2015/10/21

HẠT GIỐNG ĐỎ VÀ NHỮNG KỲ VỌNG

Hạt giống đỏ và những kỳ vọng


Những ngày qua, khi Đại hội Đảng bộ một số tỉnh thành bế mạc, công bố Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, dư luận đặc biệt quan tâm đến những gương mặt mới trong cơ cấu lãnh đạo, đặc biệt những người trẻ tuổi được bầu vào những vị trí quan trọng.

Bởi trước đó, một trong những nhân vật gây ra bão dư luận. Đó là ông Lê Phước Hoài Bảo,(sinh năm 1985), Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng nam trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, nhiệm kỳ 2015-2020. dư luận xôn xao vì đường quan lộ của ông này quá thênh thang, trên con đường danh vọng lúc ông tròn 30 tuổi, lại là con trai của Bí thư Tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh. Rồi kết quả đại hội đảng ở các tỉnh thành lần lượt được thông báo. Một dàn danh sách cán bộ trẻ được công bố.

Theo thông tin Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng ngày 16.10 đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng giữ chức Bí thư, thay ông Trần Thọ. Đến thời điểm này, có thể nói ông Nguyễn Xuân Anh là Bí thư Thành ủy trẻ nhất nước. Điều mà người ta quan tâm ông Cảnh lại là con ông Nguyễn văn Chi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Cũng ở Đà nẵng người cũng được nhắc nhiều là ông Nguyễn Bá Cảnh. Sinh năm 1983, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, đã được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những thông tin từ các Đại hội Đảng bộ tỉnh thành được người dân hết sức chú ý. Sự quan tâm ấy, chỉ vì họ muốn biết ai sẽ là người đứng đầu bộ máy lãnh đạo ở địa phương mình có những gì khác biệt. Chính vì vậy, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang công bố danh sách Ban Chấp hành mới, người ta lại thấy một nhân vật trẻ nữa là ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, đạt 226/320 phiếu, xếp thứ 49/52 ứng viên được bầu. Nhiều người còn biết ông là con trai ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này

Người được chú ý tiếp theo là ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi lại cũng là con trai của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng. Tiến sĩ khoa học xây dựng, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Ông Nghị vừa được bầu vào cương vị mới quan trọng hơn, là Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang

Một nhân vật khác từng thu hút sự chú ý của dư luận đó là ông Nguyễn Minh Triết sinh năm 1990, là con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã từng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh quốc. Ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Định, được coi là Tỉnh ủy viên trẻ nhất nước khi mới 25 tuổi

Trước tiên phải ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt của các Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở. Họ đã hết sức công tâm, thay mặt người dân, tín nhiệm chọn ra những người đủ sức, đủ tài, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.

Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít ý kiến ì xèo cho rằng, cán bộ trẻ mới được đề bạt, bổ nhiệm là do mối quan hệ. Dư luận xã hội không phải không có lý, nhưng đôi khi cũng làm vấn đề trở nên phức tạp, có những suy diễn lệch lạc. Bởi một số người được bổ nhiệm là những gương mặt mới, họ có tuổi đời còn rất trẻ và điều nhạy cảm nhất họ là con của các cán bộ cao cấp ở một số địa phương và cả Trung ương

Họ là ai? họ là con của những người CS đã từng hoạt động CM.thế nên các đại biểu muốn gửi gắm niềm tin vào họ để hy vọng “Bố nào con ấy, hay nòi nào giống ấy”. thế nên “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Họ là những người con, em của những cán bộ cách mạng được (nếu được cho là chân chính), bởi họ được sống, rèn luyện trong môi trường CM, một gia đình có truyền thống CM họ có kỳ vọng tiếp tục phấn đấu để noi gương bố, mẹ, cha, anh và cả các thế hệ đi trước, để trở thành những người con “hiền tài” có ích cho tổ quốc, cho Nhân dân, cống hiến tài năng cho đất nước đó là điều đáng mừng. Do đó, khách quan mà nói, cần có cái nhìn công bằng hơn, đừng vì cảm tính mà cần công tâm hơn, trong công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt là con em cán bộ CM.

Nghĩ đến điều này có nhiều người nghĩ đến cách đây 61 năm(1954) của thế kỷ trước đảng và Bác Hồ đã nhìn xa trông rộng, Có tầm nhìn chiến lược về công tác đào tạo CB, quan tâm đến thế hệ trẻ là con em các đồng chí CM, để phụng sự đất nước sau này. Họ được ví như các hạt giống đỏ, được gieo trên nền tảng của truyền thống CM đỏ, vì thế lần đầu tiên sau kháng chiến, Ngày 10/9/1954 có 100(62 nam,38 nữ)họ đều là những Thiếu niên ưu tú, con em của những người cộng sản đầu tiên, con của các Liệt sỹ, các chỉ huy quân đội, những người đang nắm vận mệnh quốc gia lúc bấy giờ như: Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Đặng Việt Châu, Lê Trọng Tấn, Trần Huy Liệu……..được đưa sang Liên xô để học tập, tiếp sau đó hàng nghìn cán bộ trẻ tiếp theo được đưa sang Trung quốc, Liên xô và đặc biệt cũng năm 1954 hàng vạn con em cán bộ CM người miền Nam được tập kết ra Bắc để học tập, đào tạo nguồn là những hạt giống đỏ cho CM miền Nam sau này. Rồi các trường Thiếu Sinh Quân được mở ra, đào tạo hàng nghìn hạt giống đỏ nay đã là những Sỹ quan chủ chốt trong Quân đội Nhân dân VN.

