đặt ra nhiều câu hỏi
về cách ứng xử như: Cấp phép cho những cuộc biểu tình. Xử lí những vi
phạm khi người tham gia biểu tình vượt quá quyền hạn, vi phạm pháp luật.
Ví như, tụ tập ở những nơi chính quyền không mong muốn; tự phát không
có người đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm; đưa ra những nội dung không
phù hợp với mục đích; làm ách tắc giao thông; đập phá những thứ không
phải sở hữu của mình; gây gổ, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn
trật tự…
Chế
tài mà Nghị định 38 cho phép cao nhất cũng chỉ là cưỡng chế người biểu
tình về nơi sinh sống. Những vi phạm pháp luật khác có thể bắt, xử lí
theo dấu hiệu phạm tội quả tang nhưng luôn bị áp lực bởi nó diễn ra lúc
đông người, gắn với sự kiện biểu tình, nên rất dễ bị xuyên tạc, bóp
méo.
Đa
phần các cuộc tụ tập có tính biểu tình gần đây, khi được khống chế
không gian diễn ra, tuyến di chuyển thì không có hiện tượng xung đột
căng thẳng giữa người biểu tình với lực lượng giữ gìn trật tự. Và khi
đạt được mục đích nhất định, đám đông cũng tự giải tán. Tuy nhiên, do
không có tổ chức nên một số người đã có lời nói, in những băng rôn, khẩu
hiệu, tờ rơi phản cảm, cố tình gây gổ với lực lượng công an, nhưng
không thể xử lí được do Nghị định 38 không có chế tài xử lí đối với
những vi phạm như vậy.
Nhiều
ý kiến từ phía lực lượng giữ gìn trật tự cho rằng, nếu có một không
gian cố định (chẳng hạn một công viên nào đó) cho các hoạt động biểu
tình, tụ tập đông người diễn ra thì việc kiểm soát dễ dàng hơn, không
tạo ra căng thẳng không cần thiết. Nếu có chế tài quy định xử lí đối với
những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của người biểu tình thì mọi
việc dễ dàng hơn.
Bối
cảnh mới rất cần có "văn minh biểu tình" đồng thời cũng cần có "uy
quyền của pháp luật" để xử lý xung đột xã hội, không bị kẻ xấu lợi dụng
tạo biến động, bạo động chính trị.
No comments:
Post a Comment