Chiềng Chạ
Đã dấn thân vào con đường của một đấng chân tu thì tốt hơn hết không nên và không được lấm bụi thế sự, đưa bàn tay của mình lấn sang những địa hạt khác để mưu cầu tham vọng kẻo chuốc vào mình những cay đắng trần ai. Đó là bài học mà Tổng Giám mục Pièrre Martin Ngô Đình Thục (sinh ngày 6-10-1897 tại Phủ Cam, Huế, mất năm 1984, Hoa Kỳ) đã để lại từ chính hành trình cuộc đời nhiều nhiều tham vọng mà cũng nhiều cay đắng của ông với cái kết không thể đau đớn hơn: "Là một người khoác áo nhà tu nhưng Ngô Đình Thục đã có không ít những hành động sai quấy cả trên phương diện đạo đức lẫn chính trị, khiến cho chế độ gia đình trị của hai người em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu rốt cuộc đã bị xoá sổ mau chóng sau chưa đầy một thập niên làm mưa làm gió trên chính trường Sài Gòn" (Theo Sách hiếm).
Sinh ra trong một gia đình quan lại cấp cao chế độ Phong kiến Triều Nguyễn theo đạo Công giáo, song cái điều đặc biệt là Ngô Đình Thục (Con thứ của ông Ngô Đình Khả, Quan thượng thư của Triều đình Nhà Nguyễn) đã chọn cho mình một lối đi riêng trong khi đang theo học tại trường tư thục Pellerin ở Huế (năm đó Thục mới 12 tuổi). Bước chân vào con đường của một tu sỹ trọn đời, Ngô Đình Thục lần lượt vào học ở Tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị) rồi tới tháng 9/1917, vào học ở Đại Chủng viện Phú Xuân thuộc Giáo phận Huế. Cái chết đột ngột của người anh cả (Ngô Đình Khôi, một viên quan rất có máu mặt và khét tiếng gian ác của chế độ Nam Triều bị nhân dân trừng trị và phải chết bất đắc kỳ tử) đã khiến Thục quyết tâm lựa chọn con đường đã lựa chọn!
Và cũng bởi xuất thân trong một gia đình quan lại có tư tưởng thân Pháp nên con đường tu học của Thục cũng rất hanh thông, thuận lợi. Thay vì tiếp tục theo học tại các Đại chủng viện trong nước thì lần lượt Thục được gửi ra các địa chỉ có tiếng ở nước ngoài để đào tạo: Trường Truyền giáo Rome (tháng 11/1919) và Thục cũng sớm được gặp gỡ, làm thân với số chức sắc cao cấp của Tòa thánh, nhất là cuộc gặp với Giáo hoàng Piô XI trong chuyến đi cùng Quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài! Đây cũng chính là những nền tảng để sau này Thục được học hành tại các trung tâm lớn, tấn phong Giám mục Giám quản tông Tòa Giáo phận Vĩnh Long (năm 1938) và được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Huế (ngày 24/11/1960).
Tuy nhiên, cuộc đời của Thục sẽ trở nên hoàn hảo và sẽ không phải bị cắt chức, sống tha phương cầu thực trong cảnh bần hàn nơi xứ người đến lúc chết (năm 1984, tại Mỹ) nếu như ông ta an phận là một thầy tu, đúng nghĩa là một chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo. Và tin chắc rằng, nếu giữ cái đời sống trọn tận hiến của mình thì biết đâu Thục sẽ được tấn phong Hồng Y và được Tòa thánh vời sang làm việc tại Roma và giữ những chức vụ cao trong tổ chức giáo hội hoàn vũ này. Nhưng tất cả đã thay đổi từ cái thời khắc Thục lấy cái "quyền huynh thế phụ" của mình (sau khi Ngô Đình Khôi bị giết chết) và tham gia vào cái gọi là "cuộc vận động hành lang cho sự ra đời của một chế độ riêng của gia tộc Ngô Đình" sau thời điểm Thục được thụ phong Giám mục Giám quản tông Tòa Giáo phận Vĩnh Long (năm 1938).
Ngô Đình Thục trả lời báo chí Mỹ tại thủ đô Washington (Mỹ) sau cuộc gặp lịch sử với Hồng y Spellman (Nguồn: internet).
Diễn tả về vai trò của Thục trong việc điều đình để dẫn đến sự ra đời của "nền Cộng hòa đệ nhất" và đưa Ngô Đình Diệm (em Thục) lên ngôi Tổng thống vượt mặt cựu hoàng Bảo Đại thông qua Hồng y Spellman "người được Giám mục Thục vận động để đở đầu cho “lá bài” Ngô Đình Diệm trong chính giới Mỹ vào đầu thập niên 1950’, Sách hiếm viết như sau: "Giám mục Ngô Đình Thục có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Ngô Đình Diệm cũng như những người em khác trong gia tộc Ngô Đình. Chính nhà tu này đã có vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế những mối quan hệ hữu hảo với phương Tây thông qua Hồng y Giáo chủ Spellman để cuối cùng Washington đã chọn Ngô Đình Diệm làm con bài chống Cộng chủ đạo ở Việt Nam sau khi quân đội viễn chinh Pháp phải thua chạy khỏi đây sau trận Điện Biên Phủ. Cũng chính Ngô Đình Thục đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình lôi Ngô Đình Diệm từ sân sau của chính trường Sài Gòn để giúp ông thu được 98% (?!) số phiếu ủng hộ của các cử tri miền Nam trong cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu ngày 23/10/1955 và nhờ thế, Ngô Đình Diệm đã qua mặt được vua Bảo Đại tiến tới ngôi Tổng thống".Việc tham gia thế tục của Thục không chỉ lại ở việc dẫn dắt em trai của mình lên vị trí "vua" mà đổi lại, Thục lại sử dụng cái địa vị của những đứa em của mình để làm giàu cho bản thân, giáo hội: "Một khi em đã làm "vua" thế sự thì anh cũng dễ dàng hơn trong những thăng tiến ở nhà thờ. Ngày 24/11/1960, Ngô Đình Thục đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Huế. Và ông ta đã tận dụng tối đa ảnh hưởng của ông em Tổng thống để triển khai đủ loại hoạt động kinh tế (thí dụ như khai thác lâm sản, mua thương xá Tax, làm chủ nhà sách Albert Portail...), để kiếm lời bạc tỷ. Thậm chí đã có lúc Ngô Đình Thục dùng lính bộ binh và cả xe bọc thép thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và vận chuyển cho các vụ khai thác gỗ rừng trong các tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, lấy vật liệu của công và nhân viên chính quyền để xây cư xá Vĩnh Long, tổ chức lễ Ngân khánh (25 năm ngày Ngô Đình Thục được Vatican phong làm Tổng Giám mục) cưỡng ép công chức cao cấp và thương gia nộp tiền… Một vị linh mục ở Sài Gòn thời đó tên là Trần Tam Tỉnh đã thuật lại việc tổ chức mừng lễ Ngân khánh trong quyển biên khảo Thập giá và Lưỡi gươm(Nhà xuất bản Sud - Est Asie, Paris, 1978): "Từ tháng 3/1963, một ủy ban ngân khánh đã được thành lập do chủ tịch quốc hội làm chủ tịch với nhiều vị bộ trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên. Người ta tổ chức tại Sài Gòn một bữa tiệc mà mỗi thực khách phải đóng 5.000 đồng. Người ta muốn biến lễ Ngân khánh này thành quốc lễ".
Đương nhiên, để dẫn đến cuộc đảo chính đẫm máu diễn ra vào tháng 11/1963, ngoài những chính sách sai lầm do Diệm - Nhu thực hiện thì cách hành xử đánh đồng thần quyền với thế quyền của Ngô Đình Thục "đã gây nên nhiều bê bối trong dư luận" và khiến cho một bộ phận giới ngụy quân, ngụy quyền chán ghét nên đã nảy ra ý định đảo chính! Nhận xét về điều này, Linh mục Trần Tam Tỉnh đã viết như sau: "Là anh của Tổng thống Diệm, Ngô Đình Thục nghĩ rằng ông ta, đã hóa thành trí não tuyệt vời của chế độ. Người ta tìm đến ông để xin xỏ ân huệ, đặc quyền. Giám mục làm như là hiện thân của giáo hội, cũng như ông em là hiện thân của Nhà nước…". Rồi để Thục lên Hồng Y nhằm gia tăng thanh thế, địa vị chính trị của Gia đình Họ Ngô, Ngô Đình Diệm đã nghĩ đến cả những việc như "đã dùng mọi thủ đoạn để gia tăng giáo dân, trong đó có việc cưỡng bách sĩ quan, binh sĩ và dân chúng theo Thiên Chúa giáo, ai không theo bị chúng vu khống là cộng sản rồi bắt bỏ tù. Họ khủng bố Cao Đài, Hòa Hảo, tận diệt Quốc Dân đảng và Đại Việt…". Hành động này vô tình đã vô tình khiến các tôn giáo khác (ngoài đạo Công giáo) đối địch và chán ghét chế độ của Ngô Đình Diệm.
Sự liên hệ mật thiết giữa thần quyền - thế quyền đã đẻ ra một lứa các Linh mục làm tiền, không coi ra gì, họ bắt người của chế độ phải phục tùng họ như thể tất thảy là con chiên của mình! Cái bóng, sự bao quyền của Thục đã dung dưỡng cho điều đó.
Và như một cái kết quả tất yếu, không thể khác được, trước những làn sóng phản đối chế độ do Diệm - Nhu điều hành từ các giới, giai tầng xã hội đang dâng cao và có thể đi đến một cục diện không có lợi cho Mỹ tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Người Mỹ đã tính đến tình huống loại bỏ chế độ gia đình trị của họ Ngô. Bản thân Thục cũng nhận thức được điều này nên đích thân ông đã có một chuyến đi Vatican để tìm cách vận động, thay đổi suy nghĩ của người Mỹ, Tòa thánh về chế độ Diệm - Nhu trên trường quốc tế nhưng dường như tất cả đã quá muộn! Quyết tâm của người Mỹ phải loại bỏ bằng được chế độ Diệm - Nhu đã khiến cho chuyến đi của Thục trở nên công cốc.
Diệm - Nhu - Cẩn lần lượt bị giết chết bằng những cuộc đảo chính sau đó, bản thân Thục bị tước mọi chức vụ tôn giáo và bắt đầu đời sống lưu vong trên đất Mỹ... là một cái kết không thể cay đắng hơn cho những gì mà Thục đã cố gắng sản sinh ra! Và xin thưa rằng, khi nghĩ lại, vớt vát lại thì đã quá muộn!
Và có vẻ như, sau tất cả những cái kết cay đắng này gia tộc hộ Ngô vẫn còn nhiều người chưa thực sự tỉnh ngộ. Cái cách thức hành đạo - đời lẫn lộn của Nguyễn Văn Thuận (người gọi Thục - Diệm - Nhu - Cẩn là cậu ruột, Hồng y đẳng phó tế nhà thờ Santa Maria della Scala(2001–2002), Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình (1994–1998), Tổng giám mục Phó Sài Gòn(1975–1994), Giám mục chính tòa Nha Trang (1967–1975)) là ví dụ. Có chăng, nếu như Thục - Diệm - Nhu - Cẩn bị người Mỹ tận diệt vì đã đi quá giới hạn cho phép thì Nguyễn Văn Thuận lại bị chế độ mới "chiếu tướng" vì thái độ chống đối, bất chấp pháp luật của mình trong quá trình mục vụ!
Trong bối cảnh hiện tại, dù đã không ít những bài học như thế, những lời dẫn dụ như thế nhưng xem chừng không phải vị Giám mục, Linh mục nào cũng hiểu và điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp, nhất là một bộ phận chức sắc tại Giáo phận Vinh. Nhưng, thiết nghĩ rằng, để cung cách hành đạo không ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và đàn chiên của mình thì nên chăng bài học từ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, Hồng y Nguyễn Văn Thuận nên được phổ biến với những giá trị hiện sinh của nó. Có như vậy, giáo hội Công giáo mới có những sự phát triển thực sự bền vững và như ý.
No comments:
Post a Comment