Những hạt giống đỏ kể trên họ được đào tạo, học tập, rèn luyện cơ bản trong một môi trường cách mạng vì thế hầu hết họ mang trong người phẩm chất, nghĩa khí và truyền thống của “con nhà nòi CM”, dòng máu “vừa hồng, vừa chuyên” của người chiến sỹ CS, họ đã đi khắp chiến trường, mọi nẻo đường của tổ quốc, mọi lĩnh vực công tác để cống hiến tài năng, bảo vệ thành quả cách mạng mà cha ông họ đã để lại, đó là một điều đáng quý, rất đáng được ghi nhận vì thế không nên phải quá lăn tăn, lo ngại thái quá, để phản bác, để bôi bác “con quan rồi lại làm quan……..” rồi đưa ra những phê phán thiếu tính chất xây dựng.

Tuy nhiên cần phải nói rõ điều này, sẽ hoàn toàn ngược lại, nếu đưa vào những cán bộ là con em những cán bộ cao cấp không có ý thức chính trị, không được học hành tới nơi, tới chốn, không có tâm, không có tầm, thiếu cả đức, không đủ tài đó là thảm họa khôn lường cho đất nước.

Vì thế cần khẳng định. Nếu để lọt vào bộ máy lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương những người không đủ đức, không đủ tài, thì cơ quan tổ chức, những người làm công tác nhân sự từ dưới lên trên, cũng phải suy nghĩ lại việc làm vô trách nhiệm của mình với đất nước. Có người nói “Chúng ta có thể chết đi, nhưng lịch sử không bao giờ chết. Lịch sử sẽ xem xét một cách nghiêm túc, khách quan, công bằng, công khai tất cả những ai hiền tài thật sự hết lòng vì nước vì dân” thời gian qua đã trả lời và chúng ta cũng đã đều biết.

Vì thế các cán bộ trẻ vừa được được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng lần này, họ cần phải xác định. Đây là một điều vinh dự, niềm tự hào của bản thân và gia đình vì thế đây cũng là áp lực nặng nề, vừa là hồi chuông cảnh tỉnh để nhắc nhở những người cán bộ trẻ, con của các nhà lãnh đạo cao cấp vừa được bầu, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao, họ phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hết sức, để phụng sự tổ quốc và nhân dân. Thời gian sẽ chứng minh cho chúng ta thấy, cán bộ tốt, xấu sẽ được thể hiện như thế nào? Và người dân có quyền kỳ vọng ở những cán bộ trẻ, với truyền thống CM của gia đình, “nòi nào giống ấy” sẽ được phát huy, chứ không phải (con quan rồi lại làm quan). Để hiền tài của đất nước là các hạt giống đỏ được thể hiện, để không phụ lòng tin của người dân, gia đình và người thân đã gửi gắm niềm tin vào họ, trong niềm tự hào chứ không phải là nỗi thất vọng?

Tuy nhiên một điều cần đáng nói nữa, thời gian(xưa và nay) đã quá xa và cách nhìn nhận CM của từng thời kỳ đã khác, nên cách đánh giá cũng có nhiều thay đổi, quan niệm hạt giống đỏ hình như chưa được khách quan cho lắm, nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp vì vậy vấn đề đề bạt, bổ nhiệm cần phải làm nghiêm túc, làm công tác cán bộ phải dân chủ thực sự, chứ không được hình thức.

Để chọn được người tài, người lãnh đạo, các tổ chức Đảng, chính quyền phải hết sức công tâm, vô tư, công khai minh bạch. Bên cạnh hình thức bầu cử, nên thực hiện thi tuyển lãnh đạo và cần nhân rộng hình thức này. Hai hình thức tuyển chọn cán bộ này phải được tiến hành song song. Mặt khác, đối với công tác cán bộ, quan tâm đến hạt giống đỏ đó cũng là nguyện vọng chính đáng mang tầm chiến lược. Song theo thời gian cũng cần hạn chế dần những phân biệt bất công trong đối xử là con cán bộ, hay con nông dân. Đã là hiền tài, nhân tài của đất nước, thì đó cũng là tài sản chung của quốc gia, đó cũng là nguyên khí quốc gia, sức mạnh trường tồn của một dân tộc khi lắm hiền tài được trọng dụng. Vì thế hiền, tài dù họ là ai cũng phải được đối xử công bằng. Đồng thời cần kiên quyết, mạnh tay loại bỏ nhóm lợi ích tác động vào việc thi cử, bầu cử, với mục đích xấu xa, nhằm thu vén, mưu lợi cá nhân làm hại cho đất nước, có tội với lịch sử, có tội với non sông đất nước.

Vì thế những người được bầu, bổ nhiệm không cứ ở nhiệm kỳ này mà tất cả các nhiệm kỳ tiếp theo phải thực sự là những cán bộ chân chính, có ý thức chính trị, trước vận mệnh của non sông, đất nước, họ có đủ tài, đủ đức, đủ sức để gánh vác trọng trách nặng nề mà Nhân dân, tổ quốc giao phó và người dân có quyền đặt rất nhiều kỳ vọng, mong muốn họ thật sự là một công dân tốt, một cán bộ tốt, lúc nào, ở đâu cũng vì Tổ quốc, Nhân dân trên hết, hội tụ đủ đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư’. Như Bác Hồ lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã từng nói.

No comments